Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK LẮK
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 99/KH-UBND

Đắk Lắk, ngày 26 tháng 4 năm 2025

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÒNG, CHỐNG MA TÚY ĐẾN NĂM 2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẮK LẮK

Thực hiện Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 13/3/2025 của Chính phủ về “Ban hành Kế hoạch triển khai Nghị quyết số 163/2024/QH15 ngày 27 tháng 11 năm 2024 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030” (sau đây gọi tắt là Nghị quyết số 50/NQ-CP của Chính phủ và Nghị quyết số 163/2024/QH15 của Quốc hội), Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp của Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030 (sau đây gọi tắt là Chương trình) theo Nghị quyết số 163/2024/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết số 50/NQ-CP của Chính phủ.

2. Xác định cụ thể nội dung công tác, thời hạn, tiến độ hoàn thành, phân công trách nhiệm cụ thể, phát huy vai trò chủ động, tích cực của các ngành, các cấp trong phối hợp triển khai thực hiện Chương trình, nhất là các cơ quan được giao chủ trì thực thực hiện Chương trình và các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình ở địa phương, ngành, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức, trách nhiệm trong phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, tệ nạn ma túy.

3. Việc thực hiện Chương trình phải bảo đảm nghiêm túc, hiệu quả, gắn với thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị, Chương trình, Kế hoạch của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội; xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

II. NỘI DUNG TRỌNG TÂM

1. Tổ chức quán triệt, tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, đảng viên, người lao động tất cả các cấp, các ngành và quần chúng Nhân dân về Nghị quyết số 163/2024/QH15 của Quốc hội, quá trình tổ chức triển khai thực hiện Chương trình và công tác phòng, chống ma túy của các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh.

2. Tham mưu triển khai các nội dung, nhiệm vụ đã được Quốc hội, Chính phủ đề ra tại Nghị quyết số 163/2024/QH15 và Nghị quyết số 50/NQ-CP bảo đảm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được phân công và tình hình thực tế tại địa phương; cân đối, bố trí, phân bổ ngân sách địa phương để thực hiện Chương trình theo đúng quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước và quy định pháp luật hiện hành có liên quan.

3. Rà soát, phối hợp tham mưu xây dựng, đề xuất sửa đổi, bổ sung, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý, điều hành, hướng dẫn thực hiện các mục tiêu thuộc Chương trình theo chức năng, nhiệm vụ của địa phương.

4. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Chương trình của các ngành, các cấp, bảo đảm hoàn thành các mục tiêu, tiến độ đã đề ra.

III. PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM

1. Công an tỉnh

- Chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành liên quan rà soát, tham mưu sửa đổi, bổ sung, ban hành các văn bản liên quan phục vụ công tác quản lý, điều hành, thực hiện và kiểm tra, giám sát thực hiện Chương trình ở địa phương. Giúp Ủy ban nhân dân tỉnh chủ trì điều phối, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, đánh giá kết quả triển khai, thực hiện Chương trình của các cơ quan, đơn vị, địa phương theo kế hoạch.

- Thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp và phối hợp với các sở, ban, ngành xây dựng các kế hoạch thực hiện các dự án, tiểu dự án (sau khi được phê duyệt, triển khai) thuộc Chương trình trên địa bàn tỉnh.

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ cai nghiện ma túy, quản lý sau cai nghiện ma túy. Nghiên cứu, đề xuất các chính sách cai nghiện đặc thù đối với cán bộ làm công tác cai nghiện và học viên tại các cơ sở cai nghiện.

- Triển khai đồng bộ các giải pháp giữ vững, mở rộng số xã, phường, thị trấn không có ma túy, phấn đấu xây dựng được 20% xã, phường, thị trấn không có ma túy ngay trong năm 2025 và xây dựng lộ trình thực hiện hằng năm đảm bảo đến năm 2030, ít nhất 50% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh không có ma túy.

- Tổng hợp tình hình, kết quả triển khai thực hiện, định kỳ báo cáo sơ kết, tổng kết đánh giá việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ thuộc Chương trình; tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh và Chính phủ; đề xuất điều chỉnh các nội dung của Chương trình phù hợp với tình hình thực tế.

2. Sở Y tế

- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo, triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình điều trị thay thế bằng thuốc Methadone/Buprenorphine trên địa bàn tỉnh.

- Tổ chức đào tạo, cấp chứng chỉ cho cán bộ y tế đủ tiêu chuẩn, trình độ, thẩm quyền xác định tình trạng nghiện, điều trị cắt cơn, giải độc, trị liệu, hồi phục cho người cai nghiện ma túy. Chủ trì, phối hợp thực hiện xác định tình trạng nghiện đối với người nghiện, phân loại người nghiện và người sử dụng trái phép chất ma túy.

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng thuốc thuộc danh mục các loại thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần và tiền chất dùng làm thuốc và công tác điều trị nghiện ma túy.

3. Sở Tài chính

Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan nghiên cứu, cân đối, phân bổ hợp lý kinh phí từ nguồn ngân sách, nhất là đối với công tác cai nghiện ma túy. Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí và phân bổ các nguồn vốn để thực hiện Kế hoạch đảm bảo theo quy định; lồng ghép nguồn vốn từ các Chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình, dự án khác có cùng nội dung, nhiệm vụ, đối tượng và phạm vi, địa bàn để thực hiện; không để xảy ra tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản.

4. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan chỉ đạo, định hướng các cơ quan thông tin, truyền thông, báo chí, hệ thống thông tin cơ sở đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông và giáo dục phòng, chống ma túy theo nội dung trọng tâm của kế hoạch.

- Tổ chức lồng ghép công tác tuyên truyền phòng, chống ma túy trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao và với các chương trình phát triển kinh tế, xã hội khác trên địa bàn tỉnh.

5. Sở Giáo dục và Đào tạo

Chỉ đạo thống nhất và đồng bộ công tác phòng, chống ma túy trong chương trình giáo dục; bảo đảm chương trình giáo dục phòng, chống ma túy phù hợp trong tất cả các cấp học, bậc học. Phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình phối hợp số 03/CTrPH-BCA-BGDĐT ngày 22/01/2024 giữa Bộ Công an - Bộ Giáo dục và Đào tạo “về tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật phòng, chống ma túy trong các cơ sở giáo dục giai đoạn 2024 - 2030”.

6. Sở Nông nghiệp và Môi trường

- Phối hợp với lực lượng Công an và các ban, ngành liên quan kiểm tra, phát hiện, tổ chức triệt phá 100% diện tích cây trồng có chứa chất ma túy; tăng cường phối hợp, lồng ghép công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy, vận động người dân không trồng cây có chứa chất ma túy.

- Triển khai các chương trình, mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi thay thế cây có chứa chất ma túy tại các địa bàn có nguy cơ trồng và tái trồng cao; lồng ghép với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội và dự án khuyến nông, khuyến lâm để thực hiện.

7. Sở Công Thương

Chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành, địa phương và các đơn vị liên quan tổ chức quản lý chặt chẽ việc sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu và sử dụng tiền chất trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại; quản lý đến sản phẩm cuối cùng nhằm phòng tránh thất thoát vào sản xuất trái phép chất ma túy, nhất là các loại ma túy tổng hợp trên địa bàn tỉnh.

8. Các sở, ban, ngành khác

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, địa bàn, lĩnh vực được phân công phụ trách chủ động xây dựng kế hoạch để triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình, bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng, hiệu quả.

9. Đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh

Phối hợp đẩy mạnh công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án về ma túy; áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đưa người vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; hỗ trợ tư vấn pháp lý và xã hội, chuyển gửi đối với người tham gia cai nghiện ma túy; xử lý nghiêm minh, đủ sức răn đe để người nghiện, người sử dụng ma túy phạm tội, vi phạm pháp luật và phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan thực hiện các nhiệm vụ khác thuộc Chương trình.

10. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên theo chức năng, nhiệm vụ giám sát việc tổ chức thực hiện Chương trình; tăng cường tuyên truyền, vận động hội viên và quần chúng Nhân dân nâng cao nhận thức về phòng, chống ma túy của toàn xã hội, từ cơ sở, từng địa bàn, từng gia đình, từng người dân, nhất là thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên, người lao động; giữ vững, nhân rộng các mô hình xây dựng xã, phường, thị trấn không có ma túy; phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện hiệu quả các nội dung của Chương trình.

11 . Đề nghị Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh chỉ đạo Đoàn thanh niên các cấp phát huy vai trò xung kích, phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an, ngành giáo dục và các sở, ban, ngành có liên quan triển khai các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống ma túy trong thanh thiếu niên trên địa bàn tỉnh; phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch số 62/KH-UBND ngày 02/4/2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh về “Thực hiện Chương trình phòng, chống ma túy trong thanh thiếu niên đến năm 2030”.

12. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố

- Theo chức năng, nhiệm vụ và tình hình thực tế chỉ đạo, triển khai các nội dung của Kế hoạch trên phạm vi địa bàn được phân công quản lý. Triển khai các giải pháp tổng thể nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia công tác phòng, chống ma túy; làm tốt và nâng cao nhận thức về phòng, chống ma túy từ cơ sở, từng địa bàn, từng gia đình, từng người dân để mọi người dân lên án, không chấp nhận ma túy, không chứa chấp ma túy, phối hợp cơ quan chức năng quản lý chặt không để người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy phạm tội và vi phạm pháp luật.

- Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm các nhiệm vụ, giải pháp thuộc Chương trình, lồng ghép với thực hiện các chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của từng địa phương; cân đối ngân sách trình Hội đồng nhân dân cùng cấp đề nghị bố trí, hỗ trợ kinh phí thực hiện Chương trình theo quy định; tổ chức huy động các nguồn lực hợp pháp khác để thực hiện Chương trình.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Ủy ban nhân dân tỉnh trực tiếp quản lý, điều hành, chỉ đạo các cơ quan thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện Chương trình; định kỳ hàng năm và 02 năm một lần báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp cuối năm và Chính phủ về kết quả thực hiện Chương trình; năm 2030, tổng kết việc thực hiện Chương trình, đồng thời nghiên cứu, đề xuất Chương trình cho giai đoạn tiếp theo.

2. Căn cứ nội dung Kế hoạch này và tình hình thực tế tại đơn vị, địa phương, các sở, ban, ngành, đoàn thể, Ủy ban nhân dân các cấp xây dựng kế hoạch để triển khai thực hiện.

3. Kinh phí thực hiện: Kinh phí thực hiện Chương trình do ngân sách nhà nước bảo đảm theo khả năng cân đối, được bố trí trong trong dự toán chi ngân sách hằng năm của các sở, ngành, địa phương theo phân cấp và các nguồn hợp pháp khác.

4. Giao Công an tỉnh chủ trì, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, giám sát, đánh giá việc triển khai thực hiện kế hoạch này; tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh, Chính phủ theo quy định./.

 


Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ; (để báo cáo)
- Ban Chỉ đạo 138/CP; (để báo cáo)
- Bộ Công an; (để báo cáo)
- TT Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh; (để báo cáo)
- CT, Phó CT UBND tỉnh (đ/c Trương Công Thái);
- Ủy ban MTTQVN tỉnh; (để phối hợp t/h)
- Viện kiểm sát nhân dân tỉnh; (để phối hợp t/h)
- Tòa án nhân dân tỉnh; (để phối hợp t/h)
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể; (để thực hiện)
- UBND huyện, thị xã, thành phố; (để thực hiện)
- Phó CVP UBND tỉnh (đ/c Hoàng Trọng Hùng);
- Các Phòng: KTTH, HCQT (QC45a,d);
- TTCN&CTTĐT tỉnh;
- Lưu: VT, NC (w.10b).

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trương Công Thái

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 99/KH-UBND năm 2025 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk

  • Số hiệu: 99/KH-UBND
  • Loại văn bản: Kế hoạch
  • Ngày ban hành: 26/04/2025
  • Nơi ban hành: Tỉnh Đắk Lắk
  • Người ký: Trương Công Thái
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 26/04/2025
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản