Hệ thống pháp luật

BỘ Y TẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1340/QĐ-BYT

Hà Nội, ngày 21 tháng 4 năm 2025

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI CHIẾN DỊCH TIÊM CHỦNG VẮC XIN PHÒNG, CHỐNG DỊCH SỞI NĂM 2025 ĐỢT 3

BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ

Căn cứ Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm số 03/2007/QH12 ban hành ngày 21/11/2007;

Căn cứ Nghị định số 42/2025 ngày 27/02/2025 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;

Căn cứ Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng; Nghị định số 155/2018/NĐ-CP ngày 12/11/2018 về việc sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế và các quy định của Bộ Y tế về tiêm chủng;

Căn cứ Nghị định số 13/2024/NĐ-CP ngày 05/02/2024 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng;

Căn cứ Thông tư số 10/2024/TT-BYT ngày 13/06/2024 của Bộ Y tế về việc ban hành danh mục bệnh truyền nhiễm, đối tượng và phạm vi và sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế;

Căn cứ Thông tư số 34/2018/TT-BYT ngày 12/11/2018 quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng;

Căn cứ Quyết định 4845/QĐ-BYT ngày 25/12/2012 của Bộ Y tế ban hành “Hướng dẫn giám sát và phòng chống bệnh sởi, rubella”;

Căn cứ đề xuất nhu cầu đề xuất vắc xin triển khai chiến dịch phòng, chống bệnh sởi của các tỉnh, thành phố;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Phòng bệnh, Bộ Y tế.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng, chống dịch Sởi năm 2025 đợt 3”.

Điều 2. Trên cơ sở kế hoạch này, các đơn vị, địa phương tổ chức triển khai thực hiện đảm bảo quy định.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.

Điều 4. Các Ông (Bà): Chánh Văn phòng Bộ; Cục trưởng các Cục: Phòng bệnh; Quản lý Dược; Quản lý Khám, chữa bệnh; Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính; Viện trưởng các Viện: Vệ sinh dịch tễ/Pasteur, Kiểm định Quốc gia vắc xin và Sinh phẩm Y tế; Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- Đ/c Bộ trưởng (để báo cáo);
- Các đồng chí Thứ trưởng;
- Các Viện VSDT, Viện Pasteur (để thực hiện);
- Viện KĐQGVX&SPYT;
- POLYVAC (để thực hiện);
- Sở Y tế tỉnh, thành phố (để thực hiện);
- TTKSBT các tỉnh, thành phố (để thực hiện);
- Lưu: VT, PB.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Thị Liên Hương

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI CHIẾN DỊCH TIÊM CHỦNG VẮC XIN PHÒNG, CHỐNG DỊCH SỞI NĂM 2025 ĐỢT 3
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1340/QĐ-BYT ngày 21/4/2025 của Bộ Y tế)

I. SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG KẾ HOẠCH

Hiện nay, bệnh sởi đang có xu hướng gia tăng số ca mắc tại nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, một số nước như Philippines, Malaysia dịch sởi đã xuất hiện trên diện rộng. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá nguy cơ bùng phát dịch sởi tại Việt Nam là rất cao... WHO cũng khuyến cáo tại các tỉnh, thành phố có nguy cơ cao và rất cao và những nơi hiện có chùm ca sởi (ghi nhận những trường hợp sởi chẩn đoán xác định), cần triển khai tiêm chủng chiến dịch, các tỉnh, thành phố còn lại có nguy cơ thấp và trung bình, cần tổ chức rà soát để tiêm bù, tiêm vét cho trẻ lỡ tiêm do đại dịch. Việc triển khai tiêm chiến dịch và tiêm bù tiêm vét cần được thực hiện khẩn trương để ngăn chặn dịch xảy ra, đặc biệt ở những nơi có có chùm ca bệnh không để do dịch lan rộng. Do đặc điểm dịch tễ phức tạp của bệnh sởi, bệnh khả năng lây lan nhanh, rộng và phụ thuộc nhiều vào tiêm chủng nên việc tiêm chủng cần triển khai càng sớm càng nhanh càng tốt.

Tại Việt Nam, từ đầu năm 2025 đến nay, ghi nhận 67.904 trường hợp nghi sởi, 08 trường hợp tử vong và tiếp tục ghi nhận số trường hợp nghi Sởi cao nhất tại khu vực miền Nam (47,5%). Hầu hết các trường hợp mắc sởi là không tiêm chủng/chưa tiêm đủ mũi vắc xin phòng bệnh sởi hoặc chưa đến độ tuổi tiêm chủng vắc xin sởi trong Chương trình tiêm chủng mở rộng. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), lứa tuổi tiêm chủng vắc xin sởi ở những nước có bệnh sởi lưu hành là tiêm mũi 1 từ 9 tháng tuổi, mũi 2 lúc 15-18 tháng tuổi, còn ở những nước đã loại trừ bệnh sởi, tiêm mũi thứ nhất lúc 12 tháng tuổi và tiêm mũi thứ hai lúc 15-18 tháng tuổi. WHO cũng khuyến cáo việc tiêm bổ sung một mũi vắc xin có chứa thành phần sởi cho trẻ từ đủ 6 đến dưới 9 tháng tuổi trong những trường hợp gồm: Khi đang bùng phát dịch sởi, trong các chiến dịch nơi mà nguy cơ mắc sởi ở trẻ dưới 9 tháng tuổi cao, sau đó trẻ tiếp tục được tiêm 2 mũi theo lịch của Chương trình TCMR (lưu ý mũi 1 cách mũi bổ sung ít nhất 4 tuần); vắc xin sởi sử dụng cho trẻ dưới 9 tháng tuổi là an toàn và có hiệu quả trong việc phòng mắc bệnh sởi cho nhóm tuổi nhỏ khi có dịch bùng phát.

Tháng 8-11/2024, trên cơ sở kết quả đánh giá nguy cơ từ các địa phương, Bộ Y tế đã đề xuất WHO hỗ trợ vắc xin và ban hành Kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng, chống dịch sởi năm 2024 cho nhóm từ 01-10 tuổi và nhóm nguy cơ cao tại 18 tỉnh, thành phố sau đó bổ sung lần 2 thêm 13 tỉnh, thành phố. Năm 2024 đã có 31 tỉnh, thành phố triển khai tiêm chiến dịch vắc xin phòng bệnh sởi, với 1.258.151 đối tượng/tổng số 1.295.499 đối tượng; đạt 97,1%. Số vắc xin chưa sử dụng được điều chuyển cho các địa phương theo nhu cầu để thực hiện tiêm bù, tiêm vét.

Năm 2025, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 271/QĐ-BYT ngày 22/01/2025 về triển khai chiến dịch tiêm chủng sởi năm 2025, trong đó bổ sung thêm nhóm đối tượng từ đủ 6 tháng đến dưới 9 tháng tuổi tại 24 tỉnh, thành phố và tiếp tục bổ sung thêm 17 tỉnh, thành phố để tiêm chiến dịch cho nhóm từ 01-10 tuổi và nhóm nguy cơ cao. Kết quả đã triển khai được 253.978 đối tượng/tổng số 265.939 đối tượng; đạt 95,5%. Ngày 18/03/2025, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 905/QĐ-BYT ban hành Kế hoạch triển khai tiêm chủng vắc xin phòng, chống dịch Sởi năm 2025 đợt 2, Quyết định số 906/QĐ-BYT về việc sửa đổi, bổ sung “Kế hoạch tiêm chủng mở rộng năm 2025” ban hành kèm theo Quyết định số 1987/QĐ-BYT ngày 11/7/2024 của Bộ Y tế và Quyết định số 909/QĐ-BYT ngày 19/3/2025 về việc điều chỉnh Quyết định số 905/QĐ-BYT và Quyết định số 906/QĐ-BYT ngày 18/3/2024 của Bộ Y tế, trong đó triển khai tiêm chủng cho nhóm đối tượng từ đủ 6 tháng đến dưới 9 tháng tuổi, 01-10 tuổi và nhóm nguy cơ cao tại 54/63 tỉnh, thành phố. Kết quả đã tiêm được 776.880 đối tượng/tổng số 805.445 đối tượng; đạt 96,4%.

Sau kết quả triển khai các đợt tiêm chủng vắc xin phòng bệnh Sởi, so với 3 tháng đầu năm 2025, tỷ lệ mắc Sởi đã bắt đầu giảm ở nhóm từ 1 tuổi đến 10 tuổi (chiếm 61,4%) đã giảm 6%; giảm nhẹ ở nhóm dưới 1 tuổi (chiếm 2,7%), giảm 0,4% (bao gồm cả nhóm trẻ dưới 6 tháng tuổi không có chỉ định tiêm vắc xin sởi); nhóm trên 10 tuổi (chiếm 35,9%) tăng 6,4% (Trong đó: 11 - 15 tuổi chiếm 19,2% và nhóm trên 16 tuổi chiếm 16,7%).

Để tiếp tục triển khai tổ chức tiêm chủng chiến dịch phòng, chống bệnh sởi cho các đối tượng, nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh, trên cơ sở đề xuất nhu cầu vắc xin, phạm vi triển khai chiến dịch vắc xin phòng, chống dịch sởi của các tỉnh, thành phố, Bộ Y tế xây dựng kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng, chống dịch Sởi năm 2025 đợt 3.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Tăng tỷ lệ miễn dịch phòng bệnh sởi trong cộng đồng nhằm chủ động phòng chống dịch bệnh, giảm tỷ lệ mắc và tử vong do bệnh sởi.

2. Mục tiêu cụ thể

- 95% trẻ thuộc đối tượng tiêm chủng chưa được tiêm hoặc chưa được tiêm đủ mũi vắc xin chứa thành phần sởi được tiêm 01 mũi vắc xin chứa thành phần sởi.

- Đảm bảo an toàn, hiệu quả và chất lượng tiêm chủng theo Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng và Nghị định số 155/2018/NĐ-CP ngày 12/11/2018 về việc sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế và các quy định của Bộ Y tế về tiêm chủng.

III. THỜI GIAN VÀ PHẠM VI TRIỂN KHAI

1. Thời gian: Triển khai sớm ngay sau khi vắc xin được phân bổ theo 02 lần:

- Lần 1: hoàn thành trước ngày 30/4/2025.

- Lần 2: hoàn thành trước ngày 15/5/2025.

2. Đối tượng:

- Trẻ đủ 06 tháng tuổi, chưa đến độ tuổi tiêm chủng trong chiến dịch tiêm chủng đợt 1, 2 năm 2025 tại vùng nguy cơ, vùng đang có các ca sởi/dịch sởi xảy ra.

- Trẻ từ 06 tháng tuổi đến dưới 09 tháng tuổi, chưa được tiêm trong chiến dịch tiêm chủng đợt 1, 2 năm 2025 tại vùng nguy cơ, vùng đang có các ca sởi/dịch sởi xảy ra.

- Trẻ từ 11 đến 15 tuổi tại xã/phường nguy cơ cao/rất cao chưa được tiêm chủng/chưa tiêm đủ mũi vắc xin chứa thành phần sởi và trẻ chưa rõ tiền sử tiêm chủng, không rõ tiền sử mắc sởi, có nguyện vọng tiêm vắc xin chứa thành phần sởi.

3. Phạm vi triển khai:

- Nhóm đủ 06 tháng tuổi, chưa đến độ tuổi tiêm chủng trong chiến dịch tiêm chủng đợt 1, 2 năm 2025 và nhóm từ 06 tháng tuổi đến dưới 09 tháng tuổi: Triển khai tại 55 tỉnh, thành phố (trừ thành phố Hồ Chí Minh đã hoàn thành chiến dịch và 07 tỉnh, thành phố không đề xuất tiêm cho nhóm này[1]).

- Nhóm từ 11 đến 15 tuổi: triển khai tại 51 tỉnh, thành phố (trừ thành phố Hồ Chí Minh đã hoàn thành chiến dịch và 11 tỉnh, thành phố xác định không có xã/phường nguy cơ cao/rất cao)[2].

Tiêu chí lựa chọn phạm vi triển khai của nhóm từ 11 đến 15 tuổi:

Các tỉnh, thành phố căn cứ vào 1 trong 2 tiêu chí sau để xác định xã/phường nguy cơ cao/rất cao:

- Tỷ lệ tiêm chủng thường xuyên và tiêm chủng chiến dịch của các đợt tiêm chủng chiến dịch năm 2014 - 2015 cho nhóm từ 01 tuổi đến 14 tuổi và năm 2018 -2019 cho nhóm đối tượng 01 đến 05 tuổi dưới 95%.

- Số mắc bệnh sởi ở nhóm từ 11 đến 15 tuổi trong 02 hoặc 03 tuần gần nhất có xu hướng tăng.

IV. NỘI DUNG KẾ HOẠCH

1. Điều tra, lập danh sách đối tượng

Đối tượng tiêm là:

- Trẻ đủ 06 tháng tuổi, chưa đến độ tuổi tiêm chủng trong chiến dịch tiêm chủng đợt 1, 2 năm 2025 tại vùng nguy cơ, vùng đang có các ca sởi/dịch sởi xảy ra bao gồm cả trẻ vãng lai đang có mặt tại địa phương, mỗi trẻ sẽ được tiêm 01 mũi vắc xin sởi.

- Trẻ từ 06 tháng tuổi đến dưới 09 tháng tuổi, chưa được tiêm trong chiến dịch tiêm chủng đợt 1, 2 năm 2025 tại vùng nguy cơ, vùng đang có các ca sởi/dịch sởi xảy ra bao gồm cả trẻ vãng lai đang có mặt tại địa phương, mỗi trẻ sẽ được tiêm 01 mũi vắc xin sởi.

- Trẻ từ 11 đến 15 tuổi tại xã/phường nguy cơ cao/rất cao bao gồm cả trẻ vãng lai đang có mặt tại địa phương được xác định chưa được tiêm chủng/chưa tiêm đủ mũi vắc xin chứa thành phần sởi và trẻ chưa rõ tiền sử tiêm chủng, không rõ tiền sử mắc sởi, có nguyện vọng tiêm vắc xin chứa thành phần sởi, mỗi trẻ sẽ được tiêm 01 mũi vắc xin chứa thành phần sởi.

Ngoại trừ đối tượng đã được tiêm vắc xin có chứa thành phần sởi trong vòng 1 tháng trước khi triển khai tiêm (có bằng chứng được tiêm thể hiện trên Phiếu/Sổ tiêm chủng/Phần mềm quản lý tiêm chủng); đối tượng đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin chứa thành phần sởi theo quy định[3].

(Lưu ý nếu không rõ hoặc không rà soát được tiền sử tiêm chủng thì thực hiện tiêm vắc xin ngay).

Các tỉnh, thành phố chủ động tiến hành điều tra hộ gia đình, lập danh sách các nhóm đối tượng tại trường học và tại cộng đồng tránh bỏ sót đối tượng, đặc biệt ở những vùng có biến động dân cư.

Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương làm đầu mối phối hợp với các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur khu vực hướng dẫn cách thức điều tra, rà soát, lập danh sách đối tượng.

2. Truyền thông

Truyền thông trực tiếp trước, trong và sau khi triển khai hoạt động tiêm chủng chiến dịch tiêm vắc xin phòng bệnh sởi.

- Tuyến tỉnh, huyện: Thực hiện truyền thông trên các phương tiện truyền thông đại chúng như Đài phát thanh, truyền hình, đài truyền thanh, báo chí...để người dân biết và chủ động đưa con em đi tiêm chủng.

- Tuyến xã, phường: Thông báo hàng ngày trên loa, đài về đối tượng, thời gian, địa điểm tổ chức buổi tiêm chủng.

3. Cung ứng vắc xin

3.1. Loại vắc xin:

Vắc xin chứa thành phần sởi do Trung tâm Nghiên cứu sản xuất vắc xin, sinh phẩm y tế sản xuất, lọ 10 liều, dạng đông khô kèm dung môi.

3.2. Nguồn vắc xin: 500.000 liều vắc xin chứa thành phần sởi do Tập đoàn FPT hỗ trợ.

3.3. Tiếp nhận, bảo quản, vận chuyển vắc xin:

- Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương: đầu mối tiếp nhận vắc xin do tập đoàn FPT hỗ trợ; phối hợp với các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur khu vực đề xuất phân bổ số vắc xin này theo các lần như sau:

Lần 1:

+ Trẻ đủ 6 tháng tuổi và từ 6 tháng tuổi đến dưới 9 tháng tuổi: 117.200 liều vắc xin sởi theo nhu cầu đề xuất của các tỉnh, thành phố.

+ Trẻ từ 11 đến 15 tuổi: 334.500 liều vắc xin chứa thành phần sởi cho 51 tỉnh, thành phố để triển khai theo phạm vi do tỉnh, thành phố quyết định theo quy định tại phần 3, Mục III (theo phụ lục I đính kèm).

Lần 2: Phân bổ 48.300 liều vắc xin chứa thành phần sởi còn lại cho nhóm từ 11 đến 15 tuổi trên cơ sở báo cáo kết quả triển khai lần 1 và kết quả xác định phạm vi triển khai của các tỉnh, thành phố (xã/phường có nguy cơ cao/rất cao).

- Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương là đầu mối phối hợp các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur khu vực và các đơn vị liên quan thực hiện tiếp nhận, bảo quản và vận chuyển vắc xin chứa thành phần sởi đến các Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, thành phố.

- Các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur cấp phát vắc xin cho các Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, thành phố trước khi tổ chức tiêm chủng dựa trên kế hoạch triển khai cụ thể của từng tỉnh, thành phố. Chủ động thực hiện phân bổ, điều phối giữa các tỉnh, thành phố trong khu vực phụ trách căn cứ nhu cầu điều chuyển, đề xuất của các tỉnh, thành phố đảm bảo sử dụng vắc xin an toàn và hiệu quả.

- Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, thành phố tiếp nhận và bảo quản vắc xin chứa thành phần sởi tại kho của tỉnh và thực hiện cấp phát vắc xin cho Trung tâm Y tế quận/huyện trước khi tổ chức tiêm chủng.

- Trung tâm Y tế quận/huyện tiếp nhận vắc xin chứa thành phần sởi từ kho tỉnh về kho quận/huyện để bảo quản và cấp phát cho các xã 1-2 ngày trước khi tiêm chủng hoặc ngay trước buổi tiêm chủng.

- Tuyến xã/phường tiếp nhận vắc xin chứa thành phần sởi từ tuyến quận/huyện, bảo quản và vận chuyển vắc xin cho các điểm tiêm chủng.

- Việc bảo quản vắc xin chứa thành phần sởi thực hiện theo các quy định hiện hành.

4. Tổ chức tiêm chủng

4.1. Hình thức triển khai:

- Các tỉnh, thành phố căn cứ điều kiện thực tế và đặc thù tại địa phương để áp dụng các hình thức tiêm chủng phù hợp như tiêm chủng tại nhà, tiêm chủng lưu động để nhanh chóng bao phủ vắc xin đạt hiệu quả miễn dịch cộng đồng.

- Tổ chức chiến dịch tiêm vắc xin chứa thành phần sởi tại các cơ sở tiêm chủng đủ điều kiện, trạm y tế xã, phường và các trường trung học cơ sở một hoặc nhiều đợt theo cụm huyện/xã tùy vào điều kiện của từng địa phương.

- Triển khai tại các điểm tiêm ngoài trạm: Đối với các địa phương là vùng sâu, vùng xa, vùng khó tiếp cận, tùy vào điều kiện của từng địa phương quyết định điểm tiêm ngoài trạm cho phù hợp với đối tượng tiêm.

- Thực hiện tiêm vét cho những trẻ bị sót ngay cuối mỗi đợt hoặc trong tiêm chủng thường xuyên.

4.2. Tổ chức buổi tiêm chủng

- Trạm Y tế xã tổ chức buổi tiêm chủng, triển khai chiến dịch tiêm vắc xin chứa thành phần sởi tại Trạm Y tế xã hoặc phối hợp với các cơ sở giáo dục, các ban ngành đoàn thể liên quan để bố trí điểm tiêm chủng theo quy định.

- Quy trình tổ chức buổi tiêm chủng thực hiện theo đúng quy định tại Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ và Thông tư số 34/2018/TT-BYT ngày 12/11/2018 của Bộ Y tế quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 104/2018/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng.

- Số buổi tiêm chủng tại mỗi điểm tiêm phụ thuộc vào số đối tượng trên địa bàn, không quá 100 đối tượng/bàn tiêm/buổi tiêm tiêm cho riêng vắc xin sởi hoặc vắc xin chứa thành phần sởi; không quá 50 đối tượng/bàn tiêm/buổi tiêm nếu tiêm cùng các vắc xin khác.

- Rà soát và tiêm vét những trẻ thuộc diện đối tượng đã được đăng ký hoặc chưa được đăng ký có mặt tại địa bàn ở thời điểm triển khai cần được tiêm vét để hạn chế số trẻ bị bỏ sót.

- Đối với các trường hợp tạm hoãn: cần có kế hoạch tiêm vét vào ngay cuối mỗi lần.

- Lưu ý:

+ Trong chiến dịch: KHÔNG tiêm vắc xin chứa thành phần sởi cho những đối tượng đã được tiêm vắc xin có chứa thành phần sởi trong vòng 1 tháng trước khi triển khai tiêm; KHÔNG tiêm vắc xin chúa thành phần sởi cho đối tượng đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin chứa thành phần sởi theo quy định.

4.3. Kế hoạch đảm bảo an toàn tiêm chủng, xử trí phản ứng sau tiêm

- Phòng chống sốc: Bố trí trang bị, nhân lực tại chỗ, sự hỗ trợ và tham gia công tác phòng chống sốc của hệ điều trị (có bảng phân công cơ sở điều trị/đội cấp cứu lưu động hỗ trợ cho từng huyện/xã).

- Bố trí các đội cấp cứu lưu động tại các điểm tiêm chủng để xử trí kịp thời các trường hợp tai biến nặng sau tiêm nếu có.

- Giám sát, báo cáo phản ứng sau tiêm: Trong thời gian triển khai, thực hiện giám sát và báo cáo nhanh các trường hợp phản ứng nặng, cụm phản ứng sau tiêm chủng theo quy định.

5. Theo dõi, giám sát và báo cáo

- Các địa phương nhập danh sách đối tượng đã tiêm vắc xin chứa thành phần sởi trong kế hoạch này trên Hệ thống thông tin tiêm chủng quốc gia và báo cáo kết quả tiêm và tình hình sử dụng vắc xin theo quy định.

- Theo dõi, báo cáo tình hình phản ứng sau tiêm vắc xin theo thường quy, báo cáo kết quả cùng với báo cáo tiêm chủng. Các trường hợp tai biến nặng được điều tra và báo cáo theo quy định.

- Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh/thành phố thực hiện báo cáo kết quả tiêm vắc xin hàng ngày trong thời gian tổ chức kế hoạch gửi các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur để tổng hợp. Các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur tổng hợp, gửi báo cáo kết quả tiêm vắc xin, tình hình sử dụng vắc xin chứa thành phần sởi hàng ngày (trước 17h) của tỉnh, thành phố theo khu vực phụ trách tại đường link báo cáo như sau: https://docs.google.com/spreadsheets/d/1aSp2-t6oIJMbwDOXZvMw2_WWecatLisOH618C82bBks/edit?gid=0#gid=0.

- Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh/thành phố tổng hợp và gửi báo cáo kết quả tiêm vắc xin cho các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur trong khu vực (theo mẫu tại Phụ lục II đính kèm) như sau:

+ Lần 1 trong vòng 03 ngày sau khi kết thúc.

+ Lần 2 trong vòng 7 ngày sau khi hoàn thành chiến dịch tiêm chủng.

- Các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur tổng hợp ngay kết quả tiêm chủng của các tỉnh, thành phố theo khu vực phụ trách gửi Cục Phòng bệnh - Bộ Y tế (theo Phụ lục II đính kèm).

- Các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur chủ động đôn đốc các tỉnh, thành phố hoàn thành báo cáo hàng ngày, báo cáo tiến độ tiêm chủng, quản lý, điều phối vắc xin kịp thời và hiệu quả và gửi báo cáo kết quả tiêm hằng ngày, kết thúc chiến dịch về Cục Phòng bệnh - Bộ Y tế để tổng hợp.

- Tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát trước, trong và sau khi triển khai kế hoạch.

6. Kinh phí thực hiện

6.1. Kinh phí mua, vận chuyển vắc xin đến tuyến tỉnh

- Bộ Y tế cung ứng vắc xin cho các tỉnh, thành phố để triển khai chiến dịch.

- Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương phối hợp với các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur khu vực vận chuyển vắc xin đến các tỉnh, thành phố.

6.2. Kinh phí triển khai

Kinh phí triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng, chống dịch Sởi năm 2025 đợt 3 tại địa phương do các địa phương đảm bảo, trừ kinh phí tại mục 6.1.

V. TRÁCH NHIỆM THỰC HIỆN

1. Tuyến Trung ương

Các đơn vị trực thuộc và trực thuộc Bộ Y tế:

a) Cục Phòng bệnh chỉ đạo triển khai Kế hoạch, chỉ đạo và phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai thực hiện việc giám sát, theo dõi và báo cáo kết quả thực hiện.

b) Cục Quản lý Dược có trách nhiệm chỉ đạo Viện Kiểm định Quốc gia vắc xin và Sinh phẩm Y tế và Trung tâm Nghiên cứu sản xuất vắc xin, sinh phẩm y tế bảo đảm chất lượng vắc xin chứa thành phần sởi.

c) Cục Quản lý Khám, chữa bệnh có trách nhiệm chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh, cơ sở y tế phối hợp tổ chức thực hiện việc khám sàng lọc trước tiêm chủng, tiêm tại các cơ sở khám bệnh chữa bệnh, cấp cứu và xử trí kịp thời các phản ứng sau tiêm chủng.

d) Văn phòng Bộ có nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền, phổ biến Kế hoạch trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức nhóm chuyên gia truyền thông về phòng chống dịch.

đ) Vụ Kế hoạch-Tài chính hướng dẫn Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương thực hiện các thủ tục tiếp nhận viện trợ, tài trợ vắc xin (trong trường hợp cần thiết).

e) Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương là đầu mối phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur xây dựng hướng dẫn chuyên môn triển khai kế hoạch, hướng dẫn điều tra, lập danh sách đối tượng tiêm, hướng dẫn tiêm chủng đảm bảo an toàn, hiệu quả, đúng quy định hiện hành.

f) Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur các khu vực hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc triển khai kế hoạch, tổng hợp tình hình thực hiện và báo cáo thường xuyên theo quy định.

g) Viện Kiểm định Quốc gia vắc xin và Sinh phẩm Y tế có trách nhiệm kiểm định, đảm bảo đúng tiến độ và giám sát chất lượng vắc xin tại các tuyến.

h) Trung tâm Nghiên cứu sản xuất vắc xin và sinh phẩm y tế phối hợp thực hiện bàn giao, vận chuyển, bảo quản vắc xin chứa thành phần sởi được viện trợ theo kế hoạch.

2. Tuyến địa phương

- Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố tại các địa phương phê duyệt hoặc ủy quyền cho Sở Y tế phê duyệt Kế hoạch và chỉ đạo Sở Y tế và các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện Kế hoạch. Đảm bảo nguồn lực cho triển khai kế hoạch đạt mục tiêu đề ra.

- Sở Y tế tỉnh, thành phố có nhiệm vụ xây dựng Kế hoạch trình Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố về hoạt động tiêm chủng chiến dịch vắc xin phòng, chống bệnh sởi, bố trí đầy đủ nhân lực, trang thiết bị cho điểm tiêm chủng bao gồm bơm kim tiêm, hộp an toàn, kinh phí tổ chức thực hiện... và cả các đội cấp cứu lưu động, tổ chức buổi tiêm chủng và theo dõi, xử trí các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng. Chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường giám sát tổ chức triển khai thực hiện, huy động sự phối hợp giữa các cơ sở y tế công lập, tư nhân, các đơn vị liên quan trên địa bàn để tổ chức chiến dịch (trong trường hợp cần thiết).

- Sở Giáo dục và Đào tạo, các Sở, ngành, đoàn thể liên quan tham gia hỗ trợ Sở Y tế trong việc điều tra, lập danh sách đối tượng trên địa bàn tỉnh; có công văn chỉ đạo Phòng Giáo dục các quận/huyện, các trường trung học cơ sở về phối hợp với ngành y tế trong triển khai tiêm vắc xin tại trường học/cơ sở giáo dục; tuyên truyền nhấn mạnh ý nghĩa, lợi ích của hoạt động tiêm chiến dịch vắc xin chứa thành phần sởi cho đội ngũ cán bộ, giáo viên khối trung học cơ sở, vận động phụ huynh đồng ý cho con em tham gia tiêm vắc xin. Đồng thời phối hợp tổ chức kiểm tra, giám sát trước, trong và sau khi triển khai tiêm bổ sung vắc xin.

- Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch triển khai tiêm chủng vắc xin phòng, chống dịch sởi theo Quyết định của Bộ Y tế. Phối hợp với ngành giáo dục trong công tác chỉ đạo, điều tra đối tượng tại các trường trung học cơ sở. Tuyên truyền ý nghĩa, lợi ích của hoạt động tiêm bổ sung vắc xin chứa thành phần sởi. Chỉ đạo các Trung tâm Y tế quận/huyện tổ chức thực hiện kế hoạch, kiểm tra, giám sát, tổng hợp tình hình thực hiện và báo cáo theo quy định. Lưu ý chỉ đạo và giám sát tiêm vét sau khi kết thúc đợt tiêm chính để đạt mục tiêu đề ra.

- Trung tâm Y tế quận/huyện tổ chức thực hiện kế hoạch, tổ chức kiểm tra, giám sát, tổng hợp tình hình thực hiện và báo cáo theo quy định.

- Trạm Y tế xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện hoạt động tiêm chủng chiến dịch vắc xin chứa thành phần sởi theo kế hoạch và báo cáo theo quy định.

- Các Bệnh viện đa khoa tỉnh, thành phố, bệnh viện huyện và các cơ sở y tế của địa bàn tỉnh chịu trách nhiệm bố trí cán bộ phối hợp với cơ sở tiêm chủng thực hiện việc khám sàng lọc, tổ chức tiêm chủng tại cơ sở y tế và theo chỉ đạo của Sở Y tế, cấp cứu và xử trí các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng.

 

PHỤ LỤC I

DỰ KIẾN ĐỐI TƯỢNG VÀ PHÂN BỔ VẮC XIN LẦN 1

TT

Tên tỉnh, thành phố

Đối tượng

Dự kiến phân bổ vắc xin lần 1***

Trẻ đủ 6 tháng tuổi *

Trẻ từ 6 tháng tuổi đến dưới 9 tháng tuổi **

Trẻ từ 11-15 tuổi tại vùng nguy cơ cao/rất cao

Trẻ đủ 6 tháng tuổi (vắc xin sởi)

Trẻ từ 6 tháng tuổi đến dưới 9 tháng tuổi (vắc xin sởi)

Trẻ từ 11-15 tuổi tại vùng nguy cơ cao/rất cao (vắc xin chứa thành phần sởi)

1

Hà Nội

20.136

4.237

33.982

21.000

4.400

7.100

2

Hải Phòng

1.255

1.256

34.862

1.300

1.300

7.300

3

Thái Bình

1.145

1.976

3.686

1.200

2.100

2.300

4

Nam Định

1.158

821

38.989

1.200

900

8.100

5

Hà Nam

450

690

5.964

500

700

3.100

6

Ninh Bình

672

339

15.081

700

400

3.200

7

Thanh Hoá

3.321

714

56.740

3.500

700

11.900

8

Bắc Giang

1.842

339

15.120

1.900

400

3.200

9

Bắc Ninh

1.329

458

0

1.400

500

0

10

Phú Thọ

1.327

582

1.355

1.400

600

1.000

11

Vĩnh Phúc

927

1.112

6.039

1.000

1.200

3.200

12

Hải Dương

0

2.014

5.150

0

2.100

2.700

13

Hưng Yên

348

218

0

400

200

0

14

Thái Nguyên

777

350

0

800

400

0

15

Bắc Cạn

180

110

4.167

200

100

2.600

16

Quảng Ninh

567

559

32.040

600

600

6.700

17

Hòa Bình

715

467

12.619

700

500

2.600

18

Nghệ An

2.626

1.626

77.300

2.700

1.700

16.200

19

Hà Tĩnh

469

1.344

0

500

1.400

0

20

Lai Châu

583

439

0

600

500

0

21

Lạng Sơn

619

70

4.785

600

100

3.000

22

Tuyên Quang

600

755

1.290

600

800

900

23

Hà Giang

805

770

64.739

800

800

13.500

24

Cao Bằng

272

451

17.577

300

500

3.700

25

Yên Bái

845

544

1.384

900

600

1.000

26

Lào Cai

862

1.066

0

900

1.100

0

27

Sơn La

999

594

21.710

1.000

600

4.500

28

Điện Biên

724

1.035

9.500

800

1.100

5.000

29

Quảng Bình

519

630

25.475

500

700

5.300

30

Quảng Trị

480

455

10.392

500

500

2.200

31

Thừa Thiên Huế

572

1.074

14.627

600

1.100

3.100

32

Đà Nẵng

367

1.192

17.075

400

1.200

3.600

33

Quảng Nam

860

570

50.341

900

600

10.500

34

Quảng Ngãi

930

769

79.553

1.000

800

16.600

35

Bình Định

1.217

643

0

1.300

700

0

36

Phú Yên

527

508

16.925

600

500

3.500

37

Khánh Hòa

0

0

28.264

0

0

5.900

38

Ninh Thuận

0

0

9.140

0

0

4.800

39

Bình Thuận

1.223

2.807

15.032

1.300

2.900

3.100

40

Kon Tum

942

55

39.879

1.000

100

8.300

41

Gia Lai

0

0

122.137

0

0

25.500

42

Đắk Lắk

2.246

1.137

49.878

2.300

1.200

10.400

43

Đắk Nông

661

292

6.457

700

300

3.400

44

TP Hồ Chí Minh

0

0

0

0

0

0

45

Bà Rịa Vũng Tàu

780

569

17.583

800

600

3.700

46

Đồng Nai

820

708

37.656

900

700

7.900

47

Tiền Giang

662

963

51.436

700

1.000

10.800

48

Long An

0

0

40.543

0

0

8.500

49

Lâm Đồng

1.685

1.063

39.813

1.800

1.100

8.300

50

Tây Ninh

324

363

0

300

400

0

51

Cần Thơ

0

646

19.088

0

700

4.000

52

Sóc Trăng

979

294

60.064

1.000

300

12.600

53

An Giang

0

0

4.470

0

0

2.800

54

Bến Tre

0

0

0

0

0

0

55

Trà Vinh

403

608

0

400

600

0

56

Vĩnh Long

0

0

0

0

0

0

57

Đồng Tháp

1.074

996

56.341

1.100

1.000

11.800

58

Bình Dương

473

656

25.022

500

700

5.200

59

Bình Phước

789

883

31.862

800

900

6.700

60

Kiên Giang

863

1.121

63.381

900

1.200

13.200

61

Cà Mau

0

1.390

39.988

0

1.500

8.400

62

Bạc Liêu

548

597

28.385

600

600

5.900

63

Hậu Giang

345

229

27.338

400

200

5.700

Miền Bắc

45.553

24.936

464.079

47.500

26.300

112.800

Miền Trung

6.695

8.648

266.824

7.100

9.000

58.600

Tây Nguyên

3.849

1.484

218.351

4.000

1.600

47.600

Miền Nam

9.745

11.086

542.970

10.200

11.500

115.500

TOÀN QUỐC

65.842

46.154

1.492.224

68.800

48.400

334.500

* Trẻ chưa đến độ tuổi tiêm chủng trong chiến dịch tiêm chủng đợt 1, 2 năm 2025.

** Trẻ chưa được tiêm chủng trong chiến dịch tiêm chủng đợt 1, 2 năm 2025.

*** Phân bổ đủ nhu cầu cho nhóm trẻ đủ 06 tháng tuổi và nhóm trẻ từ 06 tháng tuổi đến dưới 9 tháng tuổi; nhóm trẻ từ 11 đến 15 tuổi: các tỉnh, thành phố có nhu cầu dưới 2.000 đối tượng phân bổ 70%; từ 2.000-5.000 đối tượng phân bổ 60%; từ 5.000-10.000 đối tượng phân bổ 50%, trên 10.000 đối tượng phân bổ 20%.

 

PHỤ LỤC II

BÁO CÁO TỔNG HỢP TIÊM CHỦNG VẮC XIN PHÒNG BỆNH SỞI

Viện/Tỉnh ………………………

Từ ngày …/… /…. đến ngày …./…. / ………

I. BÁO CÁO TÌNH HÌNH SỬ DỤNG VẮC XIN CHỨA THÀNH PHẦN SỞI

TT

Tỉnh

Loại vắc xin

Tên vắc xin

Tên nhà sản xuất

Số lô

Hạn sử dụng

Số tiêm

Số hủy

Số sử dụng 1

Số hiện còn

1

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

2

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

…..

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Khu vực

 

 

 

 

 

 

 

 

 

1 Số sử dụng = số tiêm + số hủy

II. KẾT QUẢ TIÊM CHỦNG

Tỷ lệ tiêm chủng

- Trẻ đủ 6 tháng tuổi:    /      (số mũi tiêm/tổng số đối tượng); tỷ lệ:…………….. %

- Trẻ từ 6 đến dưới 9 tháng tuổi:   /    (số mũi tiêm/tổng số đối tượng); tỷ lệ:…………..  %

- Trẻ từ 11 đến 15 tuổi:    /    (số mũi tiêm/tổng số đối tượng); tỷ lệ:…………..  %.

TT

Tên đơn vị

Kết quả tiêm chủng

Số TH chống chỉ định1

Số TH phản ứng thông thường2

Số TH phản ứng nặng3

Trẻ đủ 6 tháng tuổi

Trẻ từ 6 tháng đến dưới 9 tháng

Trẻ từ 11 đến 15 tuổi

Tổng số đối tượng

Số được tiêm

Tổng số đối tượng

Số được tiêm

Tổng số đối tượng

Số được tiêm

1

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

2

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tổng số

 

 

 

 

 

 

 

 

 

1 Chống chỉ định:

Số trường hợp chống chỉ định trong đợt tiêm chủng: __________________

Lý do chống chỉ định:

………………………………………………………………………………………..

2,3 Báo cáo các trường hợp phản ứng thông thường và sự cố bất lợi sau tiêm chủng được báo cáo theo các biểu mẫu tại Thông tư 34/2018/TT - BYT ngày 12 tháng 11 năm 2018.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Công tác chỉ đạo

- …….

- …………

2. Tổ chức thực hiện

2.1. Thời gian triển khai

- Thời gian chung triển khai tiêm vắc xin tại…… xã/……….. huyện: Từ ngày   tháng    năm 20 đến ngày   tháng    năm 20

- Tổng số điểm tiêm chủng:………………….. trong đó:

○ Số điểm tiêm chủng tại trạm:……………….. ;

○ Số điểm tiêm chủng tại trường học:…………. ;

○ Số điểm tiêm chủng khác:………………… ;

2.2. Hoạt động truyền thông

Công tác thực hiện

Số lượt

Tổng số lượt tuyên truyền trên báo, đài địa phương

 

Số buổi phát thanh trên loa truyền thanh xã/thị trấn

 

Tổng số lớp huấn luyện đã mở tại địa phương

 

Tổng số người tham dự

 

Các tài liệu do địa phương phát hành

 

Các hình thức tuyên truyền khác

 

3. Hậu cần

Vật tư, vắc xin

Có sẵn/ Tồn

Được cấp trong TCMR

Tự mua

Sử dụng*

Hủy

Tồn

Vắc xin, vật tư

 

 

 

 

 

 

Vắc xin sởi (liều)

 

 

 

 

 

 

Vắc xin chứa thành phần sởi (liều)

 

 

 

 

 

 

BKT 0,5ml (cái)

 

 

 

 

 

 

Hộp an toàn (chiếc)

 

 

 

 

 

 

Vật tư khác:

 

 

 

 

 

 

*: Số liều vắc xin đã tiêm cho trẻ và số liều còn lại trong các lọ đã mở nhưng không sử dụng hết được tính vào số sử dụng.

4. Kinh phí

Nguồn kinh phí

Số kinh phí (đồng)

1. Ngân sách Trung ương cấp

 

2. Ngân sách địa phương cấp

 

- Tỉnh:

 

- Huyện:

 

- Xã:

 

3. Các nguồn khác (ghi cụ thể)

 

4. Các hình thức hỗ trợ khác (ghi cụ thể)

 

Tổng cộng

 

5. Công tác giám sát và nhân lực triển khai

- Tuyến tỉnh: Số lượt giám sát:…….. lượt; Số người giám sát:……. người; số điểm giám sát:……….. điểm

- Tuyến huyện: Số lượt giám sát:……. lượt; Số người giám sát:……… người; số điểm giám sát:……….. điểm.

6. Thuận lợi

7. Khó khăn

 

Người tổng hợp
(Ký, ghi rõ họ tên)

Ngày…… tháng….. năm 2025
Thủ trưởng cơ quan
(Ký tên, đóng dấu)

 



[1] 07 tỉnh, thành phố không đề xuất nhóm từ đủ 6 tháng đến dưới 9 tháng tuổi: Khánh Hòa, Ninh Thuận, Gia Lai, Long An, An Giang, Bến Tre, Vĩnh Long.

[2] 11 tỉnh xác định không có xã/phường nguy cơ cao/rất cao: Bắc Ninh, Hưng Yên, Thái Nguyên, Hà Tĩnh, Lai Châu, Lào Cai, Bình Định, Tây Ninh, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long.

[3] Thông tin trên sổ, phiếu tiêm chủng do cơ sở y tế cấp hoặc Hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng Quốc gia của Bộ Y tế