Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1000/QĐ-BVHTTDL | Hà Nội, ngày 11 tháng 4 năm 2025 |
BAN HÀNH QUY TẮC ỨNG XỬ NGHỀ NGHIỆP CỦA NGƯỜI LÀM CÔNG TÁC DI SẢN VĂN HÓA
BỘ TRƯỞNG BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH
Căn cứ Luật Di sản văn hóa ngày 23/11/2024 ;
Căn cứ Nghị định số 43/2025/NĐ-CP ngày 28/02/2025 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
Căn cứ Quyết định số 1909/QĐ-TTg ngày 12/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030;
Căn cứ Quyết định số 3117/QĐ-BVHTTDL ngày 29/11/2022 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc và Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 (giai đoạn 2023-2025);
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Di sản văn hóa.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy tắc ứng xử nghề nghiệp của người làm công tác di sản văn hóa.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| KT. BỘ TRƯỞNG |
QUY TẮC ỨNG XỬ NGHỀ NGHIỆP CỦA NGƯỜI LÀM CÔNG TÁC DI SẢN VĂN HÓA
(Kèm theo Quyết định số 1000/QĐ-BVHTTDL ngày 11 tháng 4 năm 2025 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch)
Chương I
MỤC ĐÍCH, PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG
Điều 1. Mục đích
1. Xác định các chuẩn mực trong hành vi ứng xử, nhằm thống nhất nhận thức, hành động của người làm công tác di sản văn hóa, ngăn ngừa hiệu quả các hành vi tiêu cực, làm biến dạng, sai lệch và có nguy cơ mai một, hủy hoại di sản trong hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa;
2. Góp phần khẳng định vai trò, trách nhiệm của người làm công tác di sản văn hóa, xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Điều 2. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh: Hành vi ứng xử của người làm công tác di sản văn hóa trong hoạt động nghề nghiệp, trong quan hệ với đồng nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia nghiên cứu, tham quan di sản văn hóa; ứng xử trên báo chí, truyền thông và trên không gian mạng; khi tham gia các hoạt động xã hội khác.
2. Đối tượng áp dụng: Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm công tác quản lý, bảo vệ và phát huy di sản văn hóa trên phạm vi cả nước.
Chương II
QUY TẮC ỨNG XỬ
Điều 3. Quy tắc ứng xử chung
1. Đặt lợi ích của Đảng, của quốc gia, dân tộc và của Nhân dân lên trên hết, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, uy tín và danh dự người làm công tác di sản văn hóa phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục và truyền thống văn hóa Việt Nam.
2. Chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, các công ước quốc tế về lĩnh vực di sản văn hóa mà Việt Nam tham gia.
3. Đề cao trách nhiệm công dân, trách nhiệm của người làm công tác di sản văn hóa, tôn trọng sự đa dạng của di sản văn hóa, không làm tổn hại uy tín của tập thể, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người khác.
4. Không ngừng học tập, rèn luyện nâng cao nhận thức chính trị và trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ. Nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với công việc; có ý thức đấu tranh với hành vi sai trái, tiêu cực; thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí; đề cao quy tắc đạo đức nghề nghiệp; chống lại việc buôn bán trái phép di sản văn hóa hoặc các hành động phi đạo đức trong lĩnh vực di sản văn hóa.
5. Nêu cao tinh thần đoàn kết, tích cực, chủ động phối hợp với đồng nghiệp trong thực hiện nhiệm vụ. Không trốn tránh trách nhiệm, thoái thác công việc hoặc nhiệm vụ được giao.
6. Không lợi dụng hoạt động nghề nghiệp để trục lợi cá nhân.
7. Phổ biến, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện đúng các quy định của pháp luật, nguyên tắc trong quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.
8. Tích cực nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ để cải tiến và nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc; chủ động đề xuất, tham mưu xây dựng chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, đề án, chương trình bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.
9. Thực hiện nghiêm quy định về đạo đức công vụ, văn hóa công vụ (đối với trường hợp là đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức).
Điều 4. Quy tắc ứng xử trong hoạt động nghề nghiệp
1. Đối với lĩnh vực bảo tàng
a) Tuân thủ quy định của pháp luật về di sản văn hóa, quy định khác của pháp luật có liên quan và các quy định, quy chế nội bộ của từng bảo tàng.
b) Hiểu và tôn trọng giá trị của di sản văn hóa, không chỉ trong việc bảo quản mà còn trong việc truyền đạt kiến thức và giáo dục di sản văn hóa.
c) Có thái độ chuyên nghiệp, lịch sự, tôn trọng, chu đáo khi tiếp xúc với khách tham quan, đối tác, đồng nghiệp.
d) Bảo đảm thông tin cung cấp cho khách tham quan về hiện vật, sưu tập hiện vật hoặc sự kiện lịch sử, văn hóa là chính xác và trung thực.
đ) Bảo đảm việc bảo quản các hiện vật, sưu tập hiện vật được thực hiện một cách cẩn thận và có hiệu quả để bảo vệ giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học của di sản văn hóa.
e) Có trách nhiệm giữ bí mật thông tin liên quan đến hiện vật, sưu tập hiện vật khi được giao quản lý theo quy định; không được phép công bố hoặc chuyển cho bất kỳ một tổ chức hoặc cá nhân khác mà không được sự cho phép của người có thẩm quyền.
g) Không phân biệt đối xử về giới tính, dân tộc, chủng tộc, tôn giáo, quốc tịch, địa vị xã hội, khả năng tài chính, tuổi tác giữa đồng nghiệp trong bảo tàng hoặc với khách tham quan bảo tàng.
h) Không lợi dụng hoạt động chuyên môn của bảo tàng để gây mất đoàn kết giữa các dân tộc, cộng đồng liên quan.
i) Không được môi giới, tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào việc buôn bán, vận chuyển, hỗ trợ vận chuyển trái phép các di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia và di sản thiên nhiên.
k) Không mua bán/sưu tầm/kinh doanh/trao đổi di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, di sản tư liệu có nguồn gốc bất hợp pháp; không lợi dụng việc thực hiện nhiệm vụ sưu tầm hiện vật để mua, tư vấn cho tổ chức, cá nhân khác mua, bán hiện vật thuộc đối tượng sưu tầm của bảo tàng công lập hoặc tiết lộ thông tin liên quan đến việc mua, bán hiện vật khi chưa được sự đồng ý bằng văn bản của người có thẩm quyền.
l) Không vi phạm các lợi ích của bảo tàng trong các hoạt động chuyên môn cá nhân; không được lợi dụng hoạt động của bảo tàng để thu lợi cho cá nhân hoặc lợi dụng nghề nghiệp tại bảo tàng để hỗ trợ bạn bè, người thân trục lợi cá nhân.
m) Không được nhận quà tặng, các khoản cho vay hay các lợi ích cá nhân khác liên quan đến công việc trong bảo tàng.
2. Đối với lĩnh vực di tích
a) Luôn có ý thức, trách nhiệm thực hiện các biện pháp nhằm bảo vệ di tích; không thực hiện các hành vi có nguy cơ làm ảnh hưởng đến yếu tố gốc cấu thành di tích; không tuyên truyền, phổ biến thông tin sai lệch về sự kiện, nhân vật lịch sử gắn với di tích, ý nghĩa, giá trị của di tích, các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di tích.
b) Đảm bảo nghiên cứu chính xác, khoa học, cẩn thận, kỹ lưỡng các quyết định liên quan đến hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích trên cơ sở các nguồn thông tin đáng tin cậy và phù hợp với thực tiễn của di tích trước khi thực thi.
c) Không lợi dụng danh nghĩa, chức vụ, quyền hạn để mưu cầu lợi ích cá nhân trong các hoạt động liên quan đến quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích.
d) Không được thực hiện việc bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh khi chưa có ý kiến chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền.
đ) Không được tự ý đào bới, tìm kiếm di vật, cổ vật trong khu vực bảo vệ di tích và địa điểm thuộc quy hoạch khảo cổ như di chỉ cư trú, mộ táng, công xưởng chế tác công cụ, thành lũy, khu vực có di sản văn hóa dưới nước… và các địa điểm, khu vực khảo cổ khác; bảo vệ địa điểm, khu vực thăm dò khai quật khảo cổ.
3. Đối với lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể
a) Bảo đảm thực hiện đúng các quy định, nguyên tắc trong quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể.
b) Chính sách, quy định có tác động đến di sản văn hóa phi vật thể cần được trao đổi, thảo luận và thống nhất đảm bảo sự hiểu biết, nhận thức đầy đủ của chủ thể di sản; không áp đặt ý kiến chủ quan của cá nhân đối với hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của chủ thể.
c) Không lợi dụng hoạt động bảo vệ, phát huy di sản văn hóa phi vật thể để đi ngược lại quyền sáng tạo văn hóa, thực hành văn hóa và hưởng thụ văn hóa của cộng đồng chủ thể di sản.
4. Đối với lĩnh vực di sản tư liệu và thông tin
a) Bảo đảm không làm biến đổi và giữ gìn tối đa thông tin gốc trong công tác phục chế, bảo quản di sản tư liệu.
b) Tôn trọng, tuân thủ các thỏa thuận đối với các cá nhân/tổ chức/cộng đồng.
c) Tổ chức, cá nhân là người quản lý di sản tư liệu phải có tinh thần trách nhiệm, chuyên nghiệp, cẩn thận, trung thực để bảo vệ và quản lý di sản tạo điều kiện để công chúng tiếp cận di sản.
d) Có trách nhiệm bảo vệ và phát huy giá trị của di sản tư liệu, có sự phối hợp giữa người làm công tác di sản tư liệu của các cơ quan, đơn vị trong nước, khu vực và thế giới.
đ) Không được xâm phạm tới sự toàn vẹn, tính xác thực của di sản tư liệu (không cắt xén, tác động hay làm giả thông tin, tư liệu).
e) Không được vì lợi ích cá nhân mà đặt sự tồn tại lâu dài của di sản tư liệu trước các mối đe dọa nguy hiểm.
g) Không được xâm nhập cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa trái phép; sử dụng, khai thác dữ liệu trái các quy định của pháp luật.
Điều 5. Quy tắc ứng xử đối với đồng nghiệp
1. Trung thực, chân thành, đoàn kết, có tinh thần phối hợp, chia sẻ trách nhiệm, giúp đỡ nhau phát huy năng lực, nâng cao trình độ chuyên môn nghề nghiệp, hợp tác giúp đỡ nhau hoàn thành nhiệm vụ; hướng dẫn, giúp đỡ người mới vào nghề về chuyên môn và phát triển kỹ năng nghề.
2. Có trách nhiệm, chuẩn mực, nghiêm túc, thẳng thắn, mang tính chất xây dựng trong phát ngôn, bày tỏ, góp ý, chia sẻ quan điểm với đồng nghiệp; tôn trọng, bảo vệ danh dự, cầu thị, lắng nghe ý kiến góp ý của đồng nghiệp.
3. Chia sẻ kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm thực tế với đồng nghiệp, chuyên gia, nhà khoa học và sinh viên thuộc các lĩnh vực liên quan về quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; thể hiện sự tôn trọng nguồn kinh nghiệm đã được học hỏi từ những cán bộ lớp trước và tiếp tục truyền đạt các kinh nghiệm và kỹ thuật có ích đó cho những người khác.
4. Xây dựng các mối quan hệ công việc tốt đẹp với đồng nghiệp, các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực di sản văn hóa.
Điều 6. Quy tắc ứng xử đối với tổ chức, cá nhân tham gia nghiên cứu, tham quan di sản văn hóa
1. Thái độ lịch sự, văn minh, chuyên nghiệp, thân thiện, chân thành, tôn trọng khi giao tiếp trực tiếp hoặc gián tiếp với các cá nhân, đơn vị, tổ chức tham gia nghiên cứu, tham quan di sản văn hóa.
2. Chấp hành nghiêm các quy định, quy chế hướng dẫn tham quan tại bảo tàng, di tích; có trách nhiệm giữ gìn an ninh, trật tự, vệ sinh môi trường, bảo vệ cảnh quan, thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh.
3. Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân tham gia nghiên cứu, tham quan di sản văn hóa chấp hành nghiêm túc các quy định: không xâm phạm, hái hoa, bẻ cành, viết, vẽ lên các công trình kiến trúc, hiện vật tại bảo tàng, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; không chen lấn, xô đẩy, gây rối tại bảo tàng, di tích; chỉ lấy sách hướng dẫn, bản đồ, tập gấp và ấn phẩm quảng bá tại bảo tàng, di tích khi thực sự cần thiết; trang phục lịch sự, phù hợp tính chất của bảo tàng, di tích, thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, không gây phản cảm với mọi người; không mang theo vật nuôi gây nguy hiểm, không mang các loại chất nổ, chất cháy, vũ khí và chấp hành các quy định về phòng chống cháy nổ tại bảo tàng, di tích.
Điều 7. Quy tắc ứng xử trên báo chí, truyền thông, không gian mạng
1. Chấp hành nghiêm quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của cơ quan, đơn vị; không tiết lộ, đăng tải, cung cấp thông tin, tài liệu của cơ quan, đơn vị chứa bí mật nhà nước hoặc theo quy định phải có sự đồng ý của người có thẩm quyền.
2. Cá nhân khi sử dụng tài khoản mạng xã hội để tương tác, chia sẻ, đăng tải, cung cấp thông tin cần chính xác, tin cậy, không làm tổn hại đến các di sản văn hóa, cơ quan chủ quản, bộ ngành, địa phương, của xã hội và đất nước; bình luận, nhận xét đúng mực, có văn hóa, có trách nhiệm về những vấn đề mà dư luận xã hội quan tâm; trung thực trong phát ngôn, bày tỏ và chia sẻ quan điểm đúng đắn, khách quan.
3. Khuyến khích sử dụng mạng xã hội để chia sẻ, tuyên truyền, quảng bá các di sản văn hóa Việt Nam, những tấm gương điển hình trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, những thông tin tích cực, thông tin có nguồn chính thống, đáng tin cậy; có các hành vi ứng xử phù hợp với những giá trị đạo đức, văn hóa, truyền thống của dân tộc Việt Nam trên không gian mạng.
4. Không phát ngôn, đưa thông tin để lôi kéo, xúi giục, kích động, tạo phe nhóm gây chia rẽ, mất đoàn kết, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân; gây phương hại đến an ninh, trật tự, lợi ích quốc gia, dân tộc.
5. Không sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục; không đăng tải, chia sẻ và lan truyền các nội dung vi phạm pháp luật, thông tin sai sự thật, vi phạm bản quyền, thông tin chưa được kiểm chứng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm cá nhân và ảnh hưởng tiêu cực, xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội.
Điều 8. Quy tắc ứng xử khi tham gia các hoạt động xã hội khác
1. Phát huy tinh thần tự nguyện, tự giác tham gia các hoạt động xã hội. Thực hiện, phối hợp thực hiện hiệu quả các phong trào, hoạt động từ thiện, nhân đạo, chăm lo người nghèo, người dễ bị tổn thương trong xã hội theo quy định pháp luật.
2. Dùng uy tín cá nhân để lan tỏa các giá trị nhân văn, những việc làm tốt, hình ảnh đẹp, hành vi ứng xử văn hóa trong xã hội đến cộng đồng, chú trọng các hoạt động liên quan đến bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.
3. Không tổ chức, tham gia các hoạt động trái quy định của pháp luật, xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; không thực hành, ủng hộ các hoạt động mê tín dị đoan, gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 9. Triển khai và thực hiện
1. Khuyến nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân thành lập hoặc trực tiếp quản lý di sản văn hóa phổ biến, quán triệt, triển khai thực hiện Quy tắc này bằng các hình thức thích hợp, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, điều lệ hoạt động, điều kiện thực tế của từng đơn vị.
2. Đề nghị các cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập lĩnh vực di sản văn hóa, các hội liên quan đến di sản văn hóa căn cứ vào Quy tắc ứng xử này để rà soát, xây dựng, hoàn thiện nội quy, quy chế, quy định quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp của công chức, viên chức, hội viên trong đơn vị, tổ chức mình và có các hình thức khen thưởng, kỷ luật theo quy định. Người làm công tác di sản văn hóa cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, tự giác thực hiện đúng, đầy đủ nội dung Quy tắc này.
3. Đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước tăng cường phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng danh nghĩa của người làm công tác di sản văn hóa thực hiện hành vi vi phạm pháp luật; phối hợp để Quy tắc ứng xử này góp phần cùng các quy định của pháp luật về lĩnh vực di sản văn hóa và pháp luật liên quan được đảm bảo thực thi đúng, hiệu quả.
4. Đề nghị các cơ quan thông tấn, báo chí phát hiện, biểu dương, tôn vinh những tấm gương tốt, cách làm hay, mô hình hiệu quả trong việc thực hiện Quy tắc ứng xử này; phê phán, lên án các hành vi vi phạm Quy tắc.
Điều 10. Điều khoản thi hành
1. Quy tắc ứng xử được phổ biến đến tất cả những người làm công tác di sản văn hóa và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
2. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, bất cập, đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân kịp thời phản ánh về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (qua Cục Di sản văn hóa) để tổng hợp, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung./.
- 1Quyết định 201/QĐ-HĐLSTQ năm 2019 về Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam do Hội đồng Luật sư toàn quốc ban hành
- 2Quyết định 3815/QĐ-BVHTTDL năm 2022 về Quy tắc ứng xử nghề nghiệp của người làm công tác thư viện do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành
- 3Quyết định 3245/QÐ-BVHTTDL năm 2023 về xây dựng Quy tắc ứng xử nghề nghiệp của người làm công tác di sản văn hóa do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành
Quyết định 1000/QĐ-BVHTTDL năm 2025 về Quy tắc ứng xử nghề nghiệp của người làm công tác di sản văn hóa do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành
- Số hiệu: 1000/QĐ-BVHTTDL
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 11/04/2025
- Nơi ban hành: Bộ Văn hoá, Thể thao và du lịch
- Người ký: Hoàng Đạo Cương
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 11/04/2025
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra