Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ Y TẾ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2407/QĐ-BYT | Hà Nội, ngày 23 tháng 7 năm 2025 |
BAN HÀNH HƯỚNG DẪN PHÒNG VÀ KIỂM SOÁT LÂY NHIỄM COVID-19 TRONG CƠ SỞ KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ
Căn cứ Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2007;
Căn cứ Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023;
Căn cứ Nghị định số 42/2025/NĐ-CP ngày 27/02/2025 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Hướng dẫn phòng và kiểm soát lây nhiễm COVID-19 trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh” thay thế “Hướng dẫn phòng và kiểm soát lây nhiễm COVID-19 trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh” ban hành kèm theo Quyết định 2609/QĐ-BYT ngày 20/6/2023 của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký, ban hành.
Điều 3. Các Ông, Bà: Chánh Văn phòng Bộ; Vụ trưởng, Cục trưởng các Vụ, Cục thuộc Bộ Y tế; Giám đốc các Bệnh viện, Viện trực thuộc Bộ Y tế; Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Thủ trưởng Y tế Ngành chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| KT. BỘ TRƯỞNG |
HƯỚNG DẪN PHÒNG VÀ KIỂM SOÁT
LÂY NHIỄM COVID-19 TRONG CƠ SỞ KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH
(Ban hành theo Quyết định số 2407/QĐ-BYT ngày 23/7/2025 của Bộ trưởng Bộ Y tế)
1. Đại cương về COVID-19
SARS-CoV-2 là vi rút gây bệnh COVID-19, đã bùng phát và gây ra đại dịch toàn cầu từ cuối năm 2019. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tuyên bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp y tế công cộng toàn cầu đối với COVID-19 từ tháng 5 năm 2023. Tuy nhiên, WHO tiếp tục khuyến cáo các quốc gia duy trì các biện pháp phòng ngừa cơ bản và giám sát dịch tễ liên tục để kịp thời phát hiện các biến thể mới.
Hiện nay, một số biến thể như NB.1.8.1, LP.8.1 đang lưu hành ở một số nước, có khả năng lây lan nhanh nhưng chưa gây bệnh nặng hơn hoặc ảnh hưởng đến hiệu quả vắc xin. WHO xếp các biến thể này vào nhóm “biến thể cần theo dõi” (Variants Under Monitoring - VUM).
Tại Việt Nam, COVID-19 được phân loại là bệnh truyền nhiễm nhóm B. Dịch bệnh đã được kiểm soát, phần lớn ca bệnh nhẹ, không gây bùng phát quy mô lớn.
Mục tiêu công tác phòng, chống COVID-19 hiện nay là: Phát hiện sớm, điều trị kịp thời, hạn chế lây nhiễm, bảo đảm an toàn trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh thường quy.
2. Đường lây truyền
SARS-CoV-2 lây truyền chủ yếu qua:
2.1. Đường giọt bắn: Từ dịch tiết đường hô hấp khi người bệnh ho, hắt hơi, nói chuyện, thở mạnh, lây lan trong khoảng cách gần (dưới 2 mét).
2.2. Đường tiếp xúc: Qua tay chạm bề mặt nhiễm dịch tiết chứa vi rút, sau đó đưa lên mắt, mũi, miệng.
2.3. Đường không khí: Qua hạt khí dung nhỏ lơ lửng trong không khí, đặc biệt trong môi trường kín, thông khí kém hoặc khi thực hiện thủ thuật tạo khí dung.
3. Các biện pháp phòng và kiểm soát lây nhiễm
3.1. Phát hiện sớm và cách ly kịp thời.
- Sàng lọc triệu chứng hô hấp và yếu tố dịch tễ tại phòng khám truyền nhiễm hoặc khu tiếp đón của khoa Cấp cứu.
- Trường hợp nhẹ, không biến chứng, không có bệnh nền: hướng dẫn điều trị và cách ly tại nhà hoặc trạm y tế.
- Nếu phát hiện người nhiễm hoặc nghi nhiễm COVID-19 tại khoa lâm sàng: chuyển người bệnh vào buồng cách ly tạm thời của khoa để điều trị, tránh lây nhiễm cho người khác.
- Chỉ định xét nghiệm nhanh hoặc RT-PCR đối với người bệnh có suy hô hấp cấp tiến triển chưa rõ nguyên nhân hoặc người có triệu chứng nghi nhiễm COVID-19 kèm theo bệnh lý nền thuộc nhóm nguy cơ cao diễn biến nặng.
3.2. Phòng ngừa theo nguy cơ lây truyền và sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân (PPE)
Áp dụng các biện pháp phòng ngừa và lựa chọn phương tiện phòng hộ cá nhân (PPE) phù hợp theo mức độ nguy cơ lây truyền, bảo đảm nguyên tắc: an toàn - đúng mức nguy cơ - đúng quy trình kỹ thuật, cụ thể như sau:
- Phòng ngừa chuẩn: Áp dụng cho người bệnh có nguy cơ lây nhiễm thấp, không thực hiện các thủ thuật tạo khí dung. Nhân viên y tế mang khẩu trang y tế và găng tay khi tiếp xúc với máu, dịch tiết cơ thể hoặc bề mặt có nguy cơ ô nhiễm.
- Phòng ngừa tăng cường theo đường lây truyền (giọt bắn, không khí, tiếp xúc): Áp dụng đối với người bệnh có nguy cơ lây nhiễm cao, đặc biệt khi thực hiện các thủ thuật tạo khí dung (như hút đờm, thở máy, nội soi hô hấp…). Nhân viên y tế sử dụng khẩu trang N95 (hoặc tương đương), kính bảo hộ hoặc mặt nạ chắn giọt bắn, áo choàng, găng tay.
- Khuyến khích người bệnh và người nhà người bệnh mang khẩu trang trong thời gian có mặt tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
- Tuân thủ nghiêm quy trình sử dụng, tháo bỏ và xử lý PPE đúng kỹ thuật và đúng nơi quy định, nhằm ngăn ngừa lây nhiễm chéo và hạn chế ô nhiễm môi trường.
3.3. Bảo đảm thông khí tại khu vực khám và điều trị người bệnh
- Buồng khám và điều trị người mắc hoặc nghi mắc COVID-19 bảo đảm thông khí tự nhiên hoặc cơ học, tối thiểu 12 lần trao đổi khí/giờ. Nếu không có hệ thống thông khí cơ học, cần mở cửa sổ, cửa ra vào để tăng cường thông khí tự nhiên.
- Luồng khí thải từ các buồng này phải được dẫn ra khu vực thông thoáng, ít người qua lại, hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm.
- Tăng cường thông khí tại các khu vực nguy cơ cao như khoa cấp cứu, phòng thủ thuật, khu vực điều trị người bệnh hô hấp….
3.4. Tăng cường vệ sinh tay
- Thực hiện theo Hướng dẫn vệ sinh tay trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tại Quyết định 3916/QĐ-BYT.
- Trang bị đầy đủ dung dịch sát khuẩn tay nhanh tại khu vực khám bệnh, buồng bệnh, khu vực công cộng.
- Tăng cường giám sát, nhắc nhở nhân viên y tế, người bệnh và khách thăm thực hiện vệ sinh tay đúng quy định.
3.5. Vệ sinh, khử khuẩn môi trường
- Thực hiện theo Hướng dẫn vệ sinh môi trường bề mặt trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tại Quyết định 3916/QĐ-BYT ngày 28/8/2017 của Bộ Y tế về việc phê duyệt các hướng dẫn kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở khám chữa bệnh.
- Tăng cường giám sát việc thực hiện vệ sinh, khử khuẩn tại khu vực có nguy cơ cao và bề mặt tiếp xúc thường xuyên.
3.6. Phòng ngừa với người bệnh có nguy cơ cao
Người bệnh có bệnh nền nặng, suy giảm miễn dịch, đang điều trị ung thư, lọc máu...: Điều trị tại khu riêng biệt (nếu có); hạn chế tiếp xúc, di chuyển; tuân thủ nghiêm ngặt về vệ sinh tay, hô hấp, sử dụng khẩu trang và vệ sinh cá nhân.
3.7. Đào tạo và giám sát tuân thủ kiểm soát nhiễm khuẩn
- Đào tạo định kỳ hằng năm cho nhân viên y tế và sinh viên thực tập.
- Tăng cường kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn; kịp thời chấn chỉnh và khắc phục hạn chế sau giám sát.
4. Tổ chức thực hiện
4.1. Trách nhiệm của Giám đốc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
- Chỉ đạo thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, kiểm soát lây nhiễm COVID-19 và các bệnh truyền nhiễm khác.
- Bảo đảm đầy đủ nguồn lực: kinh phí, cơ sở vật chất, thiết bị và vật tư phục vụ công tác kiểm soát nhiễm khuẩn tại đơn vị.
4.2. Trách nhiệm của khoa kiểm soát nhiễm khuẩn
- Là đầu mối xây dựng, cập nhật hướng dẫn, quy trình kiểm soát lây nhiễm COVID-19.
- Phối hợp đào tạo, truyền thông và giám sát thực hiện.
- Báo cáo định kỳ tình hình thực hiện các biện pháp phòng lây nhiễm.
4.3. Trách nhiệm của các khoa, phòng, đơn vị liên quan
- Thực hiện đúng các biện pháp phòng và kiểm soát lây nhiễm COVID-19 theo chức năng, nhiệm vụ được phân công.
- Phối hợp chặt chẽ với khoa kiểm soát nhiễm khuẩn trong giám sát, thực hiện.
- Nhắc nhở nhân viên, người bệnh và người nhà người bệnh thực hiện đúng các quy định phòng, chống lây nhiễm.
- 1Quyết định 2609/QĐ-BYT năm 2023 Hướng dẫn phòng và kiểm soát lây nhiễm COVID-19 trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành
- 2Kế hoạch 833/KH-BYT năm 2025 hành động cao điểm phòng, chống bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng và COVID-19 do Bộ Y tế ban hành
- 3Nghị quyết 206/NQ-CP năm 2025 về kinh phí mua và sử dụng vắc xin phòng COVID-19 từ nguồn ngân sách Nhà nước và xử lý số dư Quỹ vắc xin phòng COVID-19 do Chính phủ ban hành
- 4Công văn 1046/KCB-NV năm 2025 tăng cường công tác phòng, chống bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng và COVID-19 do Cục Quản lý khám, chữa bệnh ban hành
Quyết định 2407/QĐ-BYT năm 2025 về Hướng dẫn phòng và kiểm soát lây nhiễm COVID-19 trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành
- Số hiệu: 2407/QĐ-BYT
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 23/07/2025
- Nơi ban hành: Bộ Y tế
- Người ký: Trần Văn Thuấn
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 23/07/2025
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra