Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 751/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 11 tháng 4 năm 2025

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC THÀNH LẬP BAN CHỈ ĐẠO VỀ GIẢI QUYẾT CÁC VẤN ĐỀ KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC CÁC DỰ ÁN TỒN ĐỌNG

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 18 tháng 02 năm 2025;

Căn cứ Quyết định số 23/2023/QĐ-TTg ngày 18 tháng 9 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của tổ chức phối hợp liên ngành của Thủ tướng Chính phủ;

Theo đề nghị của của Văn phòng Chính phủ.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Thành lập Ban chỉ đạo về giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc các dự án tồn đọng (sau đây viết tắt là Ban chỉ đạo), gồm các thành viên sau:

1. Trưởng Ban: Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ.

2. Phó Trưởng Ban: Đồng chí Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Bộ Tài chính.

3. Các Thành viên bao gồm:

- Đồng chí Nguyễn Hải Ninh, Bộ trưởng Bộ Tư pháp;

- Đồng chí Đỗ Đức Duy, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường;

- Đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Công Thương;

- Đồng chí Trần Hồng Minh, Bộ trưởng Bộ Xây dựng;

- Đồng chí Đào Hồng Lan, Bộ trưởng Bộ Y tế;

- Đồng chí Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;

- Ông Nguyễn Văn Dũng, Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao;

- Ông Phạm Thế Tùng, Thứ trưởng Bộ Công an;

- Ông Đỗ Thành Trung, Thứ trưởng Bộ Tài chính;

- Ông Nguyễn Văn Sinh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng;

- Ông Phạm Mạnh Cường, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ;

- Ông Dương Quốc Huy, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ;

- Ông Nguyễn Quang Dũng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao;

- Ông Trần Minh Khương, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước.

Trưởng Ban chỉ đạo được mời thêm lãnh đạo của một số bộ, ngành, cơ quan tham gia làm Thành viên Ban chỉ đạo hoặc yêu cầu lãnh đạo bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện, báo cáo những vấn đề cần thiết và dự họp.

Điều 2. Chức năng của Ban chỉ đạo

1. Giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, tư vấn, khuyến nghị, đề xuất phương hướng, giải pháp để giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án tồn đọng, bao gồm các dự án sử dụng nguồn vốn đầu tư công, nguồn vốn đầu tư tư nhân trong nước, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và các nguồn vốn khác (nếu có).

2. Giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, phối hợp giữa các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án tồn đọng, bao gồm các dự án sử dụng nguồn vốn đầu tư công, nguồn vốn đầu tư tư nhân trong nước, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và các nguồn vốn khác (nếu có).

Điều 3. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ban chỉ đạo

1. Nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp để giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án tồn đọng, bao gồm các dự án sử dụng nguồn vốn đầu tư công, nguồn vốn đầu tư tư nhân trong nước, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và các nguồn vốn khác (nếu có).

2. Giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, kiểm tra, điều phối và đôn đốc các bộ, ngành, địa phương liên quan thực hiện các công việc sau đây:

a) Rà soát, làm rõ và tổng hợp khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án thuộc phạm vi quản lý nhà nước được giao, xác định nguyên nhân của khó khăn, vướng mắc và đề xuất phương án xử lý; chỉ đạo các bộ, cơ quan hướng dẫn, tháo gỡ theo thẩm quyền.

b) Tổng hợp khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án theo các nhóm vấn đề cụ thể, xác định thẩm quyền xử lý của các cấp có liên quan, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét hoặc cho phép trình Chính phủ ban hành Nghị quyết để hướng dẫn các bộ, cơ quan và địa phương giải quyết theo từng nhóm vấn đề cụ thể thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương; tham mưu Thủ tướng Chính phủ để báo cáo cấp có thẩm quyền đối với các nhóm vấn đề vượt thẩm quyền.

c) Chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, tổng hợp việc giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đối với dự án thuộc thẩm quyền của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương; báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề mới phát sinh (nếu có).

d) Xem xét, chỉ đạo sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách pháp luật liên quan thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, báo cáo cấp có thẩm quyền đối với những vấn đề vượt thẩm quyền.

3. Thực hiện các nhiệm vụ khác có liên quan theo phân công, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Điều 4. Tổ chức và hoạt động của Ban chỉ đạo

1. Các thành viên Ban chỉ đạo làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, đề cao trách nhiệm cá nhân, thực hiện theo Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban chỉ đạo.

2. Bộ Tài chính là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo, chịu trách nhiệm bảo đảm các điều kiện hoạt động của Ban chỉ đạo, sử dụng bộ máy của mình để thực hiện nhiệm vụ giúp việc cho Ban chỉ đạo theo chỉ đạo của Trưởng Ban chỉ đạo, bảo đảm không làm tăng đầu mối tổ chức và biên chế.

3. Ban chỉ đạo thành lập Tổ giúp việc của Ban chỉ đạo để tham mưu, giúp Ban Chỉ đạo thực hiện các công việc theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Tổ trưởng Tổ giúp việc là lãnh đạo Bộ Tài chính; các thành viên Tổ giúp việc là lãnh đạo cấp vụ của các bộ, ban, ngành là thành viên Ban chỉ đạo. Thành viên Ban chỉ đạo xem xét, quyết định huy động nhân sự do mình quản lý, thành lập Nhóm giúp việc của mình để thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao.

4. Ban Chỉ đạo, thành viên Ban chỉ đạo được tổ chức các hội nghị, hội thảo, khảo sát, làm việc trực tiếp với các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, nhà đầu tư và các đơn vị có liên quan; được thuê tư vấn để hỗ trợ cho các hoạt động của Ban Chỉ đạo.

Điều 5. Kinh phí hoạt động của Ban chỉ đạo

Kinh phí hoạt động của Ban chỉ đạo do ngân sách nhà nước bảo đảm và được bố trí trong kinh phí hoạt động thường xuyên của Bộ Tài chính.

Điều 6. Hiệu lực và trách nhiệm thi hành

1. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

2. Quyết định này thay thế các Quyết định: số 1568/QĐ-TTg ngày 12 tháng 12 năm 2024, số 963/QĐ-TTg ngày 12 tháng 9 năm 2024, số 290/QĐ-TTg ngày 23 tháng 3 năm 2023, số 140/QĐ-TTg ngày 21 tháng 02 năm 2023, số 1244/QĐ-TTg ngày 25 tháng 10 năm 2023, số 1435/QĐ-TTg ngày 17 tháng 11 năm 2022 và số 1242/QĐ-TTg ngày 16 tháng 7 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ.

3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các thành viên quy định tại Điều 1 và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Quốc hội;
- Các thành viên Ban chỉ đạo;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT,
các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc;
- Lưu: VT, CN (2).

THỦ TƯỚNG




Phạm Minh Chính

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 751/QĐ-TTg năm 2025 thành lập Ban Chỉ đạo về giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc các dự án tồn đọng do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 751/QĐ-TTg
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 11/04/2025
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Phạm Minh Chính
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 11/04/2025
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản