Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 21/2025/QĐ-TTg

Hà Nội ngày 04 tháng 7 năm 2025

 

QUYẾT ĐỊNH

QUY ĐỊNH TIÊU CHÍ MÔI TRƯỜNG VÀ VIỆC XÁC NHẬN DỰ ÁN ĐẦU TƯ THUỘC DANH MỤC PHÂN LOẠI XANH

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 18 tháng 02 năm 2025;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 17 tháng 11 năm 2020;

Căn cứ Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;

Căn cứ Nghị định số 05/2025/NĐ-CP ngày 06 tháng 01 năm 2025 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường;

Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định quy định tiêu chí môi trường và việc xác nhận dự án đầu tư thuộc danh mục phân loại xanh.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Quyết định này quy định tiêu chí môi trường và việc xác nhận dự án đầu tư đáp ứng tiêu chí môi trường để được hưởng chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước về tín dụng xanh, trái phiếu xanh.

2. Dự án đầu tư quy định tại khoản 1 Điều này là dự án đầu tư thuộc danh mục phân loại xanh.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Chủ dự án đầu tư, chủ thể phát hành trái phiếu xanh có nhu cầu xác nhận dự án đầu tư thuộc danh mục phân loại xanh.

2. Cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xác nhận dự án đầu tư thuộc danh mục phân loại xanh.

3. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước về tín dụng xanh, trái phiếu xanh.

4. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam tham gia thực hiện chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước về tín dụng xanh.

5. Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

6. Khuyến khích các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam áp dụng quy định tại Quyết định này để xác định và thực hiện cấp tín dụng xanh cho chủ dự án đầu tư thuộc danh mục phân loại xanh theo chính sách riêng của tổ chức đó và phù hợp với quy định của pháp luật.

Điều 3. Tiêu chí môi trường đối với dự án đầu tư thuộc danh mục phân loại xanh

1. Có quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc giấy phép môi trường hoặc đăng ký môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, trừ dự án đầu tư được miễn thủ tục môi trường theo quy định của pháp luật.

2. Thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường hoặc mang lại lợi ích về môi trường và đáp ứng các yêu cầu quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Quyết định này.

Điều 4. Cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xác nhận dự án đầu tư thuộc danh mục phân loại xanh

1. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc cấp giấy phép môi trường đối với dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

2. Tổ chức xác nhận độc lập đáp ứng đầy đủ các yêu cầu sau:

a) Có tư cách pháp nhân theo quy định của pháp luật;

b) Thực hiện đăng ký kinh doanh tại Việt Nam hoặc được thành lập theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

c) Thuộc một trong các loại hình sau:

Kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp hoặc có chức năng đánh giá sự phù hợp theo quy định của pháp luật;

Kinh doanh dịch vụ kiểm toán;

d) Có hệ thống quản lý và năng lực hoạt động đáp ứng một trong các yêu cầu sau:

Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO/IEC 17029:2020 hoặc Tiêu chuẩn quốc tế ISO/IEC 17029:2019 về đánh giá sự phù hợp - Nguyên tắc chung và yêu cầu đối với tổ chức xác nhận giá trị sử dụng và kiểm tra xác nhận;

Chuẩn mực Việt Nam về hợp đồng dịch vụ đảm bảo số 3000 - Hợp đồng dịch vụ đảm bảo ngoài dịch vụ kiểm toán và soát xét thông tin tài chính quá khứ hoặc Chuẩn mực Quốc tế về dịch vụ đảm bảo (ISAE 3000) hoặc các chuẩn mực sửa đổi, bổ sung, thay thế được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam ban hành theo quy định của pháp luật.

Điều 5. Xác nhận dự án đầu tư thuộc danh mục phân loại xanh

Việc xác nhận dự án đầu tư thuộc danh mục phân loại xanh được thực hiện theo đề nghị của chủ đầu tư dự án, chủ thể phát hành trái phiếu xanh và theo một trong các hình thức sau đây:

1. Xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Quyết định này được thực hiện như sau:

a) Chủ đầu tư dự án đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận dự án đầu tư thuộc danh mục phân loại xanh đồng thời với việc giải quyết thủ tục hành chính về thẩm định, phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc cấp giấy phép môi trường;

b) Cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc cấp giấy phép môi trường tổ chức đánh giá, xác nhận dự án đầu tư thuộc danh mục phân loại xanh trong quá trình thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, xem xét cấp giấy phép môi trường. Kết quả xác nhận thể hiện trong quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc giấy phép môi trường.

2. Xác nhận của tổ chức xác nhận độc lập theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Quyết định này thực hiện như sau:

a) Chủ đầu tư dự án đầu tư, chủ thể phát hành trái phiếu xanh gửi hồ sơ đề nghị tổ chức xác nhận độc lập xác nhận dự án đầu tư thuộc danh mục phân loại xanh;

b) Tổ chức xác nhận độc lập thực hiện kiểm tra, xem xét hồ sơ để xác nhận dự án đầu tư thuộc danh mục phân loại xanh bảo đảm tính độc lập, khách quan theo tiêu chuẩn hoặc chuẩn mực của tổ chức xác nhận độc lập quy định tại điểm d khoản 2 Điều 4 Quyết định này; thời hạn xác nhận và kinh phí xác nhận thực hiện theo thỏa thuận giữa tổ chức xác nhận độc lập với chủ đầu tư dự án và theo quy định của pháp luật có liên quan;

c) Tổ chức xác nhận độc lập chịu trách nhiệm trước pháp luật, cơ quan, tổ chức thực hiện chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước về tín dụng xanh, trái phiếu xanh và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan về kết quả xác nhận của mình.

3. Việc kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm đối với hoạt động xác nhận dự án đầu tư thuộc danh mục phân loại xanh được thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và pháp luật khác có liên quan.

Điều 6. Hồ sơ đề nghị xác nhận dự án đầu tư thuộc danh mục phân loại xanh

1. Trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận dự án đầu tư thuộc danh mục phân loại xanh theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Quyết định này thì nội dung đề nghị xác nhận dự án đầu tư thuộc danh mục phân loại xanh được thể hiện trong hồ sơ đề nghị thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường, bao gồm:

a) Nội dung đề nghị xác nhận dự án đầu tư thuộc danh mục phân loại xanh thể hiện trong đơn đề nghị thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc cấp giấy phép môi trường;

b) Nội dung thuyết minh dự án đầu tư đáp ứng tiêu chí môi trường quy định tại Điều 3 Quyết định này bao gồm các nội dung quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Quyết định này và được thể hiện thành một chương riêng trong báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường.

2. Trường hợp tổ chức xác nhận độc lập xác nhận dự án đầu tư thuộc danh mục phân loại xanh theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Quyết định này thì hồ sơ đề nghị xác nhận dự án đầu tư thuộc danh mục phân loại xanh bao gồm:

a) Văn bản đề nghị xác nhận dự án đầu tư thuộc danh mục phân loại xanh theo mẫu quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Quyết định này;

b) Quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường trong trường hợp dự án đầu tư thuộc đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường hoặc giấy phép môi trường trong trường hợp dự án đầu tư không thuộc đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường nhưng thuộc đối tượng phải cấp giấy phép môi trường hoặc đăng ký môi trường trong trường hợp dự án đầu tư thuộc đối tượng phải đăng ký môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;

c) Báo cáo thuyết minh dự án đầu tư thuộc danh mục phân loại xanh tại thời điểm đề nghị cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh hoặc thời điểm đề nghị được hưởng chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước về tín dụng xanh, trái phiếu xanh theo mẫu quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Quyết định này.

Điều 7. Văn bản xác nhận dự án đầu tư thuộc danh mục phân loại xanh

1. Trường hợp việc xác nhận dự án đầu tư thuộc danh mục phân loại xanh theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Quyết định này thì nội dung xác nhận được thể hiện trong quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc trong giấy phép môi trường, trong đó phải bao gồm các thông tin quy định tại khoản 2 Điều này.

Trong trường hợp này, quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc giấy phép môi trường có giá trị pháp lý tương đương với văn bản xác nhận dự án đầu tư thuộc danh mục phân loại xanh.

2. Trường hợp việc xác nhận dự án đầu tư thuộc danh mục phân loại xanh theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Quyết định này, văn bản xác nhận dự án đầu tư thuộc danh mục phân loại xanh phải bao gồm các thông tin sau đây:

a) Thông tin chung về tổ chức xác nhận;

b) Tên chủ dự án đầu tư, chủ thể phát hành trái phiếu xanh;

c) Phạm vi, quy mô hoạt động của dự án đầu tư;

d) Tóm tắt công nghệ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; thông tin cơ bản về sản phẩm của dự án đầu tư;

đ) Nội dung xác nhận đã đáp ứng các tiêu chí môi trường quy định tại Điều 3 Quyết định này;

e) Các yêu cầu để đáp ứng, duy trì các tiêu chí môi trường quy định tại Điều 3 Quyết định này;

g) Các yêu cầu khác (nếu có).

3. Văn bản xác nhận dự án đầu tư thuộc danh mục phân loại xanh theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này là một trong các căn cứ để chủ dự án đầu tư, chủ thể phát hành trái phiếu xanh đề nghị được hưởng chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước về tín dụng xanh, trái phiếu xanh theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và pháp luật khác có liên quan.

Điều 8. Trách nhiệm của chủ dự án đầu tư sau khi được xác nhận dự án đầu tư thuộc danh mục phân loại xanh

1. Đáp ứng, duy trì các tiêu chí môi trường quy định tại Điều 3 Quyết định này.

2. Gửi văn bản thông báo về dự án đầu tư đã được xác nhận thuộc danh mục phân loại xanh về Bộ Nông nghiệp và Môi trường trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày có văn bản xác nhận để tổng hợp, theo dõi; mẫu văn bản thông báo về dự án đầu tư đã được xác nhận thuộc danh mục phân loại xanh quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Quyết định này.

3. Thực hiện các trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật có liên quan.

Điều 9. Tổ chức thực hiện

1. Bộ Nông nghiệp và Môi trường có trách nhiệm:

a) Hướng dẫn, tuyên truyền, phổ biến việc thực hiện Quyết định này;

b) Tổng hợp các khó khăn, vướng mắc và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét cập nhật, sửa đổi, bổ sung Quyết định này phù hợp với thực tiễn;

c) Tổng hợp, cập nhật danh mục dự án đầu tư thuộc danh mục phân loại xanh trên Cổng thông tin điện tử của bộ;

d) Điều chỉnh, bổ sung danh mục dự án đầu tư thuộc danh mục phân loại xanh quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Quyết định này.

2. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Môi trường cập nhật, kết nối, liên thông dữ liệu về dự án đầu tư thuộc danh mục phân loại xanh vào hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về đầu tư theo quy định của pháp luật.

3. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam thực hiện các quy định tại Quyết định này.

4. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Quyết định này theo thẩm quyền, định kỳ hàng năm báo cáo Bộ Nông nghiệp và Môi trường tình hình triển khai thực hiện các dự án đầu tư thuộc danh mục phân loại xanh trên địa bàn.

5. Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, cơ quan, tổ chức có liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ và lĩnh vực quản lý nhà nước được giao có trách nhiệm tổ chức thực hiện Quyết định này.

Điều 10. Điều khoản thi hành

1. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 22 tháng 8 năm 2025.

2. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 


Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán nhà nước;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, NN (2b)NXT.

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Trần Hồng Hà

 

PHỤ LỤC I

LĨNH VỰC, LOẠI HÌNH DỰ ÁN ĐẦU TƯ ĐƯỢC XEM XÉT, XÁC NHẬN THUỘC DANH MỤC PHÂN LOẠI XANH
(Kèm theo Quyết định số 21/2025/QĐ-TTg ngày 04 tháng 7 năm 2025 của Thủ tướng Chính phủ)

STT

Lĩnh vực, loại hình dự án đầu tư

Lĩnh vực bảo vệ môi trường hoặc lợi ích về môi trường

Yêu cầu

Tín dụng xanh[1]

Trái phiếu xanh[2]

 

(1)

(2)

(3)

(4)

(5)

A

NĂNG LƯỢNG

1

Sản xuất điện mặt trời

Ứng phó với biến đổi khí hậu

Phát triển nguồn năng lượng tái tạo

Đáp ứng đồng thời các yêu cầu sau:

1. Hiệu suất của tế bào quang điện hoặc module quang điện phải đáp ứng quy định đối với hệ thống điện mặt trời nối lưới, điện mặt trời mái nhà được hưởng cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời.

2. Không giới hạn hiệu suất chuyển đổi quang điện đối với các dự án điện năng lượng mặt trời tập trung.

3. Thiết bị được sử dụng để sản xuất điện mặt trời phải được chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy, kiểm định, hiệu chuẩn theo quy định của pháp luật.

4. Thực hiện trách nhiệm tái chế, xử lý sản phẩm của nhà sản xuất, nhập khẩu theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

2

Sản xuất điện gió

Ứng phó với biến đổi khí hậu

Phát triển nguồn năng lượng tái tạo

Đáp ứng đồng thời các yêu cầu sau:

1. Sản xuất điện gió từ một trong các loại hình sau:

1.1. Điện gió ngoài khơi;

1.2. Điện gió trong đất liền.

2. Thiết bị được sử dụng để sản xuất điện gió phải được chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy, kiểm định, hiệu chuẩn theo quy định của pháp luật.

3

Sản xuất điện từ nguồn năng lượng bền vững

Ứng phó với biến đổi khí hậu

Phát triển nguồn năng lượng tái tạo

Đáp ứng đồng thời các yêu cầu sau:

1. Sản xuất điện từ một trong các nguồn năng lượng sau:

1.1. Địa nhiệt;

1.2. Sinh khối;

1.3. Thuỷ triều;

1.4. Sóng biển;

1.5. Hải lưu;

1.6. Chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường;

1.7. Nguồn năng lượng mới (Hydrogen xanh, Amoniac xanh).

2. Thiết bị được sử dụng để sản xuất điện từ các nguồn năng lượng phải được chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy, kiểm định, hiệu chuẩn theo quy định của pháp luật.

4

Sản xuất nhiệt hoặc làm mát từ các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới

Ứng phó với biến đổi khí hậu

Phát triển nguồn năng lượng tái tạo

Đáp ứng đồng thời các yêu cầu sau:

1. Sản xuất nhiệt hoặc làm mát từ một trong các nguồn năng lượng sau:

1.1. Mặt trời;

1.2. Gió;

1.3. Địa nhiệt;

1.4. Sinh khối;

1.5. Thủy triều;

1.6. Sóng biển;

1.7. Hải lưu;

1.8. Chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường;

1.9. Nguồn năng lượng mới (Hydrogen xanh, Amoniac xanh).

2. Môi chất lạnh sử dụng trong thiết bị làm mát có giá trị tiềm năng làm nóng lên toàn cầu (GWP), tiềm năng làm suy giảm tầng ô-dôn (ODP) tương đương hoặc thấp hơn lộ trình quản lý, loại trừ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát của Việt Nam theo quy định của pháp luật.

3. Thiết bị được sử dụng để sản xuất nhiệt hoặc làm mát phải được chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy, kiểm định, hiệu chuẩn do cơ quan quản lý có chức năng cấp theo quy định của pháp luật.

5

Sản xuất khí đốt từ các nguồn sinh khối

Ứng phó với biến đổi khí hậu

Phát triển nguồn năng lượng tái tạo

Đáp ứng đồng thời các yêu cầu sau:

1. Sản xuất khí đốt từ một trong các nguồn phụ phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp và sinh khối khác.

2. Thiết bị được sử dụng để sản xuất, chế biến khí sinh học phải được chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy, kiểm định, hiệu chuẩn theo quy định của pháp luật.

6

Sản xuất nhiên liệu hàng không bền vững

Ứng phó với biến đổi khí hậu

Phát triển nguồn năng lượng tái tạo

Nhiên liệu hàng không bền vững (SAF) phải được cấp chứng nhận quốc tế theo quy định của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO).

7

Xây dựng, lắp đặt công trình điện phục vụ phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, năng lượng bền vững

Ứng phó với biến đổi khí hậu

Phát triển nguồn năng lượng tái tạo

Đáp ứng đồng thời các yêu cầu sau:

1. Xây dựng, lắp đặt công trình điện phục vụ truyền tải, giải toả công suất cho một trong các loại hình năng lượng sau:

1.1. Mặt trời;

1.2. Gió;

1.3. Địa nhiệt;

1.4. Sinh khối;

1.5. Thuỷ triều;

1.6. Sóng biển;

1.7. Hải lưu;

1.8. Chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường;

1.9. Nguồn năng lượng mới (Hydrogen xanh, Amoniac xanh).

2. Tỷ lệ năng lượng tái tạo được giải tỏa phù hợp với quy hoạch phát triển điện lực quốc gia.

3. Thiết bị được sử dụng để xây dựng hệ thống đường dây, trạm biến áp để truyền tải, giải toả công suất năng lượng tái tạo phải được chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy, kiểm định, hiệu chuẩn theo quy định của pháp luật.

8

Xây dựng, sửa chữa, nâng cấp hệ thống phân phối điện tiết kiệm, hiệu quả năng lượng

Sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên

Tiết kiệm năng lượng

Đáp ứng đồng thời các yêu cầu sau:

1. Sử dụng các công nghệ, trang thiết bị tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường và đáp ứng một trong các yêu cầu sau:

1.1. Được cấp nhãn năng lượng theo quy định về danh mục phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng, áp dụng mức hiệu suất năng lượng tối thiểu và lộ trình thực hiện;

1.2. Được chứng nhận Nhãn sinh thái Việt Nam hoặc được tổ chức quốc tế, quốc gia chứng nhận nhãn sinh thái (đã được cơ quan có thẩm quyền ký thỏa thuận công nhận lẫn nhau).

2. Ứng dụng lưới điện thông minh phù hợp với định hướng phát triển lưới điện thông minh tại Việt Nam.

9

Sản xuất pin và ắc quy công nghệ cao, thân thiện với môi trường

Cải thiện chất lượng môi trường

Ngăn chặn và giảm thiểu ô nhiễm môi trường

Đáp ứng đồng thời các yêu cầu sau:

1. Được chứng nhận Nhãn sinh thái Việt Nam hoặc được tổ chức quốc tế, quốc gia chứng nhận nhãn sinh thái (đã được cơ quan có thẩm quyền ký thỏa thuận công nhận lẫn nhau).

2. Sử dụng nguyên liệu, vật liệu có nguồn gốc tái chế theo quy định để phục vụ sản xuất.

3. Thực hiện trách nhiệm tái chế, xử lý sản phẩm của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

4. Áp dụng kỹ thuật hiện có tốt nhất theo lộ trình do Chính phủ quy định.

10

Lắp đặt hệ thống lưu trữ điện từ năng lượng tái tạo

Ứng phó với biến đổi khí hậu

Phát triển nguồn năng lượng tái tạo

Đáp ứng đồng thời các yêu cầu sau:

1. Hệ thống lưu trữ điện, hệ thống trạm sạc điện được lắp đặt để tải, sử dụng cho một trong các nguồn điện sau:

1.1. Mặt trời;

1.2. Gió;

1.3. Địa nhiệt;

1.4. Sinh khối;

1.5. Thuỷ triều;

1.6. Sóng biển;

1.7. Hải lưu;

1.8. Chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường;

1.9. Nguồn năng lượng mới (Hydrogen xanh, Amoniac xanh).

2. Thực hiện trách nhiệm tái chế, xử lý sản phẩm của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

3. Thiết bị được sử dụng để lắp đặt, vận hành hệ thống lưu trữ điện từ năng lượng tái tạo phải được chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy, kiểm định, hiệu chuẩn theo quy định của pháp luật.

B

GIAO THÔNG VẬN TẢI

1

Đầu tư phương tiện giao thông không phát thải hoặc phát thải các-bon thấp phục vụ vận tải

Ứng phó với biến đổi khí hậu

Kinh tế xanh, phát thải ít các-bon

Phương tiện được đầu tư để phục vụ vận tải thuộc một trong các loại hình sau:

1. Sử dụng điện.

2. Sử dụng năng lượng xanh, năng lượng tái tạo hoặc các nguồn nhiên liệu, năng lượng khác[3] không phát thải hoặc ít gây phát thải khí nhà kính.

2

Xây dựng cơ sở hạ tầng cung cấp nhiên liệu hoặc năng lượng phục vụ phương tiện giao thông vận tải không phát thải hoặc phát thải các-bon thấp

Ứng phó với biến đổi khí hậu

Phát thải ít các-bon

Cơ sở hạ tầng cung cấp nhiên liệu hoặc năng lượng phục vụ một số loại hình phương tiện giao thông sau:

1. Sử dụng điện.

2. Sử dụng năng lượng xanh, năng lượng tái tạo hoặc các nguồn nhiên liệu, năng lượng bền vững khác không phát thải hoặc ít gây phát thải khí nhà kính.

3

Cung cấp dịch vụ tái nạp năng lượng cho phương tiện giao thông vận tải không phát thải hoặc phát thải các-bon thấp

Ứng phó với biến đổi khí hậu

Áp dụng kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, phát thải ít các-bon

Cung cấp dịch vụ tái nạp năng lượng cho một trong các loại hình phương tiện giao thông sau:

1. Sử dụng điện.

2. Sử dụng năng lượng tái tạo hoặc các nguồn nhiên liệu, năng lượng bền vững khác không phát thải hoặc ít gây phát thải khí nhà kính.

C

XÂY DỰNG

1

Xây dựng mới, cải tạo nhà các loại đạt mục tiêu công trình xanh, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả

Sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên; ứng phó với biến đổi khí hậu

Xây dựng hạ tầng đa mục tiêu, thân thiện với môi trường; tiết kiệm năng lượng

Đáp ứng đồng thời các yêu cầu sau:

1. Được chứng nhận của tổ chức cấp giấy chứng nhận công trình xanh trong nước hoặc quốc tế[4].

2. Đáp ứng yêu cầu giảm phát thải khí nhà kính, sử dụng các môi chất lạnh có giá trị tiềm năng làm nóng lên toàn cầu (GWP), tiềm năng làm suy giảm tầng ô-dôn (ODP) tương đương hoặc thấp hơn lộ trình quản lý, loại trừ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát của Việt Nam theo quy định của pháp luật.

2

Xây dựng mới, cải tạo công trình công ích thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng

Sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên; ứng phó với biến đổi khí hậu

Xây dựng hạ tầng đa mục tiêu, thân thiện với môi trường; tiết kiệm năng lượng

Đáp ứng đồng thời các yêu cầu sau:

1. Được chứng nhận của tổ chức cấp giấy chứng nhận công trình xanh trong nước hoặc quốc tế.

2. Đáp ứng yêu cầu giảm phát thải khí nhà kính, sử dụng các môi chất lạnh có giá trị tiềm năng làm nóng lên toàn cầu (GWP), tiềm năng làm suy giảm tầng ô-dôn (ODP) tương đương hoặc thấp hơn lộ trình quản lý, loại trừ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát của Việt Nam theo quy định của pháp luật.

D

TÀI NGUYÊN NƯỚC

1

Xây dựng công trình cấp, thoát nước

Sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên

Quản lý hiệu quả nguồn nước và xử lý nước thải

Đáp ứng đồng thời các yêu cầu sau:

1. Công trình xây dựng cấp, thoát nước có lắp đặt, vận hành thuộc một trong các loại hình sau:

1.1. Hệ thống khử mặn nước biển và nước lợ;

1.2. Hệ thống tiết kiệm tài nguyên nước;

1.3. Hệ thống thoát nước chống ngập úng;

1.4. Hệ thống thu gom, thoát nước và xử lý nước thải;

1.5. Hệ thống tưới tiêu thông minh.

2. Thiết bị được sử dụng phải được chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy, kiểm định, hiệu chuẩn theo quy định của pháp luật.

2

Khai thác, xử lý và cung cấp nước sạch

Sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên

Quản lý hiệu quả nguồn nước và xử lý nước thải

Đáp ứng đồng thời các yêu cầu sau:

1. Chất lượng nước sạch cung cấp đáp ứng các thông số kỹ thuật trong giới hạn cho phép theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt (QCVN 01-1:2024/BYT).

2. Tỷ lệ thất thoát nước sạch quy định như sau:

2.1. Đối với dự án xây dựng mới hệ thống cấp nước: tỷ lệ thất thoát nước ≤ 15% và có kế hoạch chống thất thoát, thất thu nước;

2.2. Đối với dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống cấp nước hiện tại: tỷ lệ thất thoát nước <18% và có chứng minh tỷ lệ giảm so với trước khi lắp đặt hoặc vận hành.

3. Thiết bị được sử dụng phải được chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy, kiểm định, hiệu chuẩn theo quy định của pháp luật.

3

Quản lý chất lượng và bảo vệ nguồn nước

Sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên

Quản lý hiệu quả nguồn nước và xử lý nước thải

Đáp ứng đồng thời các yêu cầu sau:

1. Loại hình dự án đầu tư thuộc một trong các hoạt động được ưu đãi, hỗ trợ theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước sau đây:

1.1. Phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm;

1.2. Tìm kiếm, thăm dò, khai thác nước để cấp nước sinh hoạt, sản xuất cho người dân ở các vùng khan hiếm nước ngọt, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, cho người nghèo, phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật và các đối tượng dễ bị tổn thương khác;

1.3. Khai thác, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, sử dụng nước tuần hoàn, tái sử dụng nước; xử lý nước biển thành nước ngọt; thu gom, sử dụng nước mưa, bổ sung nhân tạo nước dưới đất; phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm; phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra;

1.4. Xây dựng các công trình điều tiết, tích trữ nước tại khu vực thường xuyên xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, lũ, lụt;

1.5. Phát triển công nghệ, thiết bị và sản phẩm phục vụ bảo vệ, phát triển và phục hồi nguồn nước;

1.6. Xây dựng, vận hành công trình bổ sung nhân tạo nước dưới đất.

2. Thiết bị được sử dụng để phục vụ việc dự báo, giám sát, kiểm soát chất lượng nguồn nước, bảo vệ nguồn nước, phòng chống ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước phải được chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy, kiểm định, hiệu chuẩn theo quy định của pháp luật.

Đ

NÔNG NGHIỆP, LÂM NGHIỆP, THỦY SẢN VÀ BẢO TỒN ĐA DẠNG SINH HỌC

1

Trồng cây hàng năm và cây lâu năm theo tiêu chuẩn bền vững

Sử dụng hiệu quả tài nguyên đất

Áp dụng kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh; đầu tư phát triển vốn tự nhiên

Quy trình sản xuất đáp ứng một trong các yêu cầu sau:

1. Được chứng nhận Tiêu chuẩn quốc gia về Thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP) - Phần 1: Trồng trọt (TCVN 11892-1:2017).

2. Được cấp Chứng chỉ tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu (GlobalGAP) hoặc chứng chỉ tương đương được tổ chức quốc tế, quốc gia ký thoả thuận công nhận lẫn nhau với Việt Nam theo quy định của pháp luật.

3. Được chứng nhận Tiêu chuẩn quốc gia về Nông nghiệp hữu cơ - Phần 2: Trồng trọt hữu cơ (TCVN 11041-2:2017).

4. Đáp ứng tiêu chí xác định chương trình, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, danh mục công nghệ cao ứng dụng theo quy định của pháp luật.

2

Mô hình chăn nuôi theo tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt

Sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, quản lý chất thải

Áp dụng kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh; đầu tư phát triển vốn tự nhiên

Quy trình sản xuất đáp ứng một trong các yêu cầu sau:

1. Được cấp Chứng chỉ tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu (GlobalGAP) hoặc chứng chỉ tương đương được tổ chức quốc tế, quốc gia ký thoả thuận công nhận lẫn nhau với Việt Nam theo quy định của pháp luật.

2. Được chứng nhận Tiêu chuẩn quốc gia về Nông nghiệp hữu cơ - Phần 3: Chăn nuôi hữu cơ (TCVN 11041-3:2017).

3. Đáp ứng tiêu chí xác định chương trình, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, danh mục công nghệ cao ứng dụng trong nông nghiệp.

3

Trồng rừng mới, nâng cao chất lượng rừng tự nhiên và rừng trồng, quản lý rừng bền vững; áp dụng phương thức canh tác nông lâm kết hợp

Phục hồi hệ sinh thái tự nhiên, ứng phó với biến đổi khí hậu

Kinh tế xanh, phát thải ít các-bon; đầu tư phát triển vốn tự nhiên

Quy trình sản xuất đáp ứng một trong các yêu cầu sau:

1. Được chứng nhận tiêu chuẩn Quản lý rừng bền vững của quốc gia (VFCS/PEFC ST 1003:2019) hoặc quốc tế.

2. Thực hiện mục tiêu, yêu cầu về bảo vệ, duy trì và phát triển hệ sinh thái tự nhiên theo quy định của pháp luật.

4

Nuôi trồng thủy sản nội địa bền vững

Quản lý chất thải; bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học

Áp dụng kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh

Quy trình sản xuất đáp ứng một trong các yêu cầu sau:

1. Tuân thủ Quy phạm thực hành nuôi trồng thủy sản tốt Việt Nam (VietGAP).

2. Được cấp Chứng chỉ tiêu chuẩn thực hành nuôi trồng thuỷ sản tốt quốc tế (GlobalGAP, BAP) hoặc chứng chỉ tương đương được tổ chức quốc tế, quốc gia ký thoả thuận công nhận lẫn nhau với Việt Nam theo quy định của pháp luật.

5

Nuôi trồng thủy sản biển bền vững

Quản lý chất thải; bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học

Áp dụng kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh

Quy trình sản xuất đáp ứng một trong các yêu cầu sau:

1. Tuân thủ Quy phạm thực hành nuôi trồng thủy sản tốt Việt Nam (VietGAP).

2. Được cấp Chứng chỉ tiêu chuẩn thực hành nuôi trồng thuỷ sản tốt quốc tế (GlobalGAP, BAP) hoặc chứng chỉ tương đương được tổ chức quốc tế, quốc gia ký thoả thuận công nhận lẫn nhau với Việt Nam theo quy định của pháp luật.

6

Sản xuất, chế biến thực phẩm bền vững

Quản lý chất thải; bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học

Áp dụng kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh

Đáp ứng đồng thời các yêu cầu sau:

1. Quy trình sản xuất đáp ứng một trong các yêu cầu sau:

1.1. Được cấp Chứng chỉ tiêu chuẩn chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn trong nước hoặc quốc tế (VietGAP, GlobalGAP, ISO 22000, HACCP, GMP, SQF, FSSC 22000, BRC, IFS) hoặc chứng chỉ tương đương được tổ chức quốc tế, quốc gia ký thoả thuận công nhận lẫn nhau với Việt Nam theo quy định của pháp luật;

1.2. Được cấp Chứng chỉ tiêu chuẩn thực hành chế biến sản phẩm thuỷ sản tốt trong nước hoặc quốc tế (VietGAP, VietGAHP, GlobalGAP, BAP, HACCP, ISO 22000, GMP, FSSC 22000, BRC, IFS) hoặc chứng chỉ tương đương được tổ chức quốc tế, quốc gia ký thoả thuận công nhận lẫn nhau với Việt Nam theo quy định của pháp luật;

1.3. Được chứng nhận Tiêu chuẩn quốc gia về Hệ thống quản lý môi trường (TCVN ISO 14001) hoặc tiêu chuẩn tương đương được tổ chức quốc tế, quốc gia ký thoả thuận công nhận lẫn nhau với Việt Nam theo quy định của pháp luật.

2. Thực hiện trách nhiệm tái chế, xử lý sản phẩm của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

7

Du lịch sinh thái

Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học

Áp dụng kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh; đầu tư phát triển vốn tự nhiên

Đáp ứng đồng thời các yêu cầu sau:

1. Mục đích hoạt động du lịch gắn với bản sắc văn hoá địa phương, có sự tham gia của cộng đồng dân cư và có sự kết hợp giáo dục về bảo vệ môi trường.

2. Chứng minh có mục tiêu, hoạt động góp phần sử dụng bền vững, phát huy được lợi thế, đầu tư duy trì, phát triển vốn tự nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học.

3. Thuộc dự án, đề án, chương trình, kế hoạch hoặc dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí được cấp có thẩm quyền ban hành hoặc phê duyệt theo quy định.

4. Trường hợp dự án đầu tư có hoạt động dịch vụ lưu trú hoặc dịch vụ ăn uống phục vụ cho du lịch sinh thái cần đáp ứng thêm một trong các yêu cầu sau:

4.1. Được cấp chứng chỉ hoặc nhãn dịch vụ lưu trú, ăn uống du lịch bền vững do các tổ chức trong nước hoặc quốc tế công nhận[5] hoặc tiêu chuẩn tương đương được tổ chức quốc tế, quốc gia ký thoả thuận công nhận lẫn nhau với Việt Nam theo quy định của pháp luật;

4.2. Được chứng nhận công trình xanh được tổ chức quốc tế, quốc gia ký thỏa thuận công nhận lẫn nhau với Việt Nam theo quy định của pháp luật.

8

Bảo tồn, phát triển nguồn gen và các loài động, thực vật quý hiếm, nguy cấp của Việt Nam

Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; phục hồi hệ sinh thái tự nhiên

Kinh tế xanh, phát thải ít các-bon; đầu tư phát triển vốn tự nhiên

Thực hiện một trong các hoạt động sau:

1. Bảo tồn nguồn gen và các loài động, thực vật quý hiếm, nguy cấp của Việt Nam thuộc danh mục được ưu tiên bảo vệ theo quy định của pháp luật.

2. Bảo tồn một trong các tài nguyên di truyền bản địa dưới đây theo quy định của pháp luật.

2.1. Động vật;

2.2. Thực vật;

2.3. Vi sinh vật;

2.4. Tài nguyên di truyền khác theo quy định.

3. Phát triển dược liệu đặc hữu, quý, có giá trị kinh tế hoặc có nguy cơ tuyệt chủng cao theo chương trình, quy hoạch, kế hoạch, đề án do cấp có thẩm quyền ban hành, bao gồm một trong các hoạt động sau:

3.1. Xây dựng vườn bảo tồn và phát triển cây thuốc:

3.2. Phát triển trồng cây dược liệu;

3.3. Phát triển nguồn giống dược liệu;

3.4. Xây dựng các nhà máy sơ chế, chế biến, chiết xuất dược liệu, các trung tâm kinh doanh dược liệu để tạo lập thị trường thuận lợi cho việc cung ứng và tiêu thụ các sản phẩm từ dược liệu;

3.5. Hoạt động khác theo quy định.

9

Phát triển công trình kỹ thuật phục vụ giảm nhẹ rủi ro và phòng chống thiên tai

Ứng phó với biến đổi khí hậu

Xây dựng hạ tầng đa mục tiêu, thân thiện với môi trường

Thuộc một trong các loại hình công trình sau:

1. Công trình kỹ thuật dân dụng phục vụ mục tiêu, yêu cầu giảm nhẹ rủi ro và phòng chống thiên tai theo quy định của pháp luật.

2. Công trình phòng, chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn theo quy định của pháp luật.

10

Canh tác bền vững trên vùng đất dốc, đất trũng, đất phèn, đất mặn, đất cát ven biển, đất thoái hóa, đất có nguy cơ sa mạc hóa, hoang mạc hóa

Sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên; phục hồi hệ sinh thái tự nhiên

Sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên đất; đầu tư phát triển vốn tự nhiên

Đáp ứng đồng thời các yêu cầu sau:

1. Dự án canh tác được thực hiện tại một trong các vùng đất do cấp có thẩm quyền công bố theo quy định của pháp luật dưới đây:

1.1. Vùng đất dốc;

1.2. Vùng đất trũng;

1.3. Vùng đất phèn;

1.4. Vùng đất mặn, nhiễm mặn;

1.5. Vùng đất cát ven biển;

1.6. Vùng đất có nguy cơ sa mạc hóa, hoang mạc hóa.

2. Áp dụng biện pháp quản lý, kỹ thuật và quy trình sản xuất trên vùng đất dốc, đất trũng, đất phèn, đất mặn, đất cát ven biển và đất có nguy cơ sa mạc hóa, hoang mạc hóa do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành.

11

Xử lý ô nhiễm, cải tạo, phục hồi và bảo vệ tài nguyên đất

Phục hồi hệ sinh thái tự nhiên; xử lý ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường

Ngăn chặn và giảm thiểu ô nhiễm môi trường; sử dụng hiệu quả tài nguyên đất

Đáp ứng đồng thời các yêu cầu sau:

1. Chất lượng đất sau xử lý đáp ứng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng đất (QCVN 03:2023/BTNMT).

2. Quá trình xử lý không gây ô nhiễm nguồn nước và không khí theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

12

Thu gom, xử lý, tái chế, sản xuất các sản phẩm hữu ích từ phụ phẩm, chất thải phát sinh từ hoạt động nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp

Quản lý chất thải

Áp dụng kinh tế tuần hoàn

Đáp ứng đồng thời các yêu cầu sau:

1. Thu gom, xử lý, tái sử dụng, sản xuất các sản phẩm, vật liệu hữu ích từ phụ phẩm, chất thải tạo ra từ hoạt động nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản.

2. Chất lượng sản phẩm, vật liệu sau xử lý, sản xuất đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do cơ quan chức năng có thẩm quyền ban hành theo quy định của pháp luật.

3. Quá trình xử lý không gây ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

E

CÔNG NGHIỆP CHẾ BIẾN, CHẾ TẠO

1

Sản xuất thiết bị điện, máy móc, thiết bị tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng

Ứng phó với biến đổi khí hậu

Tiết kiệm năng lượng; thay đổi công nghệ theo hướng áp dụng kỹ thuật hiện có tốt nhất

Đáp ứng đồng thời các yêu cầu sau:

1. Thiết bị điện, máy móc, thiết bị được sản xuất đáp ứng một trong các yêu cầu sau:

1.1. Được chứng nhận Nhãn sinh thái Việt Nam hoặc được tổ chức quốc tế, quốc gia chứng nhận nhãn sinh thái (đã được cơ quan có thẩm quyền ký thỏa thuận công nhận lẫn nhau);

1.2. Được cấp nhãn năng lượng, bao gồm nhãn năng lượng so sánh (cấp 4 - 5 sao) hoặc nhãn năng lượng xác nhận Ngôi sao năng lượng Việt Nam theo quy định của pháp luật;

1.3. Đạt được các yêu cầu, tiêu chuẩn, quy định có liên quan đến kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi xanh của các thị trường xuất khẩu.

2. Đối với sản phẩm được tạo ra có sử dụng các môi chất lạnh có giá trị tiềm năng làm nóng lên toàn cầu (GWP), tiềm năng làm suy giảm tầng ô-dôn (ODP) phải đạt tương đương hoặc thấp hơn lộ trình quản lý, loại trừ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát của Việt Nam.

3. Áp dụng kỹ thuật hiện có tốt nhất theo lộ trình do Chính phủ quy định.

2

Sản xuất linh kiện, thiết bị điện tử phục vụ phát triển công nghệ các-bon thấp[6]

Ứng phó với biến đổi khí hậu

Kinh tế xanh, phát thải ít các-bon; tiết kiệm năng lượng

Đáp ứng đồng thời các yêu cầu sau:

1. Linh kiện, thiết bị điện tử đáp ứng một trong các yêu cầu sau:

1.1. Được chứng nhận Nhãn sinh thái Việt Nam hoặc được tổ chức quốc tế, quốc gia chứng nhận nhãn sinh thái (đã được cơ quan có thẩm quyền ký thỏa thuận công nhận lẫn nhau);

1.2. Được cấp nhãn năng lượng, bao gồm nhãn năng lượng so sánh (cấp 4 - 5 sao) hoặc nhãn năng lượng xác nhận Ngôi sao năng lượng Việt Nam theo quy định của pháp luật;

1.3. Đạt được các yêu cầu, tiêu chuẩn, quy định có liên quan đến kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi xanh của các thị trường xuất khẩu.

2. Thực hiện trách nhiệm tái chế, xử lý sản phẩm của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

3. Áp dụng kỹ thuật hiện có tốt nhất theo lộ trình do Chính phủ quy định.

3

Sản xuất phương tiện giao thông vận tải ứng dụng công nghệ các-bon thấp

Ứng phó với biến đổi khí hậu

Kinh tế xanh, phát thải ít các-bon; tiết kiệm năng lượng

Đáp ứng đồng thời các yêu cầu sau:

1. Đầu tư sản xuất một trong các loại hình phương tiện giao thông vận tải sau:

1.1. Phương tiện giao thông vận tải sử dụng điện;

1.2. Phương tiện giao thông vận tải sử dụng năng lượng xanh, năng lượng tái tạo hoặc các nguồn nhiên liệu, năng lượng bền vững khác[7] không phát thải hoặc ít gây phát thải khí nhà kính.

2. Thực hiện trách nhiệm tái chế, xử lý sản phẩm của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

4

Sản xuất bao bì thân thiện với môi trường

Quản lý chất thải

Áp dụng kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh

Đáp ứng đồng thời các yêu cầu sau:

1. Sản xuất sản phẩm bao bì thân thiện với môi trường, bao gồm bao bì nhựa thân thiện với môi trường, túi giấy, hộp giấy, túi vải không dệt, các sản phẩm bao bì từ bã mía, tinh bột và các nguyên liệu tự nhiên, thân thiện với môi trường khác theo quy định của pháp luật.

2. Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn vệ sinh đối với bao bì theo quy định của pháp luật.

3. Được chứng nhận Nhãn sinh thái Việt Nam hoặc được tổ chức quốc tế, quốc gia chứng nhận nhãn sinh thái (đã được cơ quan có thẩm quyền ký thỏa thuận công nhận lẫn nhau).

5

Sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất có nguồn gốc từ thiên nhiên, thân thiện với môi trường

Sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên

Áp dụng kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh

Đáp ứng đồng thời các yêu cầu sau:

1. Sản xuất một trong các loại hóa chất và sản phẩm hoá chất thân thiện với môi trường sau:

1.1. Hóa chất phòng trừ sâu bệnh thân thiện với môi trường như hoạt chất gốc cacbamat, hoạt chất họ azole và dẫn xuất, hoạt chất nhóm pyrethroide, validamycin;

1.2. Các chủng loại mực in thân thiện với môi trường như các sản phẩm đi từ gốc nước, thay thế hoặc loại bỏ thành phần dung môi toluene, MEK bằng alcohol;

1.3. Sản phẩm chất tẩy rửa, mỹ phẩm sử dụng nguyên liệu, các hoạt chất có nguồn gốc thiên nhiên, thân thiện với môi trường, an toàn cho người sử dụng.

2. Sản phẩm được sản xuất đáp ứng một trong các yêu cầu sau:

2.1. Được chứng nhận Nhãn sinh thái Việt Nam hoặc được tổ chức quốc tế, quốc gia chứng nhận nhãn sinh thái (đã được cơ quan có thẩm quyền ký thỏa thuận công nhận lẫn nhau);

2.2. Đạt được các yêu cầu, tiêu chuẩn, quy định có liên quan đến kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi xanh của các thị trường xuất khẩu[8].

3. Áp dụng kỹ thuật hiện có tốt nhất theo lộ trình do Chính phủ quy định.

6

Sản xuất, phát triển công nghệ, thiết bị, sản phẩm phục vụ các yêu cầu bảo vệ môi trường

Tạo ra lợi ích khác về môi trường

Dự án đầu tư khác theo quy định

Đáp ứng đồng thời các yêu cầu sau:

1. Thuộc danh mục cụ thể công nghệ, thiết bị, sản phẩm ngành công nghiệp môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

2. Thiết bị, sản phẩm được sản xuất ra phải được chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy, kiểm định, hiệu chuẩn theo quy định của pháp luật.

G

DỊCH VỤ MÔI TRƯỜNG

 

 

 

1

Thu gom, phân loại, trung chuyển, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt hoặc chất thải rắn công nghiệp thông thường

Quản lý chất thải

Ngăn chặn và giảm thiểu ô nhiễm môi trường; áp dụng kinh tế tuần hoàn

Đáp ứng đồng thời các yêu cầu sau:

1. Số lượng, chất lượng phân loại đáp ứng đồng thời các yêu cầu sau:

1.1. Chất thải rắn sinh hoạt phải được phân loại theo quy định của pháp luật;

1.2. Chất thải rắn công nghiệp thông thường phải được phân loại theo quy định của pháp luật.

2. Áp dụng các giải pháp phân loại phù hợp và đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường trong quá trình phân loại.

3. Điểm tập kết, trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt hoặc lưu giữ chất thải rắn công nghiệp thông thường đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường đối với điểm tập kết, trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt hoặc lưu giữ chất thải rắn công nghiệp thông thường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và xây dựng.

4. Phương tiện vận chuyển chất thải rắn đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường đối với phương tiện vận chuyển chất thải rắn.

2

Tái chế chất thải

Quản lý chất thải

Ngăn chặn và giảm thiểu ô nhiễm môi trường; áp dụng kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, phát thải ít các-bon

Đáp ứng đồng thời các yêu cầu sau:

1. Đạt tối thiểu tỷ lệ tái chế theo quy định về trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

2. Công nghệ, kỹ thuật tái chế đáp ứng đồng thời các yêu cầu sau:

2.1. Đáp ứng yêu cầu về công nghệ, kỹ thuật tái chế chất thải theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và xây dựng;

2.2. Áp dụng kỹ thuật hiện có tốt nhất theo lộ trình do Chính phủ quy định.

3

Xử lý chất thải rắn sinh hoạt, công nghiệp thông thường

Quản lý chất thải

Ngăn chặn và giảm thiểu ô nhiễm môi trường; áp dụng kinh tế tuần hoàn

Đáp ứng đồng thời các yêu cầu sau:

1. Tỷ lệ chất thải rắn không thể tái sử dụng, tái chế phải chôn lấp theo quy định của pháp luật.

2. Công nghệ, kỹ thuật xử lý đáp ứng đồng thời các yêu cầu sau:

2.1. Yêu cầu, tiêu chí công nghệ xử lý chất thải theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và xây dựng;

2.2. Áp dụng kỹ thuật hiện có tốt nhất theo lộ trình do Chính phủ quy định.

4

Thu gom, phân loại, xử lý chất thải nguy hại

Quản lý chất thải

Áp dụng kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh

Đáp ứng đồng thời các yêu cầu sau:

1. Tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật môi trường về xử lý chất thải nguy hại.

2. Công nghệ, kỹ thuật xử lý đáp ứng các yêu cầu sau:

2.1. Yêu cầu, tiêu chí quản lý, công nghệ xử lý chất thải nguy hại theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và xây dựng;

2.2. Áp dụng kỹ thuật hiện có tốt nhất theo lộ trình do Chính phủ quy định.

5

Thu gom nước thải đô thị, khu dân cư tập trung

Quản lý chất thải

Quản lý hiệu quả nguồn nước và xử lý nước thải

Đáp ứng đồng thời các yêu cầu sau:

1. Đáp ứng yêu cầu về thu gom nước thải theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

2. Công trình hạ tầng, kỹ thuật thu gom đáp ứng yêu cầu về thoát nước theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng.

6

Xử lý nước thải đô thị, khu dân cư tập trung

Quản lý chất thải

Quản lý hiệu quả nguồn nước và xử lý nước thải

Đáp ứng đồng thời các yêu cầu sau:

1. Chất lượng nước thải sau xử lý đáp ứng cột A của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải sinh hoạt (QCVN 14:2025/BTNMT).

2. Công nghệ, kỹ thuật xử lý đáp ứng yêu cầu về công nghệ, kỹ thuật xử lý nước thải theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và xây dựng.

7

Thu gom, xử lý nước thải y tế

Quản lý chất thải

Quản lý hiệu quả nguồn nước và xử lý nước thải

Đáp ứng đồng thời các yêu cầu sau:

1. Đáp ứng yêu cầu về thu gom và xử lý nước thải y tế theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và pháp luật khác có liên quan; chất lượng nước thải sau xử lý đáp ứng cột A của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp (QCVN 40:2025/BTNMT).

2. Công nghệ, kỹ thuật xử lý đáp ứng yêu cầu về công nghệ, kỹ thuật xử lý chất thải theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và xây dựng.

8

Thu gom, xử lý nước thải từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ

Quản lý chất thải

Quản lý hiệu quả nguồn nước và xử lý nước thải

Đáp ứng đồng thời các yêu cầu sau:

1. Đáp ứng yêu cầu về thu gom và xử lý nước thải từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

2. Chất lượng nước thải sau xử lý đạt cột A của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp (QCVN 40:2025/BTNMT).

3. Công nghệ, kỹ thuật xử lý đáp ứng yêu cầu về công nghệ, kỹ thuật xử lý chất thải theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và xây dựng.

9

Xử lý khí thải

Xử lý ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường

Ngăn chặn và giảm thiểu ô nhiễm môi trường

Đáp ứng đồng thời các yêu cầu sau:

1. Chất lượng xử lý khí thải đáp ứng đồng thời các yêu cầu sau:

1.1. Đạt cột B của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải công nghiệp (QCVN 19:2024/BTNMT);

1.2. Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật địa phương khác về khí thải do cơ quan có thẩm quyền ban hành theo quy định của pháp luật.

2. Công nghệ, kỹ thuật, thiết bị, sản phẩm xử lý đáp ứng yêu cầu về công nghệ, kỹ thuật xử lý khí thải theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và xây dựng.

* Ghi chú: Yêu cầu tại cột số (5) của Phụ lục I được xây dựng dựa trên quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật và các tài liệu được cơ quan có thẩm quyền ban hành. Khi cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế thì yêu cầu sẽ áp dụng theo quy định mới.

 

PHỤ LỤC II

MẪU VĂN BẢN ĐỀ NGHỊ XÁC NHẬN DỰ ÁN ĐẦU TƯ THUỘC DANH MỤC PHÂN LOẠI XANH
(Kèm theo Quyết định số 21/2025/QĐ-TTg ngày 04 tháng 7 năm 2025 của Thủ tướng Chính phủ)

…(1)…
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: .....

Địa danh, ngày … tháng … năm …

 

Kính gửi: … (2)…

Tên tổ chức/cá nhân đề nghị xác nhận: …………………..…………………..

Người đại diện: ………………… Chức vụ: …………………………………

Địa chỉ cơ sở sản xuất, kinh doanh: …………………………………………..

Số điện thoại: …………… Fax: …………… E-mail: ………………………

- Đề nghị xác nhận dự án đầu tư đáp ứng tiêu chí môi trường để thuộc danh mục phân loại xanh đối với dự án đầu tư: …………(3)…………

- Hồ sơ đề nghị xác nhận dự án đầu tư đáp ứng tiêu chí môi trường để thuộc danh mục phân loại xanh bao gồm:

(Liệt kê các tài liệu theo quy định tại Điều 6 Quyết định số …/2025/QĐ-TTg ngày … tháng … năm 2025 của Thủ tướng Chính phủ)

(1)… cam kết các thông tin cung cấp trên đây là chính xác và chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với các thông tin này, đồng thời cam đoan thực hiện đúng quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và quy định của pháp luật khác có liên quan.

Đề nghị ………… (2) ………….. xem xét, xác nhận dự án đầu tư …(3)… đáp ứng tiêu chí môi trường để thuộc danh mục phân loại xanh.

Tài liệu gửi kèm theo: ………………………………………………………

 

 

…(1)…
(Ký, ghi rõ họ tên; chức vụ và đóng dấu)

Ghi chú:

(1) Tên doanh nghiệp/tổ chức phát hành văn bản.

(2) Cơ quan, tổ chức xác nhận độc lập đáp ứng yêu cầu theo quy định tại Điều 5 Quyết định số …/2025/QĐ-TTg ngày … tháng … năm 2025 của Thủ tướng Chính phủ.

(3) Tên dự án đầu tư.

 

PHỤ LỤC III

MẪU BÁO CÁO THUYẾT MINH DỰ ÁN ĐẦU TƯ THUỘC DANH MỤC PHÂN LOẠI XANH
(Kèm theo Quyết định số 21/2025/QĐ-TTg ngày 04 tháng 7 năm 2025 của Thủ tướng Chính phủ)

TÊN DOANH NGHIỆP/TỔ CHỨC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: .....

Địa danh, ngày … tháng … năm ...

 

BÁO CÁO THUYẾT MINH
DỰ ÁN ĐẦU TƯ THUỘC DANH MỤC PHÂN LOẠI XANH

I. Thông tin chung về chủ dự án đầu tư

1. Tên chủ dự án đầu tư:…………………………………….………………..

2. Địa chỉ liên hệ:…………………………………………….………………

3. Đại diện pháp luật: ……………………………………………….………

4. Số điện thoại: ……………………………………………………………

5. Fax: ……………………………………………………….………………

6. Email: …………………………………………………………………….

7. Địa chỉ website của chủ dự án đầu tư (nếu có): ………………….……….

8. Người liên hệ (họ và tên, số điện thoại, địa chỉ email): ……….………….

II. Mô tả đặc tính dự án đầu tư

1. Thông tin về dự án đầu tư (dẫn chiếu theo Phụ lục I ban hành kèm theo Quyết định số …/2025/QĐ-TTg ngày…tháng…năm 2025 của Thủ tướng Chính phủ)

- Số thứ tự của dự án đầu tư (theo cột (1) Phụ lục I): ……………………….

- Lĩnh vực, loại hình dự án đầu tư (theo cột (2) Phụ lục I): …………………

- Loại dự án đầu tư (nêu rõ dự án đầu tư mới hoặc dự án đầu tư mở rộng): ……

- Hiện trạng thực hiện các thủ tục của dự án đầu tư (nêu rõ hiện trạng của dự án đầu tư đang ở giai đoạn nào):……………………………………………….………

- Phạm vi, quy mô, công suất hoạt động của dự án đầu tư:……………………

- Nguyên/nhiên/vật liệu phục vụ dự án đầu tư (đầu vào) và sản phẩm (đầu ra) của dự án đầu tư (nếu có): ……………………………………………..……..

- Cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xét duyệt thủ tục đầu tư của dự án đầu tư: ……..

2. Lĩnh vực bảo vệ môi trường, lợi ích về môi trường của dự án đầu tư:

Lĩnh vực bảo vệ môi trường, lợi ích về môi trường của dự án đầu tư
(tích vào các ô tương ứng, nếu có)

Mô tả cụ thể

□ Sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên

 

□ Phát triển nguồn năng lượng tái tạo

 

□ Phát thải ít các-bon

 

□ Tiết kiệm năng lượng

 

□ Thích ứng với biến đổi khí hậu

 

□ Ứng phó với biến đổi khí hậu

 

□ Ngăn chặn, giảm thiểu, xử lý ô nhiễm môi trường

 

□ Cải thiện chất lượng môi trường

 

□ Cải tạo, phục hồi môi trường sau sự cố môi trường

 

□ Cải tạo, nâng cấp công trình bảo vệ môi trường

 

□ Phục hồi hệ sinh thái tự nhiên

 

□ Đầu tư phát triển vốn tự nhiên

 

□ Xây dựng hạ tầng đa mục tiêu, thân thiện môi trường

 

□ Phát triển kinh tế xanh

 

□ Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học

 

□ Quản lý chất thải

 

□ Áp dụng kinh tế tuần hoàn

 

□ Quản lý hiệu quả nguồn nước và xử lý nước thải

 

□ Dự án tạo ra lợi ích khác về môi trường

 

3. Mô tả về kết quả xử lý chất thải, các nguồn phát sinh chất thải của dự án đầu tư

a) Công nghệ sản xuất/xử lý chất thải được sử dụng:………………………..

b) Các nguồn thải phát sinh trong quá trình hoạt động:……………….………

c) Biện pháp kiểm soát các nguồn thải phát sinh trong quá trình hoạt động:…….

4. Tác động đến các mục tiêu bảo vệ môi trường của dự án đầu tư

Các tác động đến mục tiêu bảo vệ môi trường của dự án đầu tư
(tích vào các ô tương ứng, nếu có)

Mô tả cụ thể

□ Sử dụng không hiệu quả tài nguyên (đất, nước, khoáng sản, rừng và các dạng tài nguyên khác)

 

□ Phát thải khí nhà kính lớn; hạn chế phát triển nguồn năng lượng tái tạo; sử dụng không hiệu quả nguồn năng lượng

 

□ Không phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu của Chính phủ, bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương

 

□ Phát sinh nguy cơ ô nhiễm môi trường; suy thoái chất lượng môi trường; gây ra sự cố môi trường; gây thiệt hại cho các công trình bảo vệ môi trường

 

□ Suy giảm hệ sinh thái tự nhiên, đa dạng sinh học, nguồn vốn tự nhiên

 

□ Không đáp ứng các yêu cầu về quản lý chất thải; áp dụng kinh tế tuần hoàn

 

□ Phát sinh chất thải, nước thải chưa được xử lý ra môi trường

 

□ Rủi ro, ảnh hưởng khác về môi trường (nếu có)

 

5. Loại chất thải, khối lượng chất thải và nguồn phát sinh

STT

Loại chất thải, khối lượng chất thải phát sinh hoặc dự kiến phát sinh

Diễn giải chi tiết

1

Nước thải phát sinh hoặc dự kiến phát sinh:

- Nước thải sinh hoạt;

- Nước thải công nghiệp.

 

2

Bụi, khí thải phát sinh hoặc dự kiến phát sinh:

- Nguồn phát sinh;

- Lượng phát sinh;

- Chất ô nhiễm/Nồng độ của các thông số ô nhiễm trong khí thải.

 

3

Chất thải rắn phát sinh hoặc dự kiến phát sinh:

- Chất thải rắn sinh hoạt;

- Chất thải rắn công nghiệp;

- Chất thải rắn nguy hại.

 

6. Biện pháp kiểm soát, quản lý, xử lý các nguồn thải

STT

Phương án

Diễn giải chi tiết

1

Đối với nước thải phát sinh hoặc dự kiến phát sinh

 

2

Đối với bụi, khí thải phát sinh hoặc dự kiến phát sinh

 

3

Đối với chất thải rắn (sinh hoạt, công nghiệp, nguy hại) phát sinh hoặc dự kiến phát sinh

 

7. Các thông tin khác

- Đối với dự án đầu tư đang hoạt động: nêu rõ hiện trạng sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của dự án đầu tư.

- Đối với dự án đầu tư cải tạo, mở rộng, nâng công suất: nêu rõ các công trình, thiết bị, hạng mục, công nghệ sẽ được tiếp tục sử dụng hoặc điều chỉnh/thay đổi/bổ sung trong dự án đầu tư mở rộng quy mô, nâng công suất; sự kết nối giữa các hạng mục công trình hiện hữu với công trình đầu tư mới.

III. Việc tuân thủ các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường của dự án đầu tư

1. Thủ tục môi trường của dự án đầu tư đã thực hiện (tích vào các ô tương ứng, nếu có)

Loại thủ tục môi trường

Diễn giải chi tiết

□ Báo cáo đánh giá tác động môi trường

Ghi rõ số Quyết định, ngày, tháng, năm và cơ quan ban hành

□ Giấy phép môi trường

Ghi rõ số Giấy phép, ngày, tháng, năm và cơ quan ban hành

□ Đăng ký môi trường

Ghi rõ ngày, tháng, năm gửi cơ quan nhà nước có trách nhiệm tiếp nhận Đăng ký môi trường

□ Giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường

Ghi rõ số Giấy xác nhận, ngày, tháng, năm và cơ quan ban hành

□ Giấy phép xả nước thải vào nguồn nước

Ghi rõ số Giấy phép, ngày, tháng, năm và cơ quan ban hành

□ Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất

Ghi rõ số Giấy xác nhận, ngày, tháng, năm và cơ quan ban hành

□ Giấy phép xử lý chất thải nguy hại

Ghi rõ số Giấy phép, ngày, tháng, năm và cơ quan ban hành

□ Sổ chủ nguồn thải chất thải nguy hại

Ghi rõ mã số Sổ

□ Kế hoạch bảo vệ môi trường

 

□ Đề án bảo vệ môi trường chi tiết/đơn giản

 

□ Thủ tục môi trường khác mà Chủ dự án đầu tư/chủ thể phát hành trái phiếu xanh đã thực hiện (nếu có)

Ghi rõ loại văn bản, số, ngày cấp, nơi cấp

2. Hình thức, mức độ đã bị xử phạt và biện pháp khắc phục hành vi vi phạm hành chính về môi trường (nếu có)

…………………………………………………………………………………….

……………………………………………………………………………………

3. Mô tả công trình, biện pháp bảo vệ môi trường

STT

Loại hình công trình, biện pháp bảo vệ môi trường

Diễn giải chi tiết

Ghi chú

1

Công trình, biện pháp xử lý/quản lý nguồn thải

Mô tả và thuyết minh rõ sơ đồ quy trình xử lý và đính kèm các tài liệu kỹ thuật có liên quan

Đính kèm bản sao các tài liệu liên quan

2

Công tác quản lý chất thải

Mô tả chi tiết các hoạt động quản lý chất thải của dự án đầu tư đã thực hiện hoặc dự kiến thực hiện

3

Việc thực hiện giám sát môi trường theo quy định hiện hành

 

IV. Tự đánh giá mức độ đáp ứng tiêu chí môi trường để thuộc danh mục phân loại xanh theo quy định

TT

Tiêu chí môi trường

(theo quy định tại Quyết định số …./2025/QĐ-TTg ngày…tháng…năm 2025 của Thủ tướng Chính phủ)

Tự đánh giá mức độ đáp ứng tiêu chí theo quy định

Đáp ứng/Không đáp ứng

Ghi chú

1

….

 

 

….

 

 

Đánh giá tổng quát (Chủ dự án đầu tư đối chiếu tất cả các hoạt động của dự án đầu tư với tiêu chí môi trường quy định tại Quyết định số …/2025/QĐ-TTg ngày…tháng…năm 2025 của Thủ tướng Chính phủ để tự đánh giá dự án đầu tư có đáp ứng các tiêu chí môi trường để thuộc danh mục phân loại xanh hay không).

V. Các tài liệu kỹ thuật khác đính kèm:

- Tài liệu 1:

- Tài liệu 2:

- …….

Ghi chú: Tài liệu kỹ thuật khác của dự án đầu tư đáp ứng tiêu chí môi trường để thuộc danh mục phân loại xanh bao gồm:

1. Báo cáo nghiên cứu khả thi hoặc tài liệu tương đương của dự án đã được phê duyệt theo quy định của pháp luật; thiết kế kỹ thuật, bản vẽ thi công đã được phê duyệt theo quy định của pháp luật về xây dựng (nếu có).

2. Văn bản, giấy chứng nhận, chứng chỉ, văn bằng hoặc tài liệu khác có liên quan để chứng minh tính phù hợp của dự án đầu tư đáp ứng tiêu chí môi trường để thuộc danh mục phân loại xanh theo quy định tại Quyết định số …/2025/QĐ-TTg ngày…tháng…năm 2025 của Thủ tướng Chính phủ.

3. Bản cam kết có nêu rõ thời hạn về việc đáp ứng yêu cầu đối với sản phẩm, hàng hoá, thiết bị, công nghệ, dịch vụ; cam kết thực hiện trách nhiệm tái chế, xử lý sản phẩm của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu theo quy định của pháp luật trong trường hợp dự án đầu tư chưa đi vào vận hành.

4. Báo cáo công tác bảo vệ môi trường định kỳ theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường (nếu có).

5. Kết quả kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm về bảo vệ môi trường của cơ quan nhà nước có thẩm quyền kèm theo các quyết định, kết luận (nếu có).

VI. Cam kết của chủ dự án đầu tư/chủ thể phát hành trái phiếu xanh

Chúng tôi cam kết bảo đảm về độ trung thực, chính xác của các thông tin, số liệu trong tất cả hồ sơ gửi kèm theo báo cáo này. Nếu có gì sai trái, chúng tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật của Việt Nam và cam đoan thực hiện đúng, đầy đủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, quy định của pháp luật khác có liên quan khi được xác nhận dự án đầu tư đáp ứng tiêu chí môi trường để được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh.

 

 

TÊN DOANH NGHIỆP/TỔ CHỨC
(Ký, ghi rõ họ tên; chức vụ và đóng dấu)

 

PHỤ LỤC IV

MẪU VĂN BẢN THÔNG BÁO DỰ ÁN ĐẦU TƯ ĐƯỢC XÁC NHẬN THUỘC DANH MỤC PHÂN LOẠI XANH
(Kèm theo Quyết định số 21/2025/QĐ-TTg ngày 04 tháng 7 năm 2025 của Thủ tướng Chính phủ)

…(1)…
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: ……

Địa danh, ngày… tháng… năm…

 

Kính gửi: Bộ Nông nghiệp và Môi trường.

……. (1) ……… thông báo với Bộ Nông nghiệp và Môi trường về dự án đầu tư được xác nhận thuộc danh mục phân loại xanh theo quy định tại Quyết định số …./202…/QĐ-TTg ngày … tháng … năm 2025 của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chí môi trường và việc xác nhận dự án đầu tư thuộc danh mục phân loại xanh như sau:

I. THÔNG TIN VỀ DỰ ÁN ĐẦU TƯ ĐƯỢC XÁC NHẬN THUỘC DANH MỤC PHÂN LOẠI XANH

1. Thông tin về chủ dự án đầu tư/chủ thể phát hành trái phiếu xanh

- Tên cơ quan/tổ chức viết bằng tiếng Việt (ghi bằng chữ in hoa):…………..

- Tên cơ quan/tổ chức viết bằng tiếng nước ngoài (nếu có): ………………..

- Website (nếu có): ……….…………………………………………………

- Quyết định thành lập, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp số…………. được cấp bởi:……………………………………… ngày……tháng …… năm ….

2. Thông tin liên hệ:

- Họ và tên người đại diện theo pháp luật: ………………………………….

- Địa chỉ: …………………………………………………………………….

- Điện thoại: ……………….. Fax (nếu có): ………………………….…….

- Email: ……………………………………………………………………..

3. Thông tin chung về dự án đầu tư được xác nhận thuộc danh mục phân loại xanh

- Tên dự án đầu tư: ………………………………………………………….

- Địa điểm thực hiện: ………………………………..……………………..

- Loại hình dự án đầu tư (nêu rõ dự án đầu tư mới hoặc dự án đầu tư mở rộng): ……………………………………………………………………………

- Quy mô hoạt động của dự án đầu tư:……………………………………..

- Tóm tắt công nghệ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; thông tin cơ bản về sản phẩm của dự án đầu tư:…………………………………………………………..

4. Kết quả xác nhận dự án đầu tư thuộc danh mục phân loại xanh

- Số hiệu, ngày tháng của văn bản xác nhận: ……………... (2) ………….. được cấp bởi: ………………………………………..……………………….……

- Nội dung xác nhận đã đáp ứng các tiêu chí môi trường (theo quy định tại Điều 3 Quyết định số: …/2025/QĐ-TTg ngày … tháng … năm 2025 của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chí môi trường và việc xác nhận dự án đầu tư thuộc danh mục phân loại xanh): ………………………………………………………

- Các yêu cầu để đáp ứng, duy trì các tiêu chí môi trường của dự án đầu tư: …..

………………………………………………………………………………....................

- Yêu cầu khác (nếu có):……………………………………………………….

II. THÔNG TIN CỦA CƠ QUAN, TỔ CHỨC CẤP VĂN BẢN XÁC NHẬN DỰ ÁN ĐẦU TƯ THUỘC DANH MỤC PHÂN LOẠI XANH

1. Tên cơ quan/tổ chức cấp văn bản xác nhận

- Tên cơ quan/tổ chức viết bằng tiếng Việt (ghi bằng chữ in hoa):………….

- Tên cơ quan/tổ chức viết bằng tiếng nước ngoài (nếu có): ………………

- Website (nếu có): ………………….……………………………………..

2. Thông tin liên hệ:

- Họ và tên người đại diện theo pháp luật: ………………………………….

- Địa chỉ: …………………………………………………………………..

- Điện thoại: ………………. Fax (nếu có): ……………………………

- Email: …………………………………………………………….………

3. Thông tin về tư cách pháp nhân:

Quyết định thành lập hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp số: …… cấp bởi: ………………………………….. ngày……tháng……năm….

4. Loại hình cơ quan, tổ chức thực hiện việc xác nhận:

Cơ quan, tổ chức thực hiện việc xác nhận

Loại hình

Cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc cấp giấy phép môi trường đối với dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường

 

Tổ chức xác nhận độc lập thuộc loại hình kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp hoặc có chức năng đánh giá sự phù hợp theo quy định của pháp luật

 

Tổ chức xác nhận độc lập thuộc loại hình kinh doanh dịch vụ kiểm toán

 

Ghi chú: Đánh dấu (X) vào cột loại hình tương ứng.

Chúng tôi cam kết bảo đảm về độ trung thực, chính xác của các thông tin, số liệu trong thông báo này. Nếu có gì sai trái, chúng tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật của Việt Nam và cam đoan thực hiện đúng quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và quy định của pháp luật khác có liên quan. ………. (1)……… xin thông báo để Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổng hợp.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Cơ quan/tổ chức xác nhận;
- Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan;
- …
- Lưu VT.

(1)

(Ký, ghi rõ họ tên; chức vụ và đóng dấu)

* Ghi chú:

(1) Tên chủ dự án đầu tư hoặc chủ thể phát hành trái phiếu xanh.

(2) Số hiệu của văn bản được cơ quan/tổ chức cấp giấy xác nhận cấp.

 



[1] Quy định tại khoản 1 Điều 149 của Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14.

[2] Quy định tại khoản 2 Điều 150 của Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14.

[3] Như nhiên liệu hàng không bền vững (SAF), nhiên liệu hàng không các-bon thấp (LCAF).

[4] Như LOTUS, LEED, Green Mark, ...

[5] Như Tiêu chuẩn ISO 21401 về phát triển ngành du lịch một cách bền vững hoặc Tiêu chuẩn Du lịch bền vững của Hội đồng Du lịch bền vững toàn cầu (GSTC).

[6] Công nghệ các-bon thấp là các giải pháp kỹ thuật, quy trình hoặc hệ thống được thiết kế để giảm phát thải khí nhà kính (đặc biệt là CO2) so với công nghệ truyền thống, nhằm hướng đến mục tiêu giảm thiểu biến đổi khí hậu.

[7] Như nhiên liệu hàng không bền vững (SAF),  nhiên liệu hàng không các-bon thấp (LCAF).

[8] Như Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc...

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 21/2025/QĐ-TTg quy định tiêu chí môi trường và việc xác nhận dự án đầu tư thuộc danh mục phân loại xanh do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 21/2025/QĐ-TTg
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 04/07/2025
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Trần Hồng Hà
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 22/08/2025
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản