Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 884/BC-BGDĐT | Hà Nội, ngày 27 tháng 06 năm 2025 |
BÁO CÁO
TÌNH HÌNH, KẾT QUẢ RÀ SOÁT, ĐỀ XUẤT PHƯƠNG ÁN CẮT GIẢM, ĐƠN GIẢN HÓA THỦ TỤC HÀNH CHÍNH LIÊN QUAN ĐẾN HOẠT ĐỘNG SẢN XUẤT, KINH DOANH THUỘC PHẠM VI, CHỨC NĂNG QUẢN LÝ CỦA BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ
Thực hiện Nghị quyết số 66/NQ-CP ngày 26/3/2025 của Chính phủ về Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa TTHC liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2025 và 2026, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) báo cáo tình hình, kết quả rà soát, đề xuất Phương án cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh thuộc phạm vi, chức năng quản lý của Bộ GDĐT như sau:
I. KẾT QUẢ THỰC HIỆN
1. Tình hình chỉ đạo và tổ chức triển khai
a) Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo về rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính (TTHC) liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ GDĐT đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai kịp thời, đúng tiến độ:
- Công văn số 1487/BGDĐT-VP ngày 03/4/2025 chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ liên quan đến Bộ GDĐT tại Công điện số 22/CĐ-TTg ngày 09/3/2025 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về cắt giảm thủ tục hành chính;
- Kế hoạch số 453/KH-BGDĐT ngày 15/4/2025 triển khai Nghị quyết số 66/NQ-CP ngày 26/3/2025 của Chính phủ về Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa TTHC liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2025 và 2026 tại Bộ GDĐT năm 2025;
- Công văn số 1826/BGDĐT-VP ngày 18/4/2025 hướng dẫn các đơn vị thực hiện rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa TTHC liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh theo Nghị quyết số 66/NQ-CP;
- Công văn số 2522/BGDĐT-VP ngày 21/5/2025 về việc thực hiện Nghị quyết số 66/NQ-CP và Công điện số 56/CĐ-TTg;
- Công văn số 3185/BGDĐT-VP ngày 19/6/2025 về tập trung rà soát, cắt giảm TTHC đảm bảo tỷ lệ cắt giảm ít nhất 30% theo Nghị quyết số 66/NQ-CP.
b) Nhiệm vụ rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa các TTHC liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh thuộc phạm vi, chức năng quản lý của Bộ được tập thể Lãnh đạo Bộ GDĐT xác định là nhiệm vụ trọng tâm nhằm thúc đẩy mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa công tác cải cách TTHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Do đó, tình hình, tiến độ, các khó khăn, vướng mắc triển khai thực hiện nhiệm vụ được cập nhật, báo cáo, đôn đốc kịp thời tại các cuộc họp giao ban hằng tuần do Lãnh đạo Bộ chủ trì và tại các cuộc họp chuyên đề để trao đổi, đôn đốc nhiệm vụ.
2. Kết quả rà soát, đề xuất Phương án
a) Kết quả thống kê
Căn cứ vào kết quả thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/5/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025, dữ liệu công khai trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC; trên cơ sở hướng dẫn và ý kiến góp ý của Văn phòng Chính phủ tại Công văn số 4921/VPCP-KSTT ngày 04/6/2025 góp ý kết quả tổng hợp, thống kê TTHC, điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý của Bộ GDĐT, Bộ rà soát, tổng hợp, thống kê đầy đủ TTHC, điều kiện đầu tư kinh doanh gửi Văn phòng Chính phủ tổng hợp (Công văn số 2085/BGDĐT-VP ngày 29/4/2025) và cập nhật, công khai kết quả rà soát, thống kê TTHC, điều kiện kinh doanh, chi phí tuân thủ TTHC liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh thuộc phạm vi, chức năng quản lý của Bộ GDĐT trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC, kết quả cụ thể như sau:
- Tổng số TTHC thuộc phạm vi, chức năng quản lý của Bộ GDĐT[1]: 282 TTHC. Trong đó, tổng số TTHC liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh: 208 TTHC[2] (thuộc 12 ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo Luật Đầu tư và 01 lĩnh vực không thuộc ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư).
- Tổng số chi phí tuân thủ TTHC liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh thuộc (hiện tại): 24.873,93 triệu đồng.
- Tổng thời gian giải quyết các TTHC liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh thuộc phạm vi, chức năng quản lý của Bộ GDĐT: 18 tháng, 2.768 ngày làm việc và 2.007 ngày[3].
- Số TTHC có điều kiện kinh doanh thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo Luật Đầu tư: 202 TTHC; gồm 832 điều kiện kinh doanh[4].
- Số TTHC có điều kiện kinh doanh không thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo Luật Đầu tư: 06 TTHC, gồm 20 điều kiện kinh doanh.
- Số TTHC, sản phẩm, hàng hóa kiểm tra chuyên ngành thuộc phạm vi, chức năng quản lý của Bộ GDĐT: Không có.
- Số TTHC quy định tại quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn bắt buộc áp dụng thuộc phạm vi, chức năng quản lý của Bộ GDĐT: 42 TTHC[5].
- Chế độ báo cáo của doanh nghiệp thuộc phạm vi, chức năng quản lý của Bộ GDĐT: 54 chế độ báo cáo[6]. Trong đó, có 09 chế độ báo cáo do các tổ chức tham gia hoạt động giáo dục (Tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục, tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học, tổ chức đánh giá kỹ năng nghề, Văn phòng đại diện giáo dục) và 45 chế độ báo cáo do các cơ sở giáo dục (bao gồm cơ sở giáo dục công lập và tư thục) thực hiện báo cáo cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục.
b) Kết quả rà soát, đề xuất Phương án
- Bộ GDĐT đã rà soát, xây dựng Phương án cắt giảm, đơn giản hóa TTHC liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh thuộc phạm vi, chức năng quản lý của Bộ và gửi lấy ý kiến của các bộ, cơ quan ngang bộ, các Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Hội đồng tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ. Đến ngày 28/6/2025, Bộ GDĐT đã nhận được ý kiến của 39 cơ quan đối với dự thảo Phương án (bao gồm 08 bộ, cơ quan ngang bộ; 03 tổ chức xã hội-nghề nghiệp; 28 địa phương). Các nội dung góp ý của các cơ quan, tổ chức đã được Bộ GDĐT nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu và giải trình đầy đủ, rõ ràng tại tài liệu tổng hợp tiếp thu, giải trình ý kiến của các bộ, cơ quan liên quan đối với Phương án.
- Số TTHC được đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm 2025: 131/208 TTHC (đạt tỷ lệ 62,98%) thuộc 11 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và 01 lĩnh vực thuộc phạm vi, chức năng quản lý của Bộ GDĐT (trong đó, có 27/131 TTHC được đề xuất bãi bỏ, đạt tỷ lệ 20,61%). Cụ thể:
(i) Về điều kiện kinh doanh:
+ Đề xuất bãi bỏ 264/852 điều kiện kinh doanh, đạt tỷ lệ 30,99% (đạt mục tiêu của Nghị quyết số 66/NQ-CP);
+ Đề xuất đơn giản hóa 14/852 điều kiện kinh doanh, đạt tỷ lệ 1,64% (đề xuất thêm so với mục tiêu của Nghị quyết số 66/NQ-CP).
(ii) Về thời gian giải quyết TTHC:
Đề xuất cắt giảm 1.743/5.315 ngày giải quyết TTHC (bao gồm: 18 tháng và 1.203 ngày), đạt tỷ lệ 32,79% (đạt mục tiêu của Nghị quyết số 66/NQ-CP).
(iii) Về chi phí tuân thủ TTHC:
Dự kiến cắt giảm 8.017,21/24.873,93 triệu đồng, đạt tỷ lệ 32,23% (đạt mục tiêu của Nghị quyết số 66/NQ-CP).
Ngoài ra, Phương án cũng đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa 17 thành phần hồ sơ TTHC và rà soát, đề xuất bổ sung quy định nộp hồ sơ qua cổng dịch vụ công trực tuyến đối với các TTHC chưa quy định cách thức nộp hồ sơ trực tuyến.
(Chi tiết phương án cắt giảm, đơn giản hóa đối với từng TTHC tại Phụ lục I, II kèm theo).
3. Kết quả thực thi Phương án cắt giảm, đơn giản hóa TTHC liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh
a) Tại Phương án, Bộ GDĐT đã đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa đối với 131/208 TTHC liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm 2025, theo đó, đã thực thi:
- Đã cắt giảm thời gian giải quyết TTHC đối với 10 TTHC liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh với tổng thời gian đã cắt giảm là: 06 tháng, 37 ngày (tính theo ngày, đã cắt giảm 217/5.315 ngày giải quyết TTHC, đạt tỷ lệ: 4,08%).
- Đã cắt giảm 03 thành phần hồ sơ tại 02 TTHC liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.
- Đã thực hiện phân cấp giải quyết TTHC đối với 35 TTHC liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh (bao gồm: 10 TTHC phân cấp từ cấp Bộ về cấp tỉnh; 25 TTHC phân cấp từ cấp huyện về cấp xã).
b) Văn bản đã thực thi bao gồm:
- 02 Nghị định của Chính phủ (cắt giảm, đơn giản hóa đối với 20 TTHC): Nghị định số 142/2025/NĐ-CP ngày 12/6/2025 của Chính phủ quy định về phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương hai cấp trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo; Nghị định số 143/2025/NĐ-CP ngày 12/6/2025 của Chính phủ quy định về phân quyền, phân cấp trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
- 01 Thông tư của Bộ trưởng (cắt giảm, đơn giản hóa đối với 10 TTHC): Thông tư số 13/2025/TT-BGDĐT ngày 12/6/2025 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về phân quyền, phân cấp và phân định thẩm quyền thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước của chính quyền địa phương hai cấp trong lĩnh vực giáo dục.
(Chi tiết TTHC thực thi cắt giảm, đơn giản hóa tại Phụ lục III kèm theo).
II. ĐÁNH GIÁ CHUNG
1. Ưu điểm
a) Một trong những điểm nổi bật trong quá trình xây dựng Phương án cắt giảm, đơn giản hóa TTHC là sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo Bộ GDĐT. Việc triển khai được thực hiện nghiêm túc, bài bản, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ. Nhờ đó, toàn bộ tiến độ và nội dung của Phương án được kiểm soát chặt chẽ, đúng định hướng, không hình thức.
b) Các đơn vị thuộc Bộ đã tích cực trong việc rà soát, đánh giá và đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa các TTHC thuộc phạm vi, lĩnh vực quản lý. Một số đơn vị còn chủ động phối hợp với các bên liên quan, nghiên cứu thực tiễn và đề xuất các phương án có tính khả thi cao, góp phần nâng cao chất lượng tổng thể của Phương án. Quá trình nghiên cứu, đánh giá, đề xuất phương án được thực hiện song song với các bước đánh giá hồ sơ các dự án luật do Bộ được giao chủ trì nên việc đánh giá được thực hiện tổng thể, bám sát tinh thần, chính sách dự kiến sửa đổi, bổ sung của các dự án Luật nhằm đảm bảo khả thi.
c) Kết quả đề xuất, cắt giảm đã đảm bảo chỉ tiêu về tỷ lệ cắt giảm, bãi bỏ theo yêu cầu của Nghị quyết số 66/NQ-CP. Điều này thể hiện nỗ lực nghiêm túc, có trách nhiệm của Bộ trong việc thực hiện nhiệm vụ cải cách TTHC, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
2. Hạn chế, tồn tại, khó khăn, vướng mắc
a) Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình xây dựng Phương án cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính vẫn còn hạn chế là các TTHC được đề xuất tại Phương án chưa đảm bảo tính toàn diện, triệt để, còn một số TTHC chưa được đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa (lĩnh vực giáo dục đại học, kiểm định chất lượng giáo dục, kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp) do thiểu cơ sở pháp lý rõ ràng, vẫn đang trong giai đoạn đánh giá tác động nhằm vừa đảm bảo việc cắt giảm, đơn giản hóa TTHC phù hợp với thực tiễn và vừa đảm bảo chức năng quản lý của Bộ.
b) Thời gian thực hiện rà soát theo yêu cầu của Nghị quyết số 66/NQ-CP là tương đối gấp, trong khi khối lượng công việc lớn, yêu cầu bao quát toàn bộ các quy định liên quan đến TTHC, điều kiện kinh doanh, chế độ báo cáo, tiêu chuẩn, quy chuẩn, tái cấu trúc, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, phân cấp thẩm quyền giải quyết TTHC, cắt giảm, đơn giản hóa TTHC nội bộ,... Do đó, một số nội dung chưa có đủ căn cứ pháp lý và thực tiễn để đề xuất rõ ràng, đầy đủ. Một số nội dung về chế độ báo cáo, tiêu chuẩn, quy chuẩn, Bộ đang tiếp tục rà soát và đề xuất sửa ngay trong quá trình thực thi các Phương án trên nhằm đảm bảo đồng bộ, khả thi và không phải sửa đổi văn bản nhiều lần.
3. Nguyên nhân
a) Việc xây dựng Phương án cắt giảm, đơn giản hóa TTHC gặp một số khó khăn khách quan, ảnh hưởng đến phạm vi và chất lượng rà soát: Một số nội dung liên quan đến các dự án Luật đang trong giai đoạn trình chính sách, chưa hoàn thiện dự thảo cụ thể, do đó chưa đủ cơ sở để đánh giá tác động và đề xuất sửa đổi đối với các TTHC tương ứng. Điều này ảnh hưởng đến tính đồng bộ giữa xây dựng chính sách pháp luật và cải cách TTHC.
b) Bên cạnh đó, cách hiểu, cách tiếp cận trong việc rà soát, đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục giữa các đơn vị còn chưa thống nhất. Một số đơn vị còn lúng túng trong việc phân biệt giữa nội dung TTHC với quy định chuyên môn, kỹ thuật; TTHC thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 63/2010/NĐ-CP và TTHC nội bộ, dẫn đến việc đề xuất còn thiếu chính xác hoặc chưa rõ ràng.
Trong quá trình rà soát, đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa, một thực tế phát sinh là nhiều TTHC liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh đồng thời cũng nằm trong phạm vi sửa đổi theo các chủ trương lớn về phân cấp, phân quyền được chỉ đạo thực hiện trước ngày 01/7/2025 theo yêu cầu của Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ. Việc này dẫn đến tình trạng nội dung rà soát, đánh giá giữa các đầu mối, chương trình bị trùng lặp, thiếu sự phối hợp tổng thể. Do vậy, việc sửa đổi thẩm quyền giải quyết các TTHC này ở một văn bản mà chưa có điều kiện sửa đổi đồng bộ ở các văn bản liên quan sẽ dẫn đến tình trạng sửa từng phần, nhiều lần. Có những nội dung đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa có thể thực thi ngay, nhưng cũng có những nội dung phải chờ sửa đổi văn bản khác. Điều này không chỉ làm tăng khối lượng công việc mà còn dẫn đến lãng phí về nguồn lực và thời gian của các cơ quan, đơn vị soạn thảo, thẩm định cũng như đơn vị thực thi.
Trên đây là tình hình, kết quả rà soát, đề xuất Phương án cắt giảm, đơn giản hóa TTHC liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh thuộc phạm vi, chức năng quản lý của Bộ GDĐT./.
| KT. BỘ TRƯỞNG |
FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN |
[1] Tính đến ngày 29/4/2025.
[2] Số liệu TTHC liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh thuộc phạm vi, chức năng quản lý của Bộ GDĐT sau khi rà soát là 208 TTHC (giảm 11 TTHC so với 219 TTHC trong nội dung đã báo cáo gửi Văn phòng Chính phủ tổng hợp tại Công văn số 2085/BGDĐT-VP ngày 29/4/2025). Do sau khi rà soát, có 18 TTHC đã được rà soát, công bố TTHC nội bộ và bổ sung thêm 07 TTHC theo đề nghị của Văn phòng Chính phủ tại Công văn số 4921/VPCP-KSTT ngày 04/6/2025, do đó, Bộ GDĐT đã điều chỉnh lại cho phù hợp với số liệu thực tế.
[3] Số liệu thời gian giải quyết TTHC của Bộ có sự thay đổi so với Công văn số 2085/BGDĐT-VP, do điều chỉnh theo số liệu TTHC liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, Bộ quy đổi theo: 30 ngày/tháng, ngày làm việc và ngày thường được tính chung là ngày để tính tỷ lệ % cắt giảm.
[4] Số liệu điều kiện kinh doanh thuộc phạm vi, chức năng quản lý của Bộ GDĐT sau khi rà soát là 852 điều kiện kinh doanh (tăng 01 điều kiện kinh doanh so với 851 điều kiện kinh doanh được thống kê, báo cáo trong Công văn số 2085/BGDĐT-VP ngày 29/4/2025). Lý do: Bộ GDĐT đã thực hiện rà soát, thống kê và điều chỉnh số lượng các điều kiện kinh doanh theo 208 TTHC nêu trên.
[5] Bộ GDĐT rà soát, bổ sung mới theo góp ý của Văn phòng Chính phủ tại Công văn số 4921/VPCP-KSTT ngày 04/6/2025, theo đó, bổ sung đối với các TTHC có dẫn chiếu đến tiêu chuẩn cơ sở vật chất, trường, lớp học tại các cấp học theo quy định của Bộ trưởng Bộ GDĐT.
[6] Số liệu chế độ báo cáo của doanh nghiệp thuộc phạm vi, chức năng quản lý của Bộ GDĐT là 54 chế độ báo cáo (giảm 78 chế độ báo cáo so với 132 chế độ báo cáo được thống kê trong Phụ lục tại Nghị quyết số 66/NQ-CP). Vì các chế độ báo cáo này là các chế độ báo cáo giữa các cơ quan hành chính nhà nước, không liên quan đến doanh nghiệp.
- 1Công văn 2378/BVHTTDL-VP năm 2025 tập trung hoàn thành rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành
- 2Công văn 4377/BXD-VP năm 2025 triển khai Công điện 78/CĐ-TTg về cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực xây dựng do Bộ Xây dựng ban hành
- 3Quyết định 1753/QĐ-BGDĐT năm 2025 phê duyệt Phương án cắt giảm, đơn giản hóa 07 thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh thuộc phạm vi, chức năng quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo
Báo cáo 884/BC-BGDĐT năm 2025 tình hình, kết quả rà soát, đề xuất Phương án cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh thuộc phạm vi, chức năng quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo
- Số hiệu: 884/BC-BGDĐT
- Loại văn bản: Văn bản khác
- Ngày ban hành: 27/06/2025
- Nơi ban hành: Bộ Giáo dục và Đào tạo
- Người ký: Lê Tấn Dũng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 27/06/2025
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra