Hệ thống pháp luật

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 339/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 01 tháng 7 năm 2025

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ PHẠM MINH CHÍNH TẠI HỘI NGHỊ TOÀN QUỐC TỔNG KẾT CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI, CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG VÀ PHONG TRÀO “CẢ NƯỚC CHUNG SỨC XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI”, PHONG TRÀO “VÌ NGƯỜI NGHÈO - KHÔNG ĐỂ AI BỊ BỎ LẠI PHÍA SAU” GIAI ĐOẠN 2021-2025

Ngày 22 tháng 6 năm 2025, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị toàn quốc tổng kết Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững (sau đây gọi là 02 Chương trình), Phong trào “Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới”, Phong trào “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021 - 2025 (sau đây gọi là 02 Phong trào). Đồng chủ trì Hội nghị tại điểm cầu Trụ sở Chính phủ có Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 (sau đây gọi tắt là Ban Chỉ đạo Trung ương), Phó Thủ tướng Chính phủ Mai Văn Chính, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan.

Cùng dự Hội nghị có Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà; đại diện lãnh đạo các cơ quan trung ương: Ban Chính sách, chiến lược Trung ương; Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương; Hội đồng lý luận Trung ương, Văn phòng Chủ tịch nước; Hội đồng Dân tộc, Ủy ban Kinh tế và Tài chính; Ủy ban Văn hóa và Xã hội; Ủy ban Pháp luật và Tư pháp; Kiểm toán Nhà nước; Thường trực Hội đồng Thi đua khen thưởng trung ương. Các Bộ, cơ quan, thành viên Ban chỉ đạo trung ương: Tài chính, Quốc phòng, Công an, Nông nghiệp và Môi trường, Dân tộc và Tôn giáo, Y tế, Xây dựng, Công Thương, Nội vụ, Tư pháp, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Khoa học và Công nghệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Văn phòng Chính phủ; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Ngân hàng Chính sách xã hội, một số Tổng công ty, Tập đoàn, tổ chức quốc tế; một số tập thể, cá nhân tiêu biểu có thành tích xuất sắc trong thực hiện 02 Phong trào.

Tham dự Hội nghị tại điểm cầu của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có Bí thư tỉnh ủy, thành ủy, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị liên quan của địa phương, các tập thể, cá nhân của địa phương được khen thưởng trong thực hiện 02 phong trào thi đua.

Sau khi nghe Báo cáo của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Nội vụ, ý kiến của các đại biểu dự họp, ý kiến phát biểu của Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có kết luận như sau:

1. Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao, biểu dương những nỗ lực, cố gắng và chúc mừng những kết quả đáng ghi nhận mà 02 Chương trình và 02 Phong trào đã đạt được thời gian qua. Các báo cáo, tham luận, ý kiến phát biểu tâm huyết, sâu sắc, sát thực tiễn tại Hội nghị đã khẳng định những kết quả đạt được; thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân; nhận diện tình hình, cơ hội, thách thức và đề xuất định hướng lớn để tiếp tục thực hiện công tác giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2026-2035.

Việc tổng kết các Chương trình ngay trong tháng 6 năm 2025 (trước 6 tháng so với kế hoạch) và trước khi cả nước vận hành mô hình chính quyền địa phương 02 cấp từ ngày 01 tháng 7 năm 2025 là đúng đắn, cần thiết, sẵn sàng cùng cả nước chuẩn bị bước vào kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

2. Về kết quả thực hiện của 02 Chương trình và 02 phong trào giai đoạn 2021 -2025:

Hai Chương trình đã cơ bản đạt và vượt các mục tiêu được giao thực hiện trong giai đoạn 2021-2025[1]. Đến thời điểm hiện tại, cả nước có 6.084/7.669 xã (79,3%) đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 10,6% so với cuối năm 2021 và cơ bản hoàn thành mục tiêu cả giai đoạn 2021-2025 được giao); có 2.567 xã (42,4%) đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (tăng 2.064 xã so với cuối năm 2021, vượt mục tiêu cả giai đoạn 2021-2025 được giao) và 743 xã (12,3%) đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (tăng 700 xã so với cuối năm 2021, vượt mục tiêu cả giai đoạn 2021-2025 được giao); bình quân cả nước đạt 17,5 tiêu chí/xã (tăng 0,5 tiêu chí so với cuối năm 2021);

Đối với cấp huyện, cả nước có 329/646 đơn vị cấp huyện (51%) đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 116 đơn vị so với cuối năm 2021, vượt mục tiêu cả giai đoạn 2021-2025 được giao), trong số các huyện đạt chuẩn nông thôn mới, đến nay đã có 48/240 huyện (20%) được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (hoàn thành mục tiêu cả giai đoạn 2021-2025 được giao); đối với cấp tỉnh, có 12 tỉnh, thành phố đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (đạt 80% mục tiêu cả giai đoạn 2021-2025 được giao), về thu nhập bình quân của người dân nông thôn, năm 2024 đạt 54 triệu đồng/người/năm (tăng 1,3 lần so với năm 2020).

Thực tế cho thấy, những kết quả đạt được đã minh chứng rõ nét về định hướng, giải pháp thực hiện giảm nghèo nhanh, bền vững tại các Nghị quyết Đại hội X, XI, XII, XIII của Đảng, tính đúng đắn của chủ trương xây dựng và triển khai Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05 tháng 8 năm 2008 và Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16 tháng 6 năm 2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, hiệu quả mang lại rất tích cực: Góp phần cơ cấu lại, phát triển kinh tế đất nước theo hướng nhanh, bền vững; cơ sở hạ tầng, diện mạo nông thôn, đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn được nâng lên toàn diện; Việt Nam trở thành hình mẫu thế giới về thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ, trong đó có giảm nghèo, phát triển nông thôn.

Các phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” do Thủ tướng Chính phủ phát động, cuộc vận động “Toàn dân xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động, có sức lan tỏa mạnh mẽ, sâu rộng trong cả hệ thống chính trị và mọi tầng lớp Nhân dân, phát huy mạnh mẽ vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Trong 5 năm 2025, cả nước đã huy động được khoảng 3,7 triệu tỷ đồng cho xây dựng nông thôn mới. Có hàng triệu hộ dân tự nguyện hiến hơn 98,2 triệu m2 đất, đóng góp hàng chục nghìn tỷ đồng và ngày công xây dựng nông thôn mới.

3. Tồn tại, hạn chế và nguyên nhân

Trong thực tiễn triển khai thực hiện 02 Chương trình vẫn còn một số hạn chế, vướng mắc và thách thức như: Tỷ lệ giải ngân vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, giải ngân vốn sự nghiệp còn thấp; một số nơi còn rủi ro tái nghèo. Với 02 phong trào thi đua, mặc dù đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ, vẫn còn những điểm nghẽn cần được giải quyết một cách căn cơ để đảm bảo sự phát triển bền vững và bao trùm cho khu vực nông thôn trong giai đoạn tiếp theo. Nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của một số cấp ủy đảng, chính quyền có nơi có lúc chưa đầy đủ; công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai phong trào thi đua của một số cấp ủy, chính quyền chưa thật sự sâu sát và đi vào thực chất, thiếu sự phân công theo dõi, đôn đốc, kiểm tra thường xuyên.

4. Bài học kinh nghiệm:

a) Sự lãnh đạo của Đảng, thường xuyên, trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và hiện nay là Tổng Bí thư Tô Lâm đóng vai trò quyết định để đạt được những thành công của 02 Chương trình thời gian qua;

b) 02 Chương trình đã nhận được sự chung sức, đồng lòng của nhân dân, sự vào cuộc tích cực, hiệu quả của cả hệ thống chính trị; sự hợp tác của bạn bè quốc tế;

c) Cần phát huy được sức mạnh tổng hợp trong mối quan hệ giữa phát triển nông nghiệp, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân; phát huy nguồn lực thiên nhiên, nền văn hóa, văn minh lúa nước và phát huy nguồn lực con người, sự tham gia của người dân.

5. Định hướng nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới:

a) Đất nước ta đang bước vào giai đoạn phát triển trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng của dân tộc; cần tiếp tục thực hiện các chương trình, phong trào thi đua, kiên trì, kiên định để thực hiện bằng được mục tiêu xây dựng “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh” và “giảm nghèo toàn diện, bao trùm và bền vững”.

b) Để đạt mục tiêu đề ra, cả hệ thống chính trị cần tập trung thực hiện "4 đẩy mạnh": (1) Đẩy mạnh hoàn thiện thể chế để nông dân là trung tâm, là chủ thể, nông nghiệp là động lực, nông thôn là nền tảng của sự phát triển; thực hiện giảm nghèo cả khu vực nông thôn và thành thị, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; (2) Đẩy mạnh phát triển hạ tầng chiến lược cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn (gồm hạ tầng giao thông, thủy lợi, năng lượng, y tế, văn hóa, giáo dục, thể thao, hạ tầng số...) theo hướng xanh và bền vững; (3) Đẩy mạnh xây dựng, phát triển yếu tố con người, nhất là nông dân phù hợp với yêu cầu phát triển giai đoạn mới, mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, thực hiện “bộ tứ trụ cột" theo 4 Nghị quyết của Bộ Chính trị; (4) Đẩy mạnh đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP phù hợp nhu cầu, yêu cầu, xu hướng tiêu dùng của thị trường trong nước và thế giới; đa dạng hóa chuỗi cung ứng, thị trường xuất khẩu trong nông nghiệp.

Người nông dân cần thực hiện "3 tiên phong": (1) Tiên phong thoát nghèo và thi đua làm giàu (2) Tiên phong xây dựng nông dân văn minh; (3) Tiên phong sản xuất xanh, bền vững, chuyển đổi số và đặc biệt là hưởng ứng phong trào Bình dân học vụ số, xây dựng nền kinh tế số, xã hội số, công dân số.

c) Về nhiệm vụ các bộ, cơ quan, địa phương:

- Các Bộ, cơ quan địa phương tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, hiệu quả các chỉ đạo của của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nhất là của đồng chí Tổng Bí thư; khẩn trương xây dựng các Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2026-2035 theo hướng tích hợp thành 1 Chương trình; huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, phân công 6 rõ: “Rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm, rõ thẩm quyền”; tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách để giải phóng nguồn lực, lấy nguồn lực nhà nước đóng vai trò "vốn mồi" dẫn dắt, kích hoạt mọi nguồn lực xã hội, kêu gọi đoàn kết, chung tay của tất cả người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy hợp tác công tư; đào tạo nhân lực; đầu tư hạ tầng; làm tốt các chính sách xã hội, bảo đảm an sinh, không để ai bị bỏ lại phía sau, không hy sinh tiến bộ, công bằng, an sinh xã hội và môi trường nông thôn để chạy theo tăng trưởng đơn thuần.

Việc triển khai chương trình, phong trào phải sống động, thực chất, đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện, mang lại hiệu quả, có thể lượng hóa được kết quả. Khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thời gian qua, có công cụ để ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trong quá trình thực hiện. Các cơ quan báo chí truyền thông cần vào cuộc đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền tạo sự đồng thuận, thống nhất cao. Tổ chức thực hiện hiệu quả, bảo đảm sự hưởng thụ thực chất của người dân, không chỉ chạy theo thành tích.

- Bộ Nông nghiệp và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan khẩn trương hoàn thiện Báo cáo tổng kết Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trước ngày 15 tháng 7 năm 2025, báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định; nghiên cứu xây dựng dự thảo Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới các cấp, đảm bảo đầy đủ căn cứ pháp lý, nguồn lực thực hiện, phù hợp với giai đoạn tới; báo cáo Đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình giai đoạn 2026-2035 theo hướng tích hợp 02 Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững thành 01 Chương trình mục tiêu quốc gia trong giai đoạn 2026-2035 trình Chính phủ cho ý kiến trong tháng 7 năm 2025 trước khi báo cáo, trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 10 năm 2025.

- Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến, sớm hoàn thiện báo cáo tổng kết 02 Phong trào thi đua; nghiên cứu, tham mưu Thủ tướng Chính phủ phát động, lồng ghép 02 Phong trào thi đua của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững thành 01 Phong trào thi đua cho giai đoạn 2026-2035.

d) Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương:

- Khẩn trương kiện toàn Ban Chỉ đạo các cấp ngay sau khi kiện toàn chính quyền địa phương 02 cấp để bảo đảm không gián đoạn công tác chỉ đạo thực hiện 02 Chương trình từ nay đến hết năm 2025; quan tâm chỉ đạo ổn định đội ngũ cán bộ, bộ máy làm công tác xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ trong giai đoạn tới;

- Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn ngân sách nhà nước được giao, phấn đấu hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công thực hiện 02 Chương trình mục tiêu quốc gia trong năm 2025 theo quy định;

- Khẩn trương chỉ đạo các cơ quan chức năng tổ chức đánh giá hiện trạng xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững trên địa bàn sau sắp xếp, làm cơ sở xác định cụ thể mục tiêu, nhiệm vụ cần thực hiện giai đoạn 2026-2030 và định hướng đến 2035; kịp thời nắm bắt và giải quyết ngay các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.

Văn phòng Chính phủ thông báo để các Bộ, cơ quan, địa phương liên quan biết, thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Ban Bí thư TW Đảng;
- TTgCP, các PTTgCP;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Văn phòng Trung ương Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Quốc hội;
- Hội đồng Dân tộc của QH và các Ủy ban của QH;
- Trung ương Hội Nông dân Việt Nam;
- Ban Thi đua - Khen thưởng TW;
- Tỉnh ủy, Thành ủy, HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Các Thành viên Ban Chỉ đạo TW;
- VPCP: BTCN, PCN Phạm Mạnh Cường, Trợ lý TTgCP,
Thư ký TTg, các PTTgCP; các Vụ: KGVX, QHĐP, TCCV, TKBT, KTTH; Cổng TTĐTCP;
- Lưu VT, NN (03). Hg.

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Phạm Mạnh Cường

 



[1] Đến hết năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều trên cả nước giảm còn 1,93%, đạt chỉ tiêu giảm bình quân từ 1 đến 1,5%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo giảm còn 24,86% bình quân giảm 6,7%/năm vượt chỉ tiêu và tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số còn 12,55%, bình quân giảm 4,45%/năm, đạt chỉ tiêu. Tổng số hộ nghèo, hộ cận nghèo đầu kỳ là 2.393.332 hộ dự kiến cuối năm 2025 còn 1.256.197 hộ, đạt 52,49%, vượt 2,49% so với chỉ tiêu giảm 1/2 số hộ nghèo và hộ cận nghèo so với đầu kỳ theo chuẩn nghèo đa chiều của quốc gia; 19 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo đạt chuẩn nông thôn mới, thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, đạt 35,2%, vượt mục tiêu

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông báo 339/TB-VPCP năm 2025 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị toàn quốc tổng kết Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, phong trào “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021-2025 do Văn phòng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 339/TB-VPCP
  • Loại văn bản: Thông báo
  • Ngày ban hành: 01/07/2025
  • Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
  • Người ký: Phạm Mạnh Cường
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/07/2025
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản