Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 94/KH-UBND | Hà Nội, ngày 10 tháng 4 năm 2025 |
KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI THỰC HIỆN KẾ HOẠCH SỐ 299-KH/TU NGÀY 20/02/2025 CỦA THÀNH ỦY HÀ NỘI VỀ VIỆC THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 39-CT/TW NGÀY 30/10/2024 CỦA BAN BÍ THƯ “VỀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ CỦA TÍN DỤNG CHÍNH SÁCH XÃ HỘI TRONG GIAI ĐOẠN MỚI”
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 1069/TTg-KTTH ngày 17/12/2024 về việc triển khai Chỉ thị số 39-CT/TW của Ban Bí thư về nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội; Kế hoạch số 299-KH/TU ngày 20/02/2025 của Thành ủy Hà Nội về thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 30/10/2024 của Ban Bí thư “Về nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội trong giai đoạn mới” (sau đây gọi tắt là Kế hoạch số 299-KH/TU).
Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện với các nội dung cụ thể như sau:
I. Mục đích, yêu cầu
1. Cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp nhằm tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả, đồng bộ, toàn diện, nhất quán các mục tiêu, yêu cầu, giải pháp đặt ra theo Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 30/10/2024 của Ban Bí thư “về nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội trong giai đoạn mới” (sau đây gọi tắt là Chỉ thị số 39-CT/TW) và Kế hoạch số 299-KH/TU của Thành ủy Hà Nội.
2. Tiếp tục nâng cao nhận thức của chính quyền địa phương các cấp, các ngành và Nhân dân về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của tín dụng chính sách xã hội đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong giai đoạn mới. Xác định rõ vai trò, trách nhiệm của các ngành, chính quyền địa phương các cấp trong chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn.
3. Đảm bảo sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội và nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) trên địa bàn.
II. Nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm
1. Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và Nhân dân về tín dụng chính sách xã hội
1.1. Tổ chức nghiên cứu, phổ biến, tuyên truyền, quán triệt sâu rộng nội dung Chỉ thị số 39-CT/TW và Kế hoạch số 299-KH/TU đến toàn thể cán bộ, đảng viên, đặc biệt là những cán bộ trực tiếp thực hiện nhiệm vụ có liên quan đến tín dụng chính sách xã hội để nắm được tinh thần, nội dung chỉ đạo về nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội trong giai đoạn mới. Nâng cao nhận thức của chính quyền các cấp, các cơ quan, đơn vị, của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về vị trí, vai trò của tín dụng chính sách xã hội là giải pháp sáng tạo, có tính nhân văn sâu sắc, góp phần quan trọng bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, các chính sách an sinh xã hội, phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố và từng địa phương; thể hiện quan điểm của Đảng về phát triển bền vững, sáng tạo, bao trùm, phát triển kinh tế gắn với phát triển xã hội, tăng trưởng kinh tế đi đối với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, lấy con người làm trung tâm, không để ai bị bỏ lại phía sau; là công cụ kinh tế thực hiện vai trò điều tiết của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; là động lực, nguồn lực để những người thụ hưởng chính sách xã hội tích cực, chủ động tham gia phát triển sản xuất kinh doanh, cải thiện cuộc sống. Xác định tín dụng chính sách xã hội là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên trong xây dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương hàng năm, giai đoạn 05 năm và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố trong từng giai đoạn cụ thể.
- Đơn vị thực hiện: Các Sở, ngành, cơ quan liên quan của Thành phố; UBND các cấp; các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác các cấp triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội.
- Thời gian thực hiện: Thường xuyên.
1.2. Tăng cường công tác tuyên truyền về chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước trên các phương tiện thông tin đại chúng; xây dựng kế hoạch tuyên truyền có trọng tâm, trọng điểm; triển khai các chuyên mục, chuyên đề tuyên truyền thường xuyên, sâu rộng, thiết thực, hiệu quả về tín dụng chính sách xã hội; triển khai tuyên truyền về tín dụng chính sách xã hội trên ứng dụng IHaNoi và các kênh truyền thông của Thành phố; duy trì và nâng cao chất lượng các chuyên mục hướng dẫn công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, kỹ thuật sản xuất...cho các đối tượng thụ hưởng tín dụng chính sách; phổ biến các mô hình vay vốn làm ăn hiệu quả, các mô hình sản xuất kinh doanh điển hình, giúp nhau vươn lên thoát nghèo và làm giàu, góp phần quan trọng trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân trên địa bàn.
- Đơn vị thực hiện: Sở Khoa học và Công nghệ, Báo Hà Nội Mới, Báo Kinh tế và Đô thị, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, Trung tâm Truyền thông, Dữ liệu và Công nghệ số và các cơ quan truyền thông, báo chí trên địa bàn Thành phố; Trung tâm phục vụ Hành chính công Thành phố.
- Đơn vị phối hợp: Chi nhánh NHCSXH thành phố Hà Nội và các đơn vị liên quan.
- Thời gian thực hiện: Thường xuyên.
2. Tập trung nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội
2.1. Đảm bảo nguồn vốn ủy thác qua Chi nhánh NHCSXH Thành phố thực hiện tín dụng chính sách xã hội được bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm của Thành phố, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vay của các đối tượng thụ hưởng trên địa bàn, nhất là các đối tượng đặc thù được quy định tại Nghị quyết của HĐND Thành phố; các đối tượng yếu thế của xã hội; người lao động chưa có việc làm/bị mất việc làm, đặc biệt là người lao động bị mất việc làm sau khi thực hiện chia tách sáp nhập địa giới hành chính, tinh gọn bộ máy quản lý trên địa bàn; đối tượng thụ hưởng chương trình tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù, học sinh sinh viên, nước sạch và vệ sinh môi trường, nhà ở xã hội... Chủ động tham mưu giải pháp về tín dụng chính sách xã hội gắn với bố trí ngân sách Thành phố để triển khai thực hiện trong các Chương trình, Kế hoạch của Thành phố về phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội hàng năm và giai đoạn 5 năm phù hợp với bối cảnh thực tế của từng giai đoạn.
Trong giai đoạn 2025-2030, tập trung bố trí vốn từ ngân sách Thành phố ủy thác qua Chi nhánh NHCSXH Thành phố khoảng 6.000 tỷ đồng để cho vay đáp ứng nhu cầu của các đối tượng thụ hưởng trên địa bàn theo kết quả rà soát và báo cáo của các Sở, ngành liên quan, trong đó, nguồn vốn đã rà soát để cho vay giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân Thủ đô khoảng 5.000 tỷ đồng, nguồn vốn dự kiến bổ sung để cho vay các đối tượng thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2024/NĐ-CP ngày 26/7/2024 của Chính phủ, góp phần thực hiện có hiệu quả Luật Thủ đô và Chương trình phát triển nhà ở thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2030 khoảng 1.000 tỷ đồng.
- Đơn vị thực hiện:
+ Sở Tài chính chủ trì tham mưu thực hiện nội dung liên quan đến bố trí ngân sách Thành phố chuyển bổ sung vốn ủy thác qua Chi nhánh NHCSXH Thành phố hàng năm và giai đoạn 5 năm.
+ Sở Nội vụ chủ trì tham mưu thực hiện các nội dung liên quan đến công tác rà soát nhu cầu vay của các đối tượng thụ hưởng trên địa bàn làm cơ sở bố trí nguồn vốn ủy thác qua Chi nhánh NHCSXH Thành phố.
+ Sở Nông nghiệp và Môi trường, Công an Thành phố, Sở Xây dựng, Chi nhánh NHCSXH Thành phố và các Sở, ngành, cơ quan liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao tham mưu các nội dung liên quan đến cơ chế chính sách, xây dựng giải pháp về tín dụng chính sách xã hội đối với các đối tượng thụ hưởng trong các Chương trình, Kế hoạch của Thành phố về phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội hàng năm và giai đoạn 5 năm.
- Thời gian thực hiện: Thường xuyên, theo yêu cầu thực tế.
2.2. Rà soát, tham mưu đề xuất tập trung các nguồn vốn có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước, nguồn vốn có tính chất từ thiện, nguồn tiền tạm thời chưa sử dụng từ các quỹ của các tổ chức, các Hội đặc thù và sở, ngành các cấp, các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế gửi vào NHCSXH nhằm tạo nguồn lực để thực hiện tín dụng chính sách xã hội.
- Đơn vị thực hiện: Các Sở, ngành, cơ quan liên quan của Thành phố; UBND các cấp; các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác các cấp triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội; Chi nhánh NHCSXH thành phố Hà Nội.
- Thời gian thực hiện: Thường xuyên.
3. Nâng cao hiệu quả triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn
3.1. Phối hợp chặt chẽ với NHCSXH trong quản lý nguồn vốn và triển khai các chương trình tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn, đảm bảo vốn tín dụng chính sách được triển khai đến đúng đối tượng thụ hưởng, sử dụng đúng mục đích, phát huy hiệu quả, ý nghĩa kinh tế - xã hội. Làm tốt công tác rà soát nhu cầu, xác nhận đối tượng thụ hưởng trên địa bàn, đảm bảo không gây phiền hà, không làm phát sinh thêm thủ tục hành chính ngoài quy định, tạo điều kiện thuận lợi để các đối tượng thụ hưởng có nhu cầu và đủ điều kiện được tiếp cận kịp thời với nguồn vốn tín dụng chính sách.
- Đơn vị thực hiện: Các Sở, ngành, cơ quan liên quan của Thành phố; UBND các cấp; các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội các cấp.
- Thời gian thực hiện: Thường xuyên.
3.2. Làm tốt công tác bình xét vay vốn tại các Tổ Tiết kiệm và vay vốn, đảm bảo mức cho vay phù hợp với nhu cầu và thực tế sử dụng vốn của người vay, không để xảy ra tình trạng e dè, sợ trách nhiệm không triển khai cho vay hoặc chia nhỏ vốn vay làm giảm hiệu quả sử dụng vốn. Tập trung quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, người chấp hành xong án phạt tù, các đối tượng bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh, các đối tượng bị mất việc làm/chưa có việc làm, học sinh sinh viên vay vốn phục vụ học tập, các đối tượng thụ hưởng chính sách về nhà ở xã hội, nước sạch vệ sinh môi trường và các trường hợp khẩn cấp khác (nếu có) được vay vốn tín dụng chính sách để phục vụ nhu cầu về việc làm, đời sống và học tập.
- Đơn vị thực hiện: UBND các cấp; các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội các cấp.
- Thời gian thực hiện: Thường xuyên.
3.3. Chủ động đề xuất các giải pháp và tổ chức triển khai thực hiện kịp thời, có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, chỉ đạo của Thành ủy, UBND Thành phố về tín dụng chính sách xã hội gắn với thực hiện nghiêm túc công tác kiểm tra, giám sát, tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm, kịp thời biểu dương, khen thưởng, nhân rộng những gương điển hình tiên tiến, những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong tổ chức triển khai thực hiện.
- Đơn vị thực hiện: Công an Thành phố, Các Sở, ngành, cơ quan liên quan của Thành phố; UBND các cấp; Chi nhánh NHCSXH Thành phố; các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội các cấp.
- Thời gian thực hiện: Thường xuyên.
3.4. Thường xuyên rà soát, đánh giá hiệu quả triển khai các chương trình tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn. Quan tâm lồng ghép việc triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội với thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, dự án phát triển kinh tế xã hội, an sinh xã hội, đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, tiêu thụ sản phẩm...tại địa phương; tăng cường chính sách hỗ trợ tín dụng đối với hoạt động sản xuất kinh doanh theo chuỗi, liên kết hợp tác, phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp sạch... nhằm thay đổi phương thức sản xuất kinh doanh, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn tín dụng chính sách góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương trong giai đoạn mới, phù hợp với bối cảnh mới.
- Đơn vị thực hiện: Các Sở, ngành, cơ quan liên quan của Thành phố; UBND các cấp; các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội các cấp.
- Thời gian thực hiện: Thường xuyên.
3.5. Tập trung rà soát, đôn đốc thu hồi nợ quá hạn tồn đọng trên địa bàn; triển khai đồng bộ các giải pháp ngăn ngừa nợ quá hạn phát sinh, kịp thời xử lý các trường hợp có nguy cơ dẫn đến mất an toàn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn (nếu có), nhất là các trường hợp người vay vốn đi khỏi nơi cư trú.
- Đơn vị thực hiện: UBND các cấp; các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác các cấp triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội; Chi nhánh NHCSXH thành phố Hà Nội.
- Đơn vị phối hợp: Cơ quan Bảo hiểm xã hội và cơ quan Công an các cấp (cung cấp các thông tin liên quan đối với các trường hợp người vay đi khỏi nơi cư trú theo đề nghị của NHCSXH và phối hợp tham gia xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật nếu có).
- Thời gian thực hiện: Thường xuyên.
3.6. Phối hợp chặt chẽ, tạo điều kiện thuận lợi để Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội Thành phố các cấp tham gia thực hiện tốt chức năng giám sát, phản biện xã hội đối với hoạt động tín dụng chính sách. Phối hợp tổ chức triển khai vận động ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” để huy động nguồn lực hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo.
- Đơn vị thực hiện: các Sở, ngành, cơ quan liên quan của Thành phố; UBND các cấp; các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác các cấp triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội; Chi nhánh NHCSXH thành phố Hà Nội.
- Thời gian thực hiện: Thường xuyên.
4. Tiếp tục rà soát, đề xuất bổ sung, hoàn thiện Cơ chế, chính sách tín dụng nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của các đối tượng thụ hưởng trên địa bàn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố và từng địa phương trong bối cảnh mới
4.1. Tham mưu UBND Thành phố báo cáo các Bộ, ngành, cơ quan liên quan rà soát, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách tín dụng theo hướng bao trùm, bền vững, đặt trong tổng thể thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2026-2030; Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Chiến lược phát triển NHCSXH đến năm 2030 và các Chương trình mục tiêu quốc gia trong từng giai đoạn cụ thể.
- Đơn vị thực hiện: Các Sở, ngành, cơ quan liên quan của Thành phố; UBND các cấp; Chi nhánh NHCSXH thành phố Hà Nội.
- Thời gian thực hiện: Thường xuyên.
4.2. Rà soát, tham mưu HĐND, UBND Thành phố tiếp tục bổ sung các cơ chế chính sách tín dụng đối với nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH theo hướng mở rộng đối tượng thụ hưởng, ưu đãi hơn về lãi suất cho vay, điều kiện, thủ tục vay vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng thụ hưởng được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội trên cơ sở bám sát Luật Thủ đô, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố.
- Đơn vị chủ trì thực hiện: Sở Tài chính (nội dung liên quan đến lãi suất cho vay); Sở Nội vụ (các nội dung còn lại liên quan đến quy định về tín dụng chính sách xã hội).
- Đơn vị phối hợp: Các Sở, ngành, cơ quan liên quan của Thành phố; UBND các cấp; Chi nhánh NHCSXH thành phố Hà Nội.
- Thời gian thực hiện: Thường xuyên.
4.3. Rà soát, tham mưu UBND Thành phố chỉnh sửa, bổ sung Quyết định số 60/2024/QĐ-UBND ngày 24/9/2024 của UBND Thành phố về Quy chế quản lý và sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn thành phố Hà Nội và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan (nếu có) đảm bảo thông suốt trong triển khai thực hiện và phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của các Sở, ngành, cơ quan liên quan sau khi thực hiện sắp xếp, tổ chức lại bộ máy quản lý tại các Sở, ngành và chính quyền địa phương các cấp theo chỉ đạo của Trung ương.
- Đơn vị chủ trì thực hiện: Sở Nội vụ thành phố Hà Nội.
- Đơn vị phối hợp: Các Sở, ngành, cơ quan liên quan của Thành phố; UBND các cấp; các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác các cấp triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội; Chi nhánh NHCSXH thành phố Hà Nội.
- Thời gian thực hiện: Quý II/2025.
5. Triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của NHCSXH trên địa bàn
5.1. Triển khai thực hiện có hiệu quả mô hình tổ chức và phương thức quản lý tín dụng chính sách xã hội gắn với thường xuyên rà soát, củng cố, kiện toàn đảm bảo phù hợp với bối cảnh, tình hình mới.
- Đơn vị chủ trì thực hiện: Chi nhánh NHCSXH thành phố Hà Nội.
- Đơn vị phối hợp: Các Sở, ngành, cơ quan liên quan của Thành phố; UBND các cấp; các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác các cấp triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội.
- Thời gian thực hiện: Thường xuyên.
5.2. Nâng cao chất lượng hoạt động của các Điểm giao dịch tại cấp xã, đảm bảo an toàn, thuận tiện, tạo điều kiện cho nhân dân và các đối tượng thụ hưởng tiếp cận kịp thời với các thông tin tín dụng chính sách và giao dịch với NHCSXH.
- Đơn vị thực hiện: Chi nhánh NHCSXH thành phố Hà Nội
- Đơn vị phối hợp: UBND và các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác cấp xã.
- Thời gian thực hiện: Thường xuyên.
5.3. Quan tâm triển khai các tiện ích, các ứng dụng quản lý tín dụng chính sách, phần mềm hỗ trợ để nâng cao hơn nữa hiệu quả trong quản lý và triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn gắn với đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, số hóa quy trình quản lý và tổ chức thực hiện tín dụng chính sách, đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân liên quan trong giao dịch với NHCSXH.
- Đơn vị chủ trì thực hiện: Chi nhánh NHCSXH thành phố Hà Nội.
- Đơn vị phối hợp: Các Sở, ngành, cơ quan liên quan của Thành phố; tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác các cấp triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội.
- Thời gian thực hiện: Thường xuyên.
5.4. Kịp thời phối hợp, cung cấp các thông tin liên quan cho NHCSXH phục vụ công tác rà soát nhu cầu, kiểm tra, rà soát, xác định thông tin về đối tượng vay vốn, quản lý nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội..., đảm bảo triển khai các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn an toàn và phát huy hiệu quả.
- Đơn vị thực hiện: Cơ quan Bảo hiểm xã hội và cơ quan Công an các cấp; các Sở, ngành, cơ quan liên quan của Thành phố; tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác các cấp (cung cấp thông tin trên cơ sở văn bản đề nghị của NHCSXH và theo quy định hiện hành của đơn vị).
- Thời gian thực hiện: Thường xuyên, theo yêu cầu thực tế.
5.5. Kịp thời kiện toàn thành viên Ban đại diện HĐQT NHCSXH Thành phố khi có thay đổi về nhân sự. Phát huy vai trò, trách nhiệm của Ban đại diện HĐQT NHCSXH Thành phố và Chủ tịch UBND cấp xã trong chỉ đạo triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội. Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các Sở, ngành, cơ quan và tổ chức có liên quan đối với NHCSXH trong triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội đảm bảo thông suốt, kịp thời và chất lượng.
- Đơn vị chủ trì tham mưu thực hiện: Chi nhánh NHCSXH thành phố Hà Nội.
- Đơn vị phối hợp: Thành viên Ban đại diện HĐQT NHCSXH Thành phố; Chủ tịch UBND cấp xã; các Sở, ngành, cơ quan liên quan của Thành phố.
- Thời gian thực hiện: Thường xuyên, theo yêu cầu thực tế.
5.6. Quan tâm hỗ trợ cơ sở vật chất và tạo điều kiện thuận lợi cho NHCSXH triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao để phục vụ tốt người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn Thành phố.
- Đơn vị thực hiện: Các Sở, ngành, cơ quan liên quan của Thành phố; UBND các cấp.
- Đơn vị phối hợp: Chi nhánh NHCSXH thành phố Hà Nội.
- Thời gian thực hiện: Hàng năm.
III. Tổ chức thực hiện
1. Các Sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị cấp Thành phố, UBND các cấp được giao chủ trì thực hiện các nhiệm vụ tại Kế hoạch này chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch chi tiết để tổ chức thực hiện; định kỳ sơ kết, đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch (theo văn bản chỉ đạo của UBND Thành phố) gửi về Chi nhánh NHCSXH thành phố Hà Nội để tổng hợp, báo cáo UBND Thành phố qua Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH Thành phố.
2. Giao Chi nhánh NHCSXH Thành phố chủ trì phối hợp với các Sở, ngành, cơ quan liên quan theo dõi, đôn đốc việc tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch này; định kỳ hàng quý tổng hợp, báo cáo UBND Thành phố qua Ban đại diện HĐQT NHCSXH Thành phố theo quy định./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
- 1Luật Thủ đô 2024
- 2Nghị định 100/2024/NĐ-CP hướng dẫn Luật nhà ở về phát triển và quản lý nhà ở xã hội
- 3Quyết định 60/2024/QĐ-UBND về Quy chế quản lý và sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn Thành phố Hà Nội
- 4Công văn 1069/TTg-KTTH năm 2024 triển khai Chỉ thị 39-CT/TW về nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Kế hoạch 94/KH-UBND năm 2025 thực hiện Kế hoạch 299-KH/TU thực hiện Chỉ thị 39-CT/TW “về nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội trong giai đoạn mới” do Thành phố Hà Nội ban hành
- Số hiệu: 94/KH-UBND
- Loại văn bản: Kế hoạch
- Ngày ban hành: 10/04/2025
- Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội
- Người ký: Nguyễn Trọng Đông
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 10/04/2025
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra