Hệ thống pháp luật

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 185/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 17 tháng 4 năm 2025

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA THƯỜNG TRỰC CHÍNH PHỦ TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI BAN CHỈ ĐẠO XÂY DỰNG ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN KINH TẾ TƯ NHÂN

Ngày 14 tháng 4 năm 2025, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì buổi làm việc của Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án Phát triển Kinh tế tư nhân. Tham dự có Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình, các Phó Thủ tướng: Trần Hồng Hà, Lê Thành Long, Hồ Đức Phớc, Mai Văn Chính, Nguyễn Chí Dũng; các thành viên Ban Chỉ đạo là đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương, Tài chính, Quốc phòng, Công an, Công Thương, Nông nghiệp và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Tư pháp, Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Văn phòng Chính phủ; lãnh đạo các Bộ: Nội vụ, Giáo dục và Đào tạo; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các thành phố: Đà Nẵng, Cần Thơ, Huế; lãnh đạo Ủy ban nhân dân các thành phố: Hồ Chí Minh, Hải Phòng; đại diện Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội; Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Trưởng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân; chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực. Sau khi nghe báo cáo của Bộ Tài chính và ý kiến các đồng chí Phó Thủ tướng, các thành viên Ban Chỉ đạo và đại biểu dự họp, Thường trực Chính phủ kết luận như sau:

1. Đánh giá cao nỗ lực của Ban Chỉ đạo trong thời gian ngắn đã tổng kết, nghiên cứu, khẩn trương xây dựng, hoàn thiện Hồ sơ Đề án Phát triển kinh tế tư nhân (Đề án) với khối lượng lớn về nội dung, hình thức đầy đủ theo đúng chỉ đạo và phù hợp quy định (gồm các dự thảo: Tờ trình, Nghị quyết, Đề án và các phụ lục kèm theo); Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng đã chủ trì nhiều cuộc họp; các thành viên Ban Chỉ đạo, các Bộ, ngành, chuyên gia, nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp đã tham gia góp ý cho Đề án.

2. Giao Bộ Tài chính khẩn trương tiếp thu các ý kiến xác đáng của các đại biểu dự họp, tiếp tục hoàn thiện Đề án, trong đó lưu ý:

a) Về tổng thể:

- Đề án cần bám sát các Nghị quyết, Kết luận của Bộ Chính trị, chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, đồng thời bảo đảm tính xác thực, tôn trọng thực tiễn khách quan, xuất phát từ thực tiễn để thấy vai trò, tầm quan trọng của kinh tế tư nhân. Xác định rõ các điểm nghẽn, nút thắt, nguyên nhân vì sao kinh tế tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa phát triển được, nhất là nguyên nhân chủ quan để từ đó có giải pháp phù hợp; xác định nguồn lực bên trong là cơ bản, chiến lược, lâu dài, nguồn lực bên ngoài là quan trọng và đột phá; bảo đảm tiếp cận nguồn lực của đất nước một cách bình đẳng, cạnh tranh. Nghiên cứu thêm bài học kinh nghiệm; kết hợp giữa lý luận, căn cứ khoa học để đưa ra giải pháp thuyết phục, khả thi, hiệu quả, đảm bảo tính hành động, tính chiến đấu cao.

- Nghị quyết phải mang tầm chiến lược, vừa ngắn gọn, vừa thể hiện tinh thần 6 rõ “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền, rõ thời gian, rõ kết quả”; đảm bảo dễ hiểu, dễ nhớ, dễ triển khai, dễ giám sát, dễ đánh giá. Nghị quyết phải đảm bảo tính nhất quán, đặt trong tổng thể về 3 đột phá chiến lược (thể chế, hạ tầng, nguồn nhân lực) và trong tổng thể “bộ tứ chiến lược” (gồm: (i) phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; (ii) hội nhập quốc tế trong tình hình mới; (iii) sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; (iv) phát triển khu vực kinh tế tư nhân) để đổi mới, phát triển kinh tế đất nước. Nghị quyết cần rõ ràng, từ ngữ diễn đạt giản dị, đặc biệt phải có tính đột phá hơn nữa.

b) Về tên của Nghị quyết: Cần ngắn gọn nhưng phản ánh được nội hàm, có tính kế thừa, phát triển và đột phá.

c) Về quan điểm: Nghiên cứu Bài phát biểu bế mạc của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị Trung ương 11 Khóa XIII để xác định kinh tế tư nhân là “một động lực quan trọng nhất” hay là “động lực quan trọng nhất” trong nền kinh tế quốc gia, trên cơ sở đó thuyết phục phương án lựa chọn.

d) Về mục tiêu: Cần đặt mục tiêu cao hơn để tạo áp lực phấn đấu và có tính khả thi; nghiên cứu bổ sung một số chỉ tiêu về năng suất lao động, hiệu quả đầu tư,…

đ) Về nhiệm vụ, giải pháp:

- Gom thành 8 nhóm giải pháp, bảo đảm tính đột phá hơn, khả thi, gắn kết chỉ tiêu với quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp. Các nhiệm vụ, giải pháp phải góp phần tái cơ cấu lại nền kinh tế, cơ cấu lại đầu tư nước ngoài, tái cơ cấu doanh nghiệp, thị trường, sản phẩm và chuỗi cung ứng…tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển, lớn mạnh, hợp tác với khu vực FDI, nhất là trong chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực.

- Giải pháp về thể chế cần vượt qua tư duy truyền thống để sửa đổi các quy định pháp luật theo hướng giảm thủ tục hành chính thực chất, giảm chi phí tuân thủ, quy định thông thoáng hơn và có thể đi vào cuộc sống. Hạ tầng (gồm: Hạ tầng giao thông, khoa học công nghệ, tăng trưởng xanh, chống biến đổi khí hậu, …) cần phải thông suốt; quản trị cần thông minh, số hóa. Phân biệt rõ giữa hình sự hóa, dân sự hóa; kết hợp hài hòa giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của Việt Nam (tham khảo thêm kinh nghiệm quốc tế).

- Nhà nước có chính sách hỗ trợ vốn, khoa học, công nghệ, đào tạo nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia hệ sinh thái kinh tế nông, lâm, thủy sản; tham gia, kết nối vào hệ sinh thái doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp FDI, phát triển thị trường trong nước, bảo vệ thị trường nội địa; đơn giản hóa thủ tục thành lập, đăng ký cho doanh nghiệp nhỏ, có chính sách hỗ trợ thành lập, đơn giản thủ tục đăng ký, kê khai thuế, giảm thuế, có chính sách để hộ kinh doanh chuyển sang mô hình doanh nghiệp.

3. Về tổ chức thực hiện:

a) Các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo và các đại biểu dự họp (nhất là các đại biểu chưa tham gia ý kiến hôm nay) tiếp tục nghiên cứu, đóng góp ý kiến sâu sắc, tâm huyết, trước ngày 17 tháng 4 năm 2025 gửi văn bản để Bộ Tài chính nghiên cứu tiếp thu, hoàn thiện.

b) Giao Bộ Tài chính tập trung hoàn thiện hồ sơ Đề án theo nội dung tại Khoản 2 nêu trên và xác định rõ các vấn đề cần xin ý kiến Bộ Chính trị; báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng trước 15 giờ 00 ngày 18 tháng 4 năm 2025.

c) Giao Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng trực tiếp chỉ đạo việc hoàn thiện hồ sơ Đề án theo Kết luận này để báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước 19 giờ 00 ngày 18 tháng 4 năm 2025.

Văn phòng Chính phủ xin thông báo để Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan biết, thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- TTgCP, các PTTg;
- Văn phòng Trung ương;
- Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương;
- Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội;
- Các Bộ: TC, QP, CA, XD, CT, TP, NN&MT, KH&CN, NV, GD&ĐT;
- Ngân hàng NN VN;
- UBND các TP: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Huế;
- Các thành viên Ban Chỉ đạo (theo QĐ 526/QĐ-TTg ngày 06/3/2025);
- Liên đoàn TM&CN VN;
- Hiệp hội DNNVV VN;
- Ban Nghiên cứu phát triển KTTN;
- VPCP: BTCN, PCN Mai Thị Thu Vân, Vụ TH;
- Lưu: VT, ĐMDN (2b). NT

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Mai Thị Thu Vân

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông báo 185/TB-VPCP năm 2025 về Kết luận của Thường trực Chính phủ tại buổi làm việc với Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án Phát triển kinh tế tư nhân do Văn phòng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 185/TB-VPCP
  • Loại văn bản: Thông báo
  • Ngày ban hành: 17/04/2025
  • Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
  • Người ký: Mai Thị Thu Vân
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 17/04/2025
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản