Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 88/NQ-CP | Hà Nội, ngày 15 tháng 4 năm 2025 |
PHIÊN HỌP CHUYÊN ĐỀ VỀ XÂY DỰNG PHÁP LUẬT THÁNG 4 NĂM 2025
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 18 tháng 02 năm 2025;
Căn cứ Nghị định số 39/2022/NĐ-CP ngày 18 tháng 6 năm 2022 của Chính phủ ban hành Quy chế làm việc của Chính phủ;
Trên cơ sở thảo luận của các Thành viên Chính phủ và kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật, tổ chức ngày 13 tháng 4 năm 2025,
QUYẾT NGHỊ:
Thời gian qua, Chính phủ và các Thành viên Chính phủ đã rất tích cực, phát huy tinh thần chủ động, trách nhiệm cao, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng pháp luật, tạo nhiều chuyển biến tích cực, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn về thể chế, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Từ đầu năm 2025, định kỳ hằng tháng, Chính phủ đã tổ chức các Phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật để cho ý kiến, thông qua đối với nhiều đề nghị, dự án luật, nghị quyết để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9, tháng 5 năm 2025.
Tại Phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 4 năm 2025, Chính phủ đã thảo luận, cho ý kiến đối với 06 dự án luật, nghị quyết để trình Quốc hội nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về sắp xếp, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị gắn với việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013; tháo gỡ ngay những vướng mắc, bất cập có nguyên nhân từ quy định của pháp luật, tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho đầu tư kinh doanh, tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho những vấn đề mới, xu hướng mới nhằm thúc đẩy tăng trưởng đạt mục tiêu 8% trong năm 2025, tạo nền tảng vững chắc để đạt tăng trưởng hai con số.
Chính phủ đánh giá cao các Bộ: Công an, Tư pháp, Tài chính, Xây dựng đã khẩn trương chuẩn bị, trình Chính phủ các dự án: (1) Bộ luật Hình sự (sửa đổi), (2) Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự (sửa đổi), (3) Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, (4) Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch, (5) Nghị quyết của Quốc hội về việc xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam, (6) Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội. Các bộ, cơ quan liên quan đã tích cực tham gia ý kiến, hoàn thiện dự án luật, nghị quyết với tinh thần trách nhiệm cao.
Chính phủ quyết nghị các dự án luật, nghị quyết nêu trên như sau:
I. Dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi)
1. Chính phủ cơ bản thống nhất nội dung dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) do Bộ Công an trình tại Tờ trình số 164/TTr-BCA ngày 10 tháng 4 năm 2025. Giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến Thành viên Chính phủ và ý kiến tại Phiên họp Chính phủ, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi), bảo đảm một số yêu cầu sau:
- Tiếp tục rà soát các quy định của dự thảo để bảo đảm bám sát các Nghị quyết, Kết luận của Đảng và chỉ đạo của Chính phủ;
- Nghiên cứu, cân nhắc kỹ thêm về phạm vi sửa đổi, bổ sung; lựa chọn những vấn đề bất cập, rất cấp bách của Bộ luật Hình sự hiện hành để có phương án xử lý tối ưu, phù hợp, hiệu quả nhằm sửa đổi, bổ sung ngay một số điều theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới;
- Phối hợp các bộ, cơ quan liên quan rà soát kỹ dự thảo Bộ luật để bảo đảm không mâu thuẫn, chồng chéo với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, phù hợp với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên và thống nhất, đồng bộ với các dự thảo luật có liên quan, đang được tiến hành sửa đổi, gồm: Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Luật Thanh tra (sửa đổi);
- Rà soát, nghiên cứu, bảo đảm việc sửa đổi, bổ sung không hình sự hóa các quan hệ kinh tế và dân sự.
- Đánh giá kỹ lưỡng hơn nữa ưu, nhược điểm, tác động của việc mở rộng phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại và việc nâng hình phạt tù có thời hạn lên 30 năm và bổ sung hình phạt tù chung thân không xét giảm án;
- Bộ Công an tiếp tục phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan tham khảo ý kiến các chuyên gia và nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế để hoàn thiện dự án Bộ luật này.
2. Bộ Công an chịu trách nhiệm về nội dung tiếp thu, hoàn thiện dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi); chủ động báo cáo, giải trình trong quá trình thẩm tra, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Bộ luật. Trên cơ sở tiếp thu, hoàn hiện dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi), giao Bộ trưởng Bộ Công an thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình của Chính phủ về dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi), trình Quốc hội chậm nhất là ngày 15 tháng 4 năm 2025.
II. Dự án Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự (sửa đổi) (kết hợp sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự và sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống mua bán người)
1. Chính phủ cơ bản thống nhất nội dung dự thảo Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự (sửa đổi) do Bộ Công an trình tại Tờ trình số 162/TTr-BCA ngày 10 tháng 4 năm 2025. Giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến Thành viên Chính phủ và ý kiến tại Phiên họp Chính phủ, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự (sửa đổi), bảo đảm một số yêu cầu sau:
- Tiếp tục rà soát các quy định của dự thảo để bảo đảm bám sát các Nghị quyết, Kết luận của Đảng và chỉ đạo của Chính phủ;
- Nghiên cứu, cân nhắc phạm vi sửa đổi, bổ sung; tập trung sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự hiện hành, bảo đảm phù hợp với các quan điểm, chỉ đạo của Đảng và yêu cầu sắp xếp tổ chức bộ máy theo quy định tại Nghị quyết số 190/2025/QH15 ngày 19 tháng 02 năm 2025 của Quốc hội về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước;
- Phối hợp các bộ, cơ quan liên quan rà soát kỹ dự thảo Luật để bảo đảm không mâu thuẫn, chồng chéo với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, phù hợp với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên và thống nhất, đồng bộ với các dự thảo luật có liên quan đang được tiến hành sửa đổi, như: Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, Luật Tổ chức tòa án nhân dân;
- Giao Bộ Công an rà soát kỹ các nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị và Trung ương liên quan đến Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Việc không tổ chức Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao không trái với các nghị quyết của Bộ Chính trị và Trung ương, Chính phủ thống nhất với việc không tổ chức Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao theo đúng quy định của Hiến pháp. Trường hợp Quốc hội có ý kiến khác thì Đảng ủy Chính phủ thống nhất với Đảng ủy Quốc hội báo cáo xin ý kiến của cấp có thẩm quyền;
- Bộ Công an tiếp tục phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan tham khảo ý kiến các chuyên gia và nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế để hoàn thiện dự án Luật này.
2. Bộ Công an chịu trách nhiệm về nội dung tiếp thu, hoàn thiện dự án Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự (sửa đổi); chủ động báo cáo, giải trình trong quá trình thẩm tra, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật. Trên cơ sở tiếp thu, hoàn hiện dự án Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự (sửa đổi), giao Bộ trưởng Bộ Công an thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự (sửa đổi), trình Quốc hội chậm nhất là ngày 15 tháng 4 năm 2025.
III. Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính
1. Chính phủ cơ bản thống nhất nội dung dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính do Bộ Tư pháp trình tại Tờ trình số 46/TTr-BTP ngày 10 tháng 4 năm 2025. Giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến Thành viên Chính phủ và ý kiến tại Phiên họp Chính phủ, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ dự án Luật, bảo đảm một số yêu cầu sau:
- Tiếp tục rà soát các quy định của dự thảo để bảo đảm bám sát các Nghị quyết, Kết luận của Đảng và chỉ đạo của Chính phủ;
- Dự thảo Luật chỉ quy định nội dung thuộc thẩm quyền của Quốc hội, giao Chính phủ quy định về những nội dung cụ thể, chi tiết, chuyên ngành; chỉ tập trung và ưu tiên sửa đổi những vấn đề cấp bách, liên quan đến việc sắp xếp tổ chức bộ máy. Tiếp tục phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan và tham khảo ý kiến các chuyên gia, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế để hoàn thiện dự án Luật. Rà soát, nghiên cứu để quy định tăng mức xử phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường, phòng cháy chữa cháy... bảo đảm phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.
- Về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính: Cơ bản thống nhất với Phương án 1, tuy nhiên cần nghiên cứu để bảo đảm phù hợp với chủ trương của Đảng tiếp tục duy trì hoạt động của thanh tra đối với một số cơ quan (Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Cơ yếu, Cục an toàn bức xạ và hạt nhân, Cục hàng hải Việt Nam, Cục Hàng không Việt Nam và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước)[1].
Tiếp tục rà soát các chức danh có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính để bảo đảm năng lực, khả năng tổ chức hoạt động xử phạt, xử lý vi phạm hành chính một cách hiệu quả, không gây oan sai, không cản trở hay gây thiệt hại tới quyền, lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp;
- Về việc xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ: Thống nhất với dự thảo Luật quy định theo hướng dự kiến bổ sung quy định cho phép xử lý kịp thời tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ khi hết thời hạn tạm giữ mà đối tượng vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp không đến nhận và không xác định được người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp của tang vật, phương tiện nhằm tránh gây hư hỏng, lãng phí tài sản; bảo đảm quyền, lợi ích của các bên liên quan, tránh gây lãng phí xã hội.
2. Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm về nội dung tiếp thu, hoàn thiện dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; chủ động báo cáo, giải trình trong quá trình thẩm tra, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật. Trên cơ sở tiếp thu, hoàn hiện dự án Luật, giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật, trình Quốc hội chậm nhất là ngày 15 tháng 4 năm 2025.
3. Phân công Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long chỉ đạo việc chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật.
IV. Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam
1. Chính phủ cơ bản thống nhất nội dung dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam do Bộ Tư pháp trình tại Tờ trình số 47/TTr-BTP ngày 10 tháng 4 năm 2025. Giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến Thành viên Chính phủ và ý kiến tại Phiên họp Chính phủ, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ dự án Luật, bảo đảm một số yêu cầu sau:
- Sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến việc trở lại quốc tịch Việt Nam của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, bảo đảm phù hợp với chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài đồng thời thu hút nhân tài, chuyên gia, nhà khoa học, nhà đầu tư, doanh nhân, những người Việt Nam ở nước ngoài có tấm lòng hướng về quê hương, đất nước; tiếp tục nghiên cứu kế thừa, hoàn thiện nguyên tắc một quốc tịch phù hợp với tình hình, điều kiện mới trong nước và quốc tế, bảo đảm quyền chủ quyền tuyệt đối của Nhà nước Việt Nam đối với quốc tịch Việt Nam;
- Dự thảo Luật chỉ quy định nội dung thuộc thẩm quyền của Quốc hội, giao Chính phủ quy định về những nội dung cụ thể, chi tiết, chuyên ngành. Tiếp tục phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan và tham khảo ý kiến các chuyên gia, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế để hoàn thiện dự án Luật;
- Tiếp tục rà soát để quy định thống nhất, đồng bộ với các quy định của Luật liên quan; quy định về một số điều kiện, tiêu chí cơ bản, mang tính nguyên tắc đối với trường hợp nhập quốc tịch Việt Nam, trở lại quốc tịch Việt Nam bảo đảm đơn giản hơn, thiết thực, phù hợp thực tiễn trong nước và quốc tế; bảo đảm chính sách về quốc tịch không bị lợi dụng, gây phương hại đến lợi ích quốc gia, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân;
- Thống nhất quy định nguyên tắc về việc quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền Việt Nam về một số vấn đề liên quan đến quốc tịch Việt Nam không bị khiếu nại, khiếu kiện;
- Thống nhất bổ sung quy định về điều kiện quốc tịch (khoản 5 Điều 5 dự thảo Luật) và bổ sung quy định về thẩm quyền của Chính phủ xác định quốc tịch Việt Nam cho trẻ em đã đăng ký khai sinh tại cơ quan có thẩm quyền nước ngoài (khoản 2 Điều 16 dự thảo Luật);
- Tiếp tục rà soát, cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính không cần thiết, bảo đảm công khai, minh bạch, rút ngắn thời gian giải quyết của cơ quan có thẩm quyền, chú trọng đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số để áp dụng hiệu quả trong quá trình giải quyết hồ sơ xin trở lại quốc tịch Việt Nam.
2. Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm về nội dung tiếp thu, hoàn thiện dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam; chủ động báo cáo, giải trình trong quá trình thẩm tra, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật. Trên cơ sở tiếp thu, hoàn hiện dự án Luật, giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật, trình Quốc hội chậm nhất là ngày 15 tháng 4 năm 2025.
3. Phân công Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long chỉ đạo việc chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật.
V. Dự án Nghị quyết của Quốc hội về việc xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam
1. Cơ bản thống nhất với nội dung dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam theo đề nghị của Bộ Tài chính tại Tờ trình số 136/TTr-BTC ngày 11 tháng 4 năm 2025. Bộ Tài chính chịu trách nhiệm về nội dung báo cáo, đề xuất, kiến nghị và dự thảo Nghị quyết.
2. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng nghiên cứu, tiếp thu ý kiến Thành viên Chính phủ để khẩn trương hoàn thiện hồ sơ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội bảo đảm khả thi, hiệu quả. Trên cơ sở đó, giao Bộ trưởng Bộ Tài chính thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định; có trách nhiệm báo cáo, giải trình với Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội theo quy định.
3. Bộ Tài chính khẩn trương rà soát, hoàn thiện hồ sơ trình Bộ Chính trị theo đúng ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 159/TB-VPCP ngày 06 tháng 4 năm 2025, báo cáo Ban Thường vụ Đảng ủy Chính phủ trước ngày 14 tháng 4 năm 2025. Trên cơ sở ý kiến của Bộ Chính trị, ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với hồ sơ dự thảo Nghị quyết, Bộ Tài chính tiếp tục hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội, bảo đảm chất lượng, tiến độ báo cáo các cấp có thẩm quyền theo quy định.
4. Phân công Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình chỉ đạo việc chỉnh lý, hoàn thiện dự án Nghị quyết.
VI. Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội
1. Chính phủ cơ bản thống nhất nội dung dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội do Bộ Xây dựng trình tại Tờ trình số 25/TTr-BXD ngày 08 tháng 4 năm 2025. Giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến Thành viên Chính phủ và ý kiến tại Phiên họp Chính phủ, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ dự thảo Nghị quyết, bảo đảm bám sát, thể chế đầy đủ các chính sách đã được Bộ Chính trị đồng ý chủ trương ban hành Nghị quyết thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội tại Văn bản số 13848-CV/VPTWĐ ngày 18 tháng 3 năm 2025 trên cơ sở đề xuất của Đảng ủy Chính phủ tại Văn bản số 121-CV/ĐU ngày 06 tháng 3 năm 2025 và Văn bản số 138-CV/ĐU ngày 12 tháng 3 năm 2025 về việc cho chủ trương để ban hành Nghị quyết thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội.
2. Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm về nội dung tiếp thu, hoàn thiện hồ sơ, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội; chủ động báo cáo, giải trình trong quá trình thẩm tra, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về hồ sơ, dự thảo Nghị quyết. Giao Bộ trưởng Bộ Xây dựng thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình của Chính phủ về dự thảo Nghị quyết về thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội, trình Quốc hội trước ngày 15 tháng 4 năm 2025 để Quốc hội xem xét, cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội XV.
3. Phân công Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chỉ đạo việc chỉnh lý, hoàn thiện dự án Nghị quyết.
VII. Thực hiện quy định số 178-QĐ/TW ngày 27 tháng 6 năm 2024 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025, các cơ quan chủ trì soạn thảo dự án luật, nghị quyết phải rà soát những nội dung quan trọng, còn ý kiến khác nhau, vượt thẩm quyền để báo cáo Ban Thường vụ Đảng ủy Chính phủ trao đổi, thống nhất với Ban Thường vụ Đảng ủy Quốc hội. Trường hợp không thống nhất, báo cáo Bộ Chính trị xem xét, quyết định.
Nơi nhận: | TM. CHÍNH PHỦ |
[1] Kết luận số 134-KL/TW ngày 28 tháng 3 năm 2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về Đề án sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra tinh, gọn, mạnh, hiệu lực, hiệu lực, hiệu quả.
- 1Nghị quyết 148/NQ-CP phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 9 năm 2024 do Chính phủ ban hành
- 2Nghị quyết 41/NQ-CP phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 02 năm 2025 do Chính phủ ban hành
- 3Nghị quyết 69/NQ-CP phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 3 năm 2025 do Chính phủ ban hành
Nghị quyết 88/NQ-CP Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 4 năm 2025 do Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 88/NQ-CP
- Loại văn bản: Nghị quyết
- Ngày ban hành: 15/04/2025
- Nơi ban hành: Chính phủ
- Người ký: Lê Thành Long
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 15/04/2025
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra