Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM | |
Số: 782/KH-UBND | Quảng Bình, ngày 26 tháng 4 năm 2025 |
KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH SỨC KHỎE HỌC ĐƯỜNG VÀ CHƯƠNG TRÌNH Y TẾ TRƯỜNG HỌC TRONG CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC MẦM NON VÀ PHỔ THÔNG GẮN VỚI Y TẾ CƠ SỞ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG BÌNH GIAI ĐOẠN ĐẾN NĂM 2026
Thực hiện Quyết định số 2616/QĐ-BYT ngày 04/9/2024 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình sức khỏe học đường và Chương trình y tế trường học trong các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông gắn với y tế cơ sở giai đoạn đến năm 2026, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình sức khỏe học đường và Chương trình y tế trường học trong các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông gắn với y tế cơ sở trên địa bàn tỉnh Quảng Bình giai đoạn đến năm 2026 như sau:
I. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu
- Mục tiêu 1: Gắn kết y tế trường học với y tế cơ sở nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, bảo đảm tốt các điều kiện chăm sóc sức khỏe ban đầu, sơ cấp cứu ban đầu, phòng chống tai nạn thương tích và nâng cao sức khỏe cho trẻ em mầm non, học sinh (sau đây gọi tắt là học sinh).
- Mục tiêu 2: Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe học sinh, sơ cấp cứu ban đầu, phòng chống tai nạn thương tích trong các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông (sau đây gọi là cơ sở giáo dục) nhằm bảo đảm sự phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần cho học sinh.
2. Chỉ tiêu
STT | Chỉ tiêu | Năm 2026 (Tỷ lệ) |
Mục tiêu 1: Gắn kết y tế trường học với y tế cơ sở nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, bảo đảm tốt các điều kiện chăm sóc sức khỏe ban đầu, sơ cấp cứu ban đầu, phòng chống tai nạn thương tích và nâng cao sức khỏe cho học sinh. | ||
1 | Ngành Giáo dục phối hợp ngành Y tế các cấp ở địa phương có cơ chế phối hợp về công tác y tế trường học gắn với y tế cơ sở | 100% |
2 | Trung tâm y tế cấp huyện, trạm y tế cấp xã có phân công cán bộ phụ trách công tác y tế trường học | 100% |
3 | Cơ sở giáo dục và trạm y tế cấp xã trên địa bàn có cơ chế phối hợp về công tác y tế trường học | 100% |
4 | Cán bộ phụ trách y tế trường học tuyến y tế cơ sở được bồi dưỡng về công tác y tế trường học | 95% |
5 | Người làm công tác y tế trường học trong các cơ sở giáo dục và y tế cơ sở (tuyến huyện, xã) được bồi dưỡng nâng cao năng lực về công tác y tế trường học | 95% |
6 | Cơ sở giáo dục được bảo đảm điều kiện làm việc tối thiểu cho công tác y tế trường học: phòng y tế, giường, trang thiết bị, dụng cụ sơ cấp cứu thông thường, thuốc thiết yếu và nguồn kinh phí được trích lại từ bảo hiểm y tế dành cho công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu đối với học sinh | 95% |
Mục tiêu 2. Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe học sinh, sơ cấp cứu ban đầu, phòng chống tai nạn thương tích trong các cơ sở giáo dục nhằm bảo đảm sự phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần cho học sinh. | ||
1 | Cơ sở giáo dục thực hiện kiểm tra sức khỏe định kỳ cho học sinh đầu năm học theo quy định | 85% |
2 | Cơ sở giáo dục thực hiện việc đánh giá phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ về bệnh không lây nhiễm, sức khỏe tâm thần cho học sinh. | 50% |
3 | Cơ sở giáo dục cung cấp đủ nước uống và nước sạch cho sinh hoạt, hoạt động trong trường học bảo đảm chất lượng theo quy định. | 75% |
4 | Nhà vệ sinh cho học sinh: - Cơ sở giáo dục có nhà vệ sinh - Cơ sở giáo dục có đủ nhà vệ sinh theo quy định - Cơ sở giáo dục có nhà vệ sinh bảo đảm điều kiện hợp vệ sinh theo quy định |
100% 50% 80% |
5 | Cơ sở giáo dục tổ chức các hoạt động giáo dục dinh dưỡng hợp lý, thực phẩm lành mạnh, an toàn cho học sinh thông qua các giờ học chính khóa, hoạt động ngoại khóa. | 100% |
6 | Cơ sở giáo dục (đối với các cơ sở giáo dục có tổ chức bữa ăn học đường và căng tin trường học) bảo đảm các điều kiện về vệ sinh, an toàn thực phẩm theo quy định. | 100% |
7 | Cơ sở giáo dục xây dựng thực đơn đáp ứng nhu cầu theo khuyến nghị của Bộ Y tế về bảo đảm dinh dưỡng hợp lý theo lứa tuổi và đa dạng thực phẩm (đối với các cơ sở giáo dục có tổ chức bữa ăn học đường và căng tin trường học): - Cơ sở giáo dục ở khu vực thành thị - Cơ sở giáo dục ở khu vực nông thôn |
60% 40% |
8 | Cơ sở giáo dục tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục về sức khỏe và nâng cao kiến thức phòng, chống bệnh, tật học đường, bệnh không lây nhiễm và sức khỏe tâm thần, dinh dưỡng hợp lý, thực phẩm lành mạnh, an toàn, phòng chống thương tích trong trường học. | 100% |
9 | Học sinh phổ thông được phổ biến, tư vấn về sức khỏe tâm thần, tâm sinh lý lứa tuổi | 50% |
II. NHIỆM VỤ VÀ CÁC GIẢI PHÁP CHỦ YẾU
1. Công tác chỉ đạo điều hành, xây dựng các văn bản pháp luật liên quan công tác y tế trường học, tiêu chuẩn, quy chuẩn về vệ sinh trường học
- Rà soát, đánh giá việc triển khai thực hiện Thông tư liên tịch số 13/2016/TTLT-BYT-BGDĐT ngày 12/5/2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về công tác y tế trường học.
- Xây dựng tiêu chuẩn về dinh dưỡng đối với bữa ăn học đường;
- Chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trong trường học phù hợp diễn biến tình hình dịch.
- Chỉ đạo thực hiện chương trình chăm sóc sức khỏe răng miệng, mắt học đường cho các học sinh tại các trường.
- Ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương triển khai có hiệu quả các nội dung, hoạt động về y tế trường học, chăm sóc sức khỏe học sinh trong các cơ sở giáo dục, khám sức khỏe định kỳ cho giáo viên và người lao động.
- Chỉ đạo cơ sở giáo dục, cơ sở y tế có chức năng hoặc được giao nhiệm vụ đào tạo trong khối ngành sức khỏe, đào tạo nhân lực y tế xây dựng, thẩm định, ban hành chương trình, tài liệu đào tạo phù hợp với từng đối tượng đào tạo và tổ chức đào tạo, cấp chứng chỉ cho người làm công tác y tế trường học ngành y tế và giáo dục đáp ứng yêu cầu theo quy định pháp luật hiện hành về giáo dục.
2. Công tác đào tạo, tập huấn về công tác y tế trường học
Hàng năm tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức cho cán bộ làm công tác y tế trường học tuyến huyện, tuyến xã và cơ sở giáo dục về công tác y tế trường học, sơ cứu, cấp cứu, phòng chống tai nạn thương tích trong trường học, an toàn thực phẩm, chăm sóc sức khỏe răng miệng, vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch, bệnh và bệnh, tật học đường, phòng chống bệnh không lây nhiễm, sức khỏe tâm thần, phòng chống HIV/AIDS, bữa ăn học đường đảm bảo dinh dưỡng hợp lý.
3. Công tác truyền thông nâng cao nhận thức
Tăng cường công tác truyền thông, giáo dục, nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân viên, giáo viên, học sinh về công tác y tế trường học và chăm sóc sức khỏe học sinh, kiến thức phòng, chống bệnh, tật học đường, bệnh không lây nhiễm và sức khỏe tâm thần, dinh dưỡng hợp lý, thực phẩm lành mạnh, an toàn, sơ cấp cứu ban đầu, phòng, chống tai nạn thương tích, phòng chống HIV/AIDS, sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho học sinh, gồm:
- Rà soát, cập nhật tài liệu truyền thông phòng, chống bệnh tật học đường, phòng, chống dịch, bệnh trong trường học, sơ cấp cứu ban đầu, phòng, chống tai nạn thương tích, phòng chống HIV/AIDS, tài liệu truyền thông trong dinh dưỡng, an toàn thực phẩm;
- Thực hiện đa dạng hóa các hình thức truyền thông phù hợp với từng đối tượng: truyền thông trên các phương tiện truyền thông đại chúng (phát thanh, truyền hình, báo điện tử, báo in), mạng xã hội (Facebook, Zalo, TikTok, Youtube, Viber, Lotus...), tin nhắn điện thoại, các loại hình truyền thông trên nền tảng Internet, các hình thức truyền tải thông điệp hiệu quả cao như: Infographic, videoclip, audioclip, truyền thông trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ.
4. Công tác chỉ đạo tuyến, hỗ trợ các địa phương
Chỉ đạo ngành y tế các địa phương phối hợp với ngành giáo dục bố trí cán bộ đầu mối làm công tác y tế trường học tại các trạm y tế cấp xã cũng như các cơ sở giáo dục để triển khai có hiệu quả các nội dung, hoạt động về y tế trường học, chăm sóc sức khỏe học sinh, sơ cấp cứu ban đầu, phòng, chống tai nạn thương tích, công tác phòng, chống dịch, phòng, chống HIV/AIDS trong các cơ sở giáo dục.
Đối với địa bàn vùng núi, vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới ngành y tế địa phương, y tế học đường thường xuyên liên hệ, trao đổi, phối hợp chặt chẽ với quân y, trạm quân dân y kết hợp của lực lượng Bộ đội biên phòng tỉnh và các đơn vị quân đội đứng chân trên địa bàn triển khai có hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe cho học sinh trong các cơ sở giáo dục đảm bảo kịp thời, hiệu quả.
5. Công tác kiểm tra, giám sát
Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác y tế trường học và chăm sóc sức khỏe học sinh tại địa phương, tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành về công tác y tế trường học và chăm sóc sức khỏe học sinh, công tác phòng chống dịch, bệnh tại các cơ sở giáo dục.
6. Thống kê, báo cáo
Thống kê tình hình triển khai công tác y tế trường học, quản lý sức khỏe học sinh hằng năm; tổng hợp báo cáo hằng năm hoặc đột xuất công tác y tế trường học của huyện/thị xã/thành phố; thực hiện việc đánh giá, sơ kết, tổng kết hằng năm về công tác y tế trường học.
III. KINH PHÍ
1. Kinh phí thực hiện các nhiệm vụ thuộc Kế hoạch từ nguồn ngân sách theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách đơn vị; nguồn tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, nguồn thu hợp pháp của các trường học theo quy định của pháp luật (có phụ lục kèm theo).
2. Việc lập và triển khai thực hiện kế hoạch tài chính cho các nhiệm vụ của Kế hoạch thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công và các quy định hiện hành; việc huy động các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định và thông qua các kế hoạch, chương trình, dự án được phê duyệt theo quy định của pháp luật.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Y tế
- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo kiện toàn Ban chỉ đạo công tác y tế trường học các cấp; ban hành kế hoạch, bố trí kinh phí thực hiện hoạt động y tế trường học, chăm sóc sức khỏe học sinh;
- Chỉ đạo các đơn vị y tế trong tỉnh phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh chỉ đạo Trạm quân dân y kết hợp, phối hợp với ngành Giáo dục triển khai các hoạt động về y tế trường học và chăm sóc sức khỏe học sinh, triển khai khám sức khỏe định kỳ cho giáo viên và người lao động;
- Chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo triển khai lồng ghép công tác y tế trường học gắn với việc thực hiện Luật Trẻ em, các chương trình, dự án về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, phòng, chống tai nạn thương tích trong các cơ sở giáo dục.
- Chỉ đạo kiểm tra, giám sát các điều kiện vệ sinh trường học, vệ sinh môi trường, việc thực hiện công tác y tế trường học, công tác phòng, chống dịch trong các trường học trên địa bàn; định kỳ báo cáo kết quả thực hiện về Bộ Y tế (Cục Phòng bệnh).
2. Sở Giáo dục và Đào tạo
- Phối hợp với Sở Y tế chỉ đạo hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Kế hoạch đối với cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông; báo cáo Sở Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo theo quy định.
- Tuyên truyền, giáo dục sức khỏe học đường trong trường học và nâng cao kiến thức phòng, chống bệnh, tật học đường, bệnh không lây nhiễm và sức khỏe tâm thần; hướng dẫn lồng ghép thực hiện Chương trình y tế trường học trong các cơ sở giáo dục gắn với y tế cơ sở với việc thực hiện Đề án bảo đảm dinh dưỡng hợp lý, thực phẩm lành mạnh, an toàn và tăng cường các hoạt động thể lực cho học sinh để nâng cao sức khỏe, dự phòng bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và hen phế quản giai đoạn 2018- 2025; Đề án tổng thể Phát triển giáo dục thể chất và thể thao trường học giai đoạn 2016-2020, định hướng đến 2025, Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025.
- Phối hợp Sở Y tế rà soát, bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế đáp ứng thực tế từng cấp học.
- Đề xuất Sở Tài chính cấp kinh phí, phục vụ công tác y tế trường học cho các cơ sở giáo dục trên địa bàn toàn tỉnh.
3. Bảo hiểm xã hội tỉnh
- Chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn công tác tổ chức thu bảo hiểm y tế trong các nhà trường theo quy định;
- Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế, Sở Tài chính xây dựng hướng dẫn lộ trình thực hiện công tác bảo hiểm y tế học sinh.
- Rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định, hướng dẫn việc trích, chuyển, sử dụng kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu, y tế trường học phù hợp với thực tiễn.
4. Sở Tài chính
Căn cứ dự toán kinh phí thực hiện của các đơn vị tổng hợp tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh bố trí kinh phí trong dự toán chi thường xuyên hàng năm của các cơ quan, đơn vị, địa phương để thực hiện theo đúng quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Chủ trì tổng hợp trình Ủy ban nhân dân tỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn để thực hiện các chương trình, dự án được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về đầu tư công và khả năng cân đối ngân sách nhà nước để triển khai Kế hoạch; phối hợp với Sở Tài chính đề xuất bố trí kinh phí thực hiện Kế hoạch theo quy định.
5. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố
- Tổ chức triển khai, chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, tổ chức liên quan thực hiện Kế hoạch tại địa phương.
- Tổ chức rà soát, sắp xếp lại hệ thống, xây dựng mô hình thực hiện công tác y tế trường học gắn với y tế cơ sở trên địa bàn theo quy định tại khoản 2 mục II của Kế hoạch này cho phù hợp với thực tiễn địa phương.
- Bố trí kinh phí, huy động nguồn lực, đẩy mạnh xã hội hóa phù hợp với điều kiện của địa phương để triển khai thực hiện Kế hoạch.
- Giao Phòng Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, tham mưu Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố ban hành Kế hoạch, chỉ đạo hướng dẫn và kiểm tra giám sát việc thực hiện Kế hoạch thuộc địa bàn quản lý; Phòng Giáo dục và Đào tạo chủ trì ban hành quy chế phối hợp giữa các ngành: Giáo dục và Đào tạo, Y tế.
- Tăng cường tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, đơn vị và người dân về Chương trình y tế trường học.
- Chỉ đạo hệ thống y tế cơ sở, địa phương phối hợp với các cơ sở giáo dục triển khai công tác y tế trường học; hướng dẫn về công tác kiểm tra sức khỏe định kỳ cho học sinh tại các cơ sở giáo dục.
- Lập dự toán kinh phí ngân sách hằng năm, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định, để triển khai thực hiện kế hoạch.
6. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Tỉnh Đoàn Quảng Bình
- Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế, các sở, ngành liên quan và chính quyền địa phương tham gia tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình.
- Tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho cán bộ Đoàn, Đội, Hội, đoàn viên, thanh niên về chăm sóc sức khỏe ban đầu đối với học sinh và tham gia huy động nguồn lực triển khai các nhiệm vụ, giải pháp có liên quan của Kế hoạch; tham gia giám sát việc thực hiện luật pháp, chính sách về Chương trình sức khỏe học đường trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.
Trên đây là Kế hoạch thực hiện Chương trình sức khỏe học đường và chương trình y tế trường học trong các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông gắn với y tế cơ sở trên địa bàn tỉnh Quảng Bình giai đoạn đến năm 2026, yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện./.
| KT. CHỦ TỊCH |
PHỤ LỤC 1
CÁC NHIỆM VỤ CỤ THỂ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH SỨC KHỎE HỌC ĐƯỜNG VÀ CHƯƠNG TRÌNH Y TẾ TRƯỜNG HỌC TRONG CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC MẦM NON VÀ PHỔ THÔNG GẮN VỚI Y TẾ CƠ SỞ GIAI ĐOẠN ĐẾN NĂM 2026
(Kèm theo Kế hoạch số 782/KH-UBND ngày 26 tháng 4 năm 2025 của UBND tỉnh Quảng Bình)
TT | Nhiệm vụ | Cơ quan chủ trì | Cơ quan phối hợp | Thời gian thực hiện |
1 | Mua sắm cơ sở vật chất, trang bị dụng cụ, thuốc, vật tư y tế nhằm bảo đảm đủ điều kiện triển khai công tác sức khỏe học đường | Sở Giáo dục và Đào tạo; UBND huyện/thị xã/thành phố | Sở Tài chính; Sở Y tế | Hàng năm |
2 | Xây dựng các công trình nước sạch đảm bảo nước sinh hoạt cho các nhà trường | Sở Giáo dục và Đào tạo; UBND huyện/thị xã/thành phố | Sở Tài chính; Sở Nông nghiệp và Môi trường | Hàng năm |
3 | Xây mới, sửa chữa nhà vệ sinh các trường học, bảo đảm điều kiện hợp vệ sinh theo quy định. | Sở Giáo dục và Đào tạo; UBND huyện/thị xã/thành phố | Sở Tài chính; Sở Nông nghiệp và Môi trường | Hàng năm |
4 | Rà soát hệ thống đèn chiếu sáng tại các trường học, đề xuất mua sắm đảm bảo các phòng học có độ rọi không dưới 300 Lux | Sở Giáo dục và Đào tạo; UBND huyện//thị xã/thành phố | Sở Y tế; Sở Tài chính | Hàng năm |
5 | Rà soát, sửa chữa, mua sắm bàn ghế đảm bảo theo nhóm chiều cao của học sinh các cấp học | Sở Giáo dục và Đào tạo; UBND huyện/thị xã/thành phố | Sở Y tế; Sở Tài chính | Hàng năm |
6 | Tổ chức kiểm tra sức khỏe học sinh đầu năm học; Tổ chức đánh giá phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ về bệnh không lây nhiễm, sức khỏe tâm thần cho học sinh | Sở Y tế | Sở Giáo dục và Đào tạo; UBND huyện/thị xã/thành phố; Sở Tài chính | Hàng năm |
7 | Kiểm tra, đánh giá, xếp loại thể lực học sinh các trường phổ thông | Sở Giáo dục và Đào tạo | Sở Y tế; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch | Hàng năm |
8 | Xây dựng các chuyên trang, chuyên mục truyền thông về Chương trình sức khỏe học đường ,Y tế học đường trên Cổng Thông tin giao tiếp điện tử của Sở Y tế | Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch | Sở Giáo dục và Đào tạo; Sở Tài chính | Hàng năm |
10 | Tuyển dụng đủ nhân viên y tế trong các trường học | Sở Giáo dục và Đào tạo | UBND huyện/thị xã/thành phố; Sở Tài chính | Năm 2025 |
11 | Bồi dưỡng nâng cao năng lực tổ chức quản lý về y tế trường cho cán bộ phụ trách công tác y tế trường học | Sở Y tế | Sở Giáo dục và Đào tạo; Sở Tài chính | Hàng năm |
12 | Bồi dưỡng nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cho nhân viên y tế trường học trong các cơ sở giáo dục và y tế cơ sở | Sở Y tế | Sở Giáo dục và Đào tạo; Sở Tài chính | Hàng năm |
13 | Tuyên truyền trực tiếp tại các trường học về hướng dẫn chăm sóc, bảo vệ sức khỏe phù hợp với các lứa tuổi, cấp học | Sở Y tế | Sở Giáo dục và Đào tạo; Sở Tài chính | Hàng năm |
14 | Cung cấp sách, tài liệu về bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, phòng chống dịch bệnh cho tủ sách và phòng đọc của các trường phù hợp với từng cấp học | Sở Giáo dục và Đào tạo | Sở Y tế; Sở Tài chính | Hàng năm |
15 | Thẩm định cấp giấy phép an toàn vệ sinh thực phẩm cho các bếp ăn tập thể | Sở Y tế | Sở Giáo dục và Đào tạo; Sở Tài chính | Hàng năm |
16 | Kiểm tra đo lường, xét nghiệm, theo dõi các tiêu chuẩn về nước sạch, môi trường. | Sở Y tế | Sở Giáo dục và Đào tạo; Sở Tài chính | Hàng năm |
17 | Kiểm tra đo lường, theo dõi điều kiện phòng học (bàn ghế, ánh sáng..). | Sở Y tế | Sở Giáo dục và Đào tạo; Sở Tài chính | Hàng năm |
PHỤ LỤC 2
KINH PHÍ CHƯƠNG TRÌNH SỨC KHỎE HỌC ĐƯỜNG VÀ CHƯƠNG TRÌNH Y TẾ TRƯỜNG HỌC TRONG CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC MẦM NON VÀ PHỔ THÔNG GẮN VỚI Y TẾ CƠ SỞ GIAI ĐOẠN ĐẾN NĂM 2026
(Kèm theo Kế hoạch số 782/KH-UBND ngày 26 tháng 4 năm 2025 của UBND tỉnh Quảng Bình)
TT | Nội dung | Kinh phí | Ghi chú |
1 | Tài liệu, truyền thông, tờ rơi, áp phích | 500.000.000 |
|
2 | Đào tạo tập huấn | 900.000.000 |
|
3 | Truyền thông | 200.000.000 |
|
4 | Kiểm tra, giám sát, hỗ trợ địa phương | 1.200.000.000 |
|
| Tổng cộng | 2.800.000.000 |
|
| Bằng chữ: Hai tỷ tám trăm triệu đồng chẵn |
|
- 1Luật ngân sách nhà nước 2015
- 2Thông tư liên tịch 13/2016/TTLT-BYT-BGDĐT quy định về công tác y tế trường học do Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- 3Luật trẻ em 2016
- 4Luật Đầu tư công 2024
- 5Quyết định 2616/QĐ-BYT năm 2024 về Kế hoạch thực hiện Chương trình sức khỏe học đường và Chương trình y tế trường học trong các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông gắn với y tế cơ sở giai đoạn đến năm 2026 do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành
Kế hoạch 782/KH-UBND năm 2025 thực hiện Chương trình sức khoẻ học đường và Chương trình y tế trường học trong các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông gắn với y tế cơ sở trên địa bàn tỉnh Quảng Bình giai đoạn đến năm 2026
- Số hiệu: 782/KH-UBND
- Loại văn bản: Kế hoạch
- Ngày ban hành: 26/04/2025
- Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Bình
- Người ký: Hoàng Xuân Tân
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 26/04/2025
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra