Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG | ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM |
Số 31-HD/BTCTW | Hà Nội, ngày 23 tháng 4 năm 2025 |
HƯỚNG DẪN
VỀ VIỆC THÀNH LẬP TỔ CHỨC ĐẢNG TƯƠNG ỨNG CÁC ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH Ở ĐỊA PHƯƠNG VÀ SẮP XẾP TỔ CHỨC BỘ MÁY CƠ QUAN MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM, ĐOÀN THỂ CẤP TỈNH, CẤP XÃ
Căn cứ Nghị quyết số 60-NQ/TW, ngày 12/4/2025 của Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII và các kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; để khẩn trương xây dựng các đề án, triển khai thực hiện sắp xếp tổ chức, cán bộ của các địa phương, Ban Tổ chức Trung ương hướng dẫn thực hiện như sau:
I. VỀ VIỆC THÀNH LẬP TỔ CHỨC ĐẢNG
1. Đối với việc thành lập đảng bộ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (mới) sau hợp nhất đơn vị hành chính cấp tỉnh
(1) Tỉnh, thành ủy nơi được xác định là trung tâm chính trị - hành chính của đơn vị hành chính cấp tỉnh sau hợp nhất chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các tỉnh ủy, thành ủy (đã được Ban Chấp hành Trung ương đồng ý chủ trương sáp nhập)[1] xây dựng Đề án thành lập đảng bộ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở hợp nhất, sáp nhập các đảng bộ cấp tỉnh trước khi sắp xếp (Lưu ý: Nội dung của đề án cần bám sát Điều lệ Đảng, các quan điểm, nguyên tắc, chỉ đạo của Trung ương, rõ về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, cơ quan tham mưu giúp việc, các tổ chức đảng, đơn vị sự nghiệp trực thuộc …, quy trình thực hiện xây dựng đề án bảo đảm nguyên tắc, quy định); hoàn thành Đề án và gửi về Ban Tổ chức Trung ương trước ngày 15/6/2025.
(2) Trên cơ sở đề án được phê duyệt và quyết định của cấp có thẩm quyền về việc thành lập đảng bộ và chỉ định cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy, bí thư, các phó bí thư, ủy ban kiểm tra, chủ nhiệm, các phó chủ nhiệm ủy ban kiểm tra; ban thường vụ cấp ủy cấp tỉnh phân công, bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý và cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc, đơn vị sự nghiệp của cấp ủy theo thẩm quyền và trên cơ sở biên chế hiện có; kiện toàn các đảng bộ, các cấp ủy trực thuộc theo quy định; hoàn thành trước ngày 15/9/2025.
(3) Ban Tổ chức Trung ương thẩm định đề án của các tỉnh, thành ủy; tham mưu, trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư quyết định thành lập đảng bộ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, chỉ định ban chấp hành, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư tỉnh ủy, thành ủy, ủy ban kiểm tra, chủ nhiệm, phó chủ nhiệm ủy ban kiểm tra tỉnh ủy, thành ủy nhiệm kỳ 2020 - 2025, thời gian hoàn thành đồng bộ với việc hợp nhất đơn vị hành chính cấp tỉnh (chậm nhất trước ngày 15/9/2025).
(4) Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương không sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, các tỉnh ủy, thành ủy lãnh đạo, chỉ đạo các công việc theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền do Trung ương quy định.
(5) Sau khi Nghị quyết của Quốc hội về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và sáp nhập, hợp nhất các đơn vị hành chính cấp tỉnh, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành lập các đơn vị hành chính cấp xã có hiệu lực thi hành, cấp ủy cấp tỉnh quyết định kết thúc đảng bộ cấp huyện, cấp xã (cũ); thành lập đảng bộ cấp xã mới sau sáp nhập là đảng bộ cấp trên trực tiếp của tổ chức cơ sở đảng[2].
(6) Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ sắp xếp, tổ chức bộ máy, các tỉnh, thành ủy cần thực hiện nghiêm túc Điều lệ Đảng, nghị quyết của Trung ương, các kết luận, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư[3].
2. Việc thành lập đảng bộ xã, phường, đặc khu (cấp xã mới) sau sáp nhập, sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã
(1) Ban thường vụ tỉnh, thành ủy trực thuộc Trung ương hiện nay chỉ đạo xây dựng đề án kết thúc hoạt động của đảng bộ cấp huyện, đảng bộ cấp xã cũ; thành lập đảng bộ cấp xã mới (Lưu ý: Thời điểm kết thúc hoạt động của các đảng bộ cũ phải đồng bộ với thời điểm thành lập và hoạt động của các đảng bộ cấp xã mới; nội dung của đề án cần bám sát Điều lệ Đảng, các quan điểm, nguyên tắc, chỉ đạo của Trung ương, rõ về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, cơ quan tham mưu giúp việc, các tổ chức đảng, đơn vị sự nghiệp trực thuộc (nếu có)…, quy trình thực hiện xây dựng đề án bảo đảm nguyên tắc, quy định), thời gian hoàn thành đồng bộ với việc hợp nhất, sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, trước ngày 15/5/2025.
(2) Sau khi phê duyệt đề án, các tỉnh ủy, thành ủy triển khai và hoàn thành một số nội dung sau đồng bộ với việc hợp nhất, sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã (từ 01/7/2025 đến 15/8/2025):
- Triển khai các quyết định của tỉnh ủy, thành ủy: thành lập đảng bộ cấp xã, chỉ định ban chấp hành, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư, ủy ban kiểm tra, chủ nhiệm, phó chủ nhiệm ủy ban kiểm tra đảng ủy cấp xã nhiệm kỳ 2025 - 2030[4].
- Trên cơ sở đề án được phê duyệt và quyết định của cấp có thẩm quyền, ban thường vụ cấp ủy cấp tỉnh, cấp ủy cấp xã theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện việc thành lập cơ quan tham mưu, giúp việc và đơn vị sự nghiệp của cấp ủy cấp xã như sau: (i) Đảng ủy xã, phường được lập 03 cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc, gồm: Văn phòng, ban xây dựng đảng, cơ quan ủy ban kiểm tra đảng ủy. (ii) Đảng ủy xã, phường nơi có trụ sở trung tâm chính trị cấp huyện hiện nay được lập thêm trung tâm chính trị là đơn vị sự nghiệp của đảng ủy. (iii) Đảng ủy đặc khu là đảng ủy cấp trên trực tiếp của tổ chức cơ sở đảng được lập tối đa 04 cơ quan tham mưu, giúp việc, gồm: Văn phòng, ban tổ chức, ban tuyên giáo và dân vận, cơ quan ủy ban kiểm tra và trung tâm chính trị là đơn vị sự nghiệp của đảng ủy.
- Các tỉnh ủy, thành ủy lãnh đạo, chỉ đạo và bố trí, phân công cán bộ lãnh đạo, quản lý, công chức, viên chức và biên chế của các cơ quan tham mưu, giúp việc cấp ủy cấp xã theo hướng cơ bản bố trí cán bộ, công chức, viên chức, biên chế cấp huyện, cấp xã hiện nay về cấp xã và tăng cường một số cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp ban, sở, ngành cấp tỉnh về cấp xã (nếu cần). Trên cơ sở chỉ đạo của tỉnh ủy, thành ủy và chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của cấp ủy cấp xã và cơ quan tham mưu, giúp việc cấp ủy cấp xã, đảng ủy cấp xã tiếp nhận, phân công, bố trí cán bộ, công chức, viên chức và biên chế về cấp xã theo quy định, thời gian hoàn thành đồng bộ với việc hợp nhất, sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, trước ngày 01/7/2025.
(3) Biên chế cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc, đơn vị sự nghiệp của đảng ủy cấp xã (mới): Định hướng khoảng 15 -17 biên chế, ở những nơi có trung tâm chính trị bố trí không quá 20 biên chế. Trước mắt có thể bố trí biên chế nhiều hơn (bao gồm cán bộ công tác Đảng của huyện, xã hiện có và một số cán bộ, công chức cấp tỉnh); sau khi hoàn thiện vị trí việc làm, tối đa sau thời gian 05 năm phải thực hiện đúng theo quy định của cấp có thẩm quyền.
Đối với những đơn vị hành chính cấp xã giữ nguyên không sáp nhập: Cơ quan lãnh đạo thực hiện theo Chỉ thị 45-CT/TW của Bộ Chính trị; bố trí biên chế cán bộ cơ quan tham mưu giúp việc phù hợp với yêu cầu, tình hình thực tế, bảo đảm cân đối chung trong hệ thống chính trị cùng cấp.
(4) Đối với các chức danh lãnh đạo đảng ủy cấp xã cần xem xét, bố trí cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu công việc chung là chính, đồng thời theo thứ tự định hướng như sau: (i) Các đồng chí là thường trực; ủy viên ban thường vụ; phó chủ tịch hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân; cấp ủy viên cấp huyện hiện nay…; (ii) Tăng cường một số cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp ban, ngành, sở cấp tinh (nếu cần).
(5) Đối với đơn vị hành chính cấp xã có điều chỉnh địa giới: Ngoài các nội dung nêu trên, ban thường vụ cấp ủy cấp tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chuyển giao, tiếp nhận tổ chức đảng, đảng viên giữa các đảng bộ cấp xã theo hướng dẫn của Ban Bí thư.
(6) Báo cáo Ban Tổ chức Trung ương kết quả sắp xếp tổ chức bộ máy và bố trí cán bộ, công chức cấp xã trước ngày 15/8/2025.
II. VỀ VIỆC SẮP XẾP TỔ CHỨC BỘ MÁY CƠ QUAN MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM, ĐOÀN THỂ CẤP TỈNH, CẤP XÃ
Trên cơ sở đề xuất của Đảng ủy Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương về sắp xếp, tinh gọn tổ chức Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQ Việt Nam), các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ, Ban Tổ chức Trung ương phối hợp hướng dẫn như sau:
1. Cơ quan chủ trì xây dựng Đề án: Ban Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương (đối với tỉnh, thành phố thực hiện sáp nhập là Ban Thường vụ tỉnh, thành ủy nơi được lựa chọn đặt trung tâm chính trị - hành chính của tỉnh mới chủ trì) lãnh đạo, chỉ đạo Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh xây dựng Đề án sắp xếp, tinh gọn tổ chức Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ (sau đây gọi tắt là MTTQ, các đoàn thể và Hội quần chúng) theo nguyên tắc: Hợp nhất cơ quan tham mưu, giúp việc về chung với cơ quan Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh; giữ nguyên tư cách pháp nhân của các tổ chức chính trị - xã hội, Hội quần chúng (có con dấu, tài khoản riêng); vừa bảo đảm hoạt động của các đoàn thể, hội quần chúng trực thuộc MTTQ Việt Nam, vừa đảm bảo tính chủ động, sáng tạo của mỗi tổ chức (độc lập tương đối).
2. Phương án sắp xếp
2.1. Đối với cấp tỉnh
2.1.1 Cơ quan lãnh đạo
a) Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh: Tổ chức ngay sau khi Đại hội Đảng bộ tỉnh (Thực hiện theo hướng dẫn của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam).
b) Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh: Trên cơ sở đề án được thông qua, Ban Thường vụ tỉnh, thành ủy trao đổi, hiệp y thống nhất để Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam ban hành Quyết định thành lập Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, thành phố và công nhận Ủy viên Ủy ban, các chức danh trong Ban Thường trực MTTQ Việt Nam cấp tỉnh (Chủ tịch, các Phó Chủ tịch).
Về số lượng ủy viên ủy ban MTTQ cấp tỉnh:
- Đối với các tỉnh, thành phố thuộc diện sáp nhập: Bố trí không vượt quá tổng số Ủy viên ủy ban MTTQ Việt Nam của các tỉnh, thành phố hiện có trước khi sáp nhập (không tính số nghỉ hưu, chuyển công tác hoặc có nguyện vọng xin thôi). Khi Đại hội thực hiện theo hướng dẫn của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.
- Đối với các tỉnh, thành phố không sáp nhập: Giữ nguyên số lượng Ủy viên ủy ban như hiện nay. Khi Đại hội thực hiện theo hướng dẫn của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.
c) Cơ cấu Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, thành phố: gồm Chủ tịch và các Phó Chủ tịch, không tính Phó Chủ tịch không chuyên trách (nếu có).
- Đối với các tỉnh, thành phố thuộc diện hợp nhất:
Cơ cấu Phó Chủ tịch: Xem xét bố trí các đồng chí đang là Chủ tịch, Phó Chủ tịch chuyên trách MTTQ của các tỉnh hiện nay và các đồng chí trưởng các tổ chức chính trị - xã hội. Trong đó, bố trí 01 Phó Chủ tịch đồng thời làm Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh; 01 Phó Chủ tịch đồng thời làm Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh; 01 Phó Chủ tịch đồng thời làm Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh; 01 Phó Chủ tịch đồng thời làm Bí thư Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh; 01 Phó Chủ tịch đồng thời làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh. Khi Đại hội thực hiện theo hướng dẫn của cấp có thẩm quyền.
- Đối với các tỉnh, thành phố không hợp nhất:
Cơ cấu các Phó Chủ tịch: Bố trí các đồng chí là Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ chuyên trách hiện nay và 05 đồng chí trưởng các tổ chức chính trị - xã hội là Phó Chủ tịch đồng thời làm trưởng các tổ chức chính trị - xã hội (thực hiện như đối với các tỉnh, thành phố thuộc diện sáp nhập).
Khi Đại hội, số lượng Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ thực hiện theo hướng dẫn của cấp có thẩm quyền.
d) Về số lượng Ban chấp hành, Ban Thường vụ của các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh
- Đối với các tỉnh, thành phố thuộc diện sáp nhập: Bố trí không vượt quá tổng số ủy viên ban chấp hành, ban thường vụ của các tổ chức chính trị - xã hội hiện có trước khi sáp nhập (không tính số nghỉ hưu, chuyển công tác hoặc có nguyện vọng xin thôi). Về số lượng cấp phó của các tổ chức chính trị - xã hội, trước mắt giữ nguyên số lượng cấp phó như hiện nay. Khi Đại hội của mỗi tổ chức thực hiện theo hướng dẫn của cấp có thẩm quyền.
- Đối với các tỉnh, thành phố không sáp nhập: Số lượng ủy viên ban chấp hành, ban thường vụ của các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh giữ nguyên như hiện nay (không tính số nghỉ hưu, chuyển công tác hoặc có nguyện vọng xin thôi). Về số lượng cấp phó của các tổ chức chính trị - xã hội, trước mắt giữ nguyên số lượng cấp phó như hiện nay. Khi Đại hội của mỗi tổ chức thực hiện theo hướng dẫn của cấp có thẩm quyền.
Các tổ chức chính trị - xã hội (Công đoàn, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Cựu chiến binh) hoạt động theo Điều lệ của mỗi tổ chức, có con dấu, tài khoản riêng, đảm bảo nguyên tắc các tổ chức chính trị - xã hội hoạt động trực thuộc MTTQ Việt Nam đồng thời phát huy tính chủ động, sáng tạo của mỗi tổ chức (độc lập tương đối). Các tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương có trách nhiệm hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, nghiệp vụ công tác đối với các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương.
2.1.2. Cơ quan tham mưu giúp việc
Cơ quan Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, thành phố do Ban Thường vụ tỉnh, thành ủy thành lập; là cơ quan tham mưu, giúp việc Ủy ban, Ban Thường trực MTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh; thực hiện các quy định của Pháp luật, Điều lệ MTTQ Việt Nam, điều lệ của các tổ chức chính trị - xã hội và các quy định của Đảng, Nhà nước có liên quan; đồng thời là cơ quan chuyên môn, nghiệp vụ công tác Mặt trận và công tác đoàn thể.
- Về tổ chức bộ máy: Được lập 09 -10 ban, đơn vị gồm: (i) Văn phòng; (ii) Ban Tổ chức, Kiểm tra; (iii) Ban Dân chủ, giám sát và phản biện xã hội; (iv) Ban Công tác Công đoàn; (v) Ban Công tác Nông dân; (vi) Ban Công tác Thanh thiếu nhi; (vii) Ban Công tác Phụ nữ; (viii) Ban Công tác Cựu chiến binh. Tùy theo điều kiện thực tiễn, Ban Thường vụ tỉnh, thành ủy quyết định thành lập 01 - 02 ban có tính đặc thù, phù hợp với địa phương cụ thể như: dân tộc, tôn giáo, công đoàn khu Công nghiệp, Ban công tác hội quần chúng hoặc Ban Tuyên giáo, công tác xã hội...
Sắp xếp các đơn vị sự nghiệp của các tổ chức chính trị - xã hội về trực thuộc Cơ quan Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh như: Nhà văn hoá thanh thiếu nhi; Nhà văn hoá lao động (nếu có); các loại Quỹ hỗ trợ Nông dân, hỗ trợ Phụ nữ (sau khi đã thực hiện sắp xếp hợp nhất).
Chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, mối quan hệ công tác của cơ quan MTTQ Việt Nam cấp tỉnh thực hiện theo Quy định của Ban Bí thư.
- Về bố trí lãnh đạo các ban, đơn vị tham mưu, giúp việc: Việc sắp xếp, bố trí các chức danh lãnh đạo, quản lý, trưởng, phó các ban, đơn vị chuyên môn của cơ quan thực hiện theo phân cấp quản lý cán bộ. Bố trí các đồng chí cấp phó của người đứng đầu các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh kiêm trưởng các ban, đơn vị của Cơ quan tham mưu, giúp việc Ủy ban MTTQ tỉnh. Trước mắt, có thể giữ nguyên số lượng cấp phó các ban, đơn vị hiện có, sau 05 năm thực hiện theo quy định của cấp có thẩm quyền.
2.1.3. Đối với các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ
- Đối với các tỉnh, thành phố thuộc diện sáp nhập: Tổng số ủy viên ban chấp hành, ban thường vụ các hội quần chúng không vượt tổng số ủy viên ban chấp hành, ban thường vụ của các hội quần chúng các tỉnh, thành phố trước khi thực hiện sáp nhập. Về số lượng cấp phó của mỗi tổ chức, trước mắt giữ nguyên số lượng cấp phó như hiện nay, sau Đại hội của mỗi tổ chức thực hiện theo hướng dẫn của cấp có thẩm quyền.
- Đối với các tỉnh, thành phố không sáp nhập: Số lượng ủy viên ban chấp hành, ban thường vụ các hội quần chúng giữ như hiện nay.
2.1.4. Về tổ chức đảng
Thành lập Đảng bộ MTTQ Việt Nam tỉnh là đảng bộ cơ sở trực thuộc Đảng bộ các cơ quan đảng tỉnh, có các tổ chức đảng trực thuộc gồm: Chi bộ của ban, đơn vị của cơ quan MTTQ Việt Nam tỉnh; chi bộ các đơn vị sự nghiệp; chi bộ của các tổ chức hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ.
2.1.5. Về biên chế
Trước mắt, sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hiện có. Sau khi đi vào hoạt động ổn định, tiếp tục hoàn thiện vị trí việc làm, thực hiện quản lý, sử dụng biên chế theo quy định, hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.
2.2. Đối với cấp xã
2.2.1. Cơ quan lãnh đạo
a) Đại hội MTTQ Việt Nam cấp xã
Đại hội MTTQ Việt Nam cấp xã được tổ chức sau khi Đại hội Đảng bộ xã (Thực hiện theo hướng dẫn của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam).
b) Đối với Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã: Căn cứ vào Đề án được phê duyệt, Ban Thường vụ tỉnh, thành ủy chỉ đạo Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quyết định thành lập Ủy ban MTTQ xã, phường, đặc khu và công nhận các chức danh trong Ban Thường trực MTTQ Việt Nam cấp xã.
Về số lượng Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã:
- Đối với các xã thực hiện sáp nhập: Là tổng số ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam của các xã hiện có trước khi sáp nhập (không tính số ủy viên nghỉ hưu, nghỉ công tác, chuyển địa bàn, thay đổi vị trí công tác khác hoặc có nguyện vọng xin thôi).
- Đối với các xã không sáp nhập: Giữ số lượng ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam xã như hiện nay.
c) Cơ cấu Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã
- Đối với các xã thực hiện sáp nhập:
+ Cơ cấu, nhân sự Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã: Thực hiện theo Chỉ thị số 45-CT/TW, ngày 14/4/2025 của Bộ Chính trị.
+ Cơ cấu Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã là trưởng các tổ chức chính trị - xã hội (sau khi đã thực hiện sắp xếp): 01 Phó Chủ tịch đồng thời làm Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ; 01 Phó Chủ tịch đồng thời làm Bí thư Đoàn Thanh niên; 01 Phó Chủ tịch đồng thời làm Chủ tịch Hội Nông dân (nơi có tổ chức Hội Nông dân); 01 Phó Chủ tịch đồng thời làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh; 01 Phó Chủ tịch đồng thời làm Chủ tịch Công đoàn (ở nơi có tổ chức Công đoàn); trong đó, lựa chọn, phân công 01 đồng chí làm Phó chủ tịch thường trực. Khi Đại hội thực hiện theo hướng dẫn của cấp có thẩm quyền.
- Đối với các xã không sáp nhập:
+ Cơ cấu Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã: Thực hiện theo Chỉ thị số 45-CT/TW, ngày 14/4/2025 của Bộ Chính trị.
+ Cơ cấu Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã là trưởng các tổ chức chính trị - xã hội (01 Phó Chủ tịch đồng thời làm Chủ tịch Hội Phụ nữ; 01 Phó Chủ tịch đồng thời làm Bí thư Đoàn Thanh niên; 01 Phó Chủ tịch đồng thời làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh; 01 Phó Chủ tịch đồng thời làm Chủ tịch Hội Nông dân (nơi có tổ chức Hội Nông dân); 01 Phó Chủ tịch là Chủ tịch Công đoàn (nơi có tổ chức Công đoàn); trong đó, lựa chọn, phân công 01 đồng chí làm Phó chủ tịch thường trực. Khi Đại hội, số lượng Phó Chủ tịch thực hiện theo hướng dẫn của cấp có thẩm quyền.
d) Về số lượng Ban chấp hành, Ban Thường vụ của các tổ chức chính trị - xã hội cấp xã
- Đối với xã thuộc diện sáp nhập: Bố trí không vượt quá tổng số ủy viên ban chấp hành, ban thường vụ của các tổ chức chính trị - xã hội hiện có trước khi sáp nhập (không tính số nghỉ hưu, chuyển công tác hoặc có nguyện vọng xin thôi). Về số lượng cấp phó của các tổ chức chính trị - xã hội, trước mắt giữ nguyên số lượng cấp phó như hiện nay. Khi Đại hội của mỗi tổ chức thực hiện theo hướng dẫn của cấp có thẩm quyền.
- Đối với các xã không sáp nhập: Số lượng ủy viên ban chấp hành, ban thường vụ của các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh giữ nguyên như hiện nay (không tính số nghỉ hưu, chuyển công tác hoặc có nguyện vọng xin thôi).
Bố trí cán bộ, công chức, viên chức ở cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố kiêm nhiệm cấp phó của các tổ chức chính trị - xã hội ở xã, phường, đặc khu. Khi Đại hội của mỗi tổ chức thực hiện theo hướng dẫn của cấp có thẩm quyền.
Các tổ chức chính trị - xã hội (Công đoàn, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Cựu chiến binh) hoạt động theo Điều lệ của mỗi tổ chức, có con dấu riêng, đảm bảo nguyên tắc các tổ chức chính trị - xã hội hoạt động trực thuộc MTTQ Việt Nam đồng thời phát huy tính chủ động, sáng tạo của mỗi tổ chức (độc lập tương đối). Các tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương, ở tỉnh có trách nhiệm hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, nghiệp vụ công tác đối với các tổ chức chính trị - xã hội ở cấp xã.
2.2.2. Cơ quan tham mưu, giúp việc
Cơ quan Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã do Ban Thường vụ cấp ủy cấp xã quyết định thành lập; là cơ quan tham mưu, giúp việc Ủy ban, Ban Thường trực MTTQ Việt Nam xã và các tổ chức chính trị - xã hội xã thực hiện các quy định của Pháp luật, Điều lệ MTTQ Việt Nam, điều lệ của các tổ chức chính trị - xã hội và các quy định của Đảng, Nhà nước có liên quan (có con dấu và tài khoản riêng).
Biên chế cán bộ lãnh đạo, công chức các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc của Cơ quan Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã (mới): Định hướng khoảng 8 - 10 biên chế (gồm: Chủ tịch, Phó Chủ tịch, công chức giúp việc). Trước mắt có thể bố trí biên chế nhiều hơn (bao gồm cán bộ công tác Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể của huyện, xã hiện có, và có thể một số cán bộ, công chức cấp tỉnh); sau khi hoàn thiện vị trí việc làm, tối đa sau thời gian 05 năm phải thực hiện đúng theo quy định của cấp có thẩm quyền.
2.2.3. Đối với các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ
Tổng số Ủy viên Ban chấp hành, Ban Thường vụ các hội quần chúng không vượt tổng số ủy viên của các xã trước khi thực hiện sáp nhập. Về số lượng cấp phó của mỗi tổ chức, trước mắt giữ nguyên số lượng cấp phó như hiện nay. Đến khi Đại hội của mỗi tổ chức thực hiện theo hướng dẫn của cấp có thẩm quyền.
2.2.4. Đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và thôn, tổ dân phố hiện nay
Kết thúc việc sử dụng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã hiện nay kể từ ngày 01/8/2025. Cấp ủy, chính quyền địa phương có trách nhiệm xem xét, có thể sắp xếp, bố trí người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ tham gia công tác tại thôn, tổ dân phố và thực hiện chế độ, chính sách đối với các trường hợp không bố trí công tác theo quy định của cấp có thẩm quyền. Thôn, tổ dân phố là tổ chức tự quản của cộng đồng dân cư, không phải là cấp hành chính.
2.2.5. Ban Công tác Mặt trận ở Khu dân cư
- Đối với khu dân cư ổn định (không sáp nhập, chia tách): giữ nguyên như hiện nay gồm 09 - 11 người; cơ cấu gồm Trưởng ban, Phó ban và các thành viên là một số Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp cơ sở cư trú ở khu dân cư; đại diện chi ủy; người đứng đầu của các chi hội đoàn thể (Người cao tuổi, Cựu chiến binh, Nông dân, Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Chữ Thập đỏ...); một số người tiêu biểu trong các tầng lớp nhân dân, trong các dân tộc, tôn giáo...
- Đối với khu dân cư có sáp nhập, chia tách: Dưới sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Đảng ủy, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam xã (phường, đặc khu) sau khi thống nhất với Ủy ban nhân dân xã (phường, đặc khu) quyết định thành lập Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư.
2.2.6. Về tổ chức đảng
Thành lập chi bộ cơ quan MTTQ Việt Nam cấp xã trực thuộc Đảng bộ xã, phường.
2.3. Một số nhiệm vụ tiếp tục thực hiện
2.3.1. Đảng ủy MTTQ, các đoàn thể Trung ương
- Chủ trì, phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương và các cơ quan liên quan hướng dẫn chuẩn bị, tổ chức đại hội MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội ngay sau đại hội đảng bộ cấp xã, cấp tỉnh; chuẩn bị Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam các cấp, Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam (theo mô hình mới).
- Xây dựng Đề án trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng công tác của đội ngũ cán bộ trong hệ thống từ Trung ương đến địa phương để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị cơ quan MTTQ Việt Nam các cấp trong tình hình mới.
- Hướng dẫn sắp xếp các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, cấp xã đồng bộ với việc sáp nhập đơn vị hành chính theo Kế hoạch số 47- KH/BCĐ, ngày 14/4/2025 của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết Nghị quyết 18[5] (hoàn thành trước ngày 15/6/2025)
2.3.2. Các tổ chức chính trị - xã hội, các Hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ
- Làm tốt công tác chính trị tư tưởng trong thành viên, hội viên, đoàn viên và nhân dân tạo sự đồng thuận cao trong việc thực sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy.
- Ban hành hướng dẫn tổ chức Đại hội, kiện toàn sắp xếp chuyển giao chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, cán bộ của tổ chức mình đảm bảo quy định của Đảng, Nhà nước, cơ quan có thẩm quyền và phù hợp với tình hình thực tiễn.
2.3.3. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh
- Căn cứ hướng dẫn của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, văn bản của cấp ủy cùng cấp và các văn bản khác liên quan đến việc sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã và việc thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của cơ quan MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ, các quy định về công tác cán bộ của các tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch cụ thể để tham mưu với cấp ủy việc thành lập Ủy ban MTTQ Việt Nam của đơn vị hành chính mới.
- Đề nghị Ban Thường vụ tỉnh, thành ủy xem xét, bố trí công việc, giải quyết chế độ, chính sách đối với những đồng chí thuộc diện quản lý của cấp ủy tỉnh, thành phố (nếu có); xem xét bố trí công việc phù hợp, giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức trong diện dôi dư do việc sắp xếp, sáp nhập và những đồng chí có nguyện vọng nghỉ chế độ trước tuổi theo quy định của Đảng, Nhà nước và các quy định hiện hành.
- Phối hợp với các sở, ban ngành của tỉnh/thành phố hướng dẫn Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện, cấp xã tiến hành thống kê, kiểm tra sổ sách, bàn giao các loại quỹ (nếu có), cơ sở vật chất, trang thiết bị và các công việc khác; tiến hành bàn giao về hồ sơ, sổ sách chuyên môn, tài chính, cơ sở vật chất... của từng đơn vị cấp huyện, cấp xã, để chuẩn bị thủ tục chuyển giao, thành lập Ủy ban MTTQ Việt Nam đơn vị hành chính mới sau khi sáp nhập.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Căn cứ các quy định của Trung ương có liên quan và Hướng dẫn này, ban thường vụ các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương chủ động nghiên cứu, sắp xếp tổ chức bộ máy, quan tâm bố trí cán bộ chú trọng chất lượng, tương quan hợp lý về số lượng giữa các khối ở địa phương, bảo đảm hoạt động của các cơ quan được thông suốt, thực hiện tốt cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ. Tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực, các biểu hiện cá nhân, bè cánh, mất dân chủ, thiếu khách quan, không công bằng trong công tác cán bộ.
Trong thời gian tới, các quy định, hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ đối với tổ chức, hoạt động của bộ máy các cấp vẫn đang được khẩn trương nghiên cứu, hoàn thiện; các nhiệm vụ, yêu cầu của cuộc cách mạng sắp xếp tổ chức bộ máy còn rất lớn và nhiều khó khăn, thực hiện trong thời gian ngắn, Ban Tổ chức Trung ương đề nghị các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương phát huy tinh thần chủ động nghiên cứu, có phương án giải quyết khó khăn ngay tại địa bàn; kịp thời phản ánh về Ban Tổ chức Trung ương, Đảng ủy Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương những vướng mắc phát sinh[6].
| K/T TRƯỞNG BAN |
[1] Theo Mục 3.1, Phần X, Phụ lục kèm theo Kế hoạch 47-KH/BCĐ, ngày 14/4/2025 của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết Nghị quyết 18.
[2] Gồm: (i) Các tổ chức đảng tại các cơ quan tham mưu, giúp việc, đơn vị sự nghiệp của đảng ủy, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội cấp xã; (ii) Các tổ chức đảng cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc chính quyền cấp xã; (iii) Các tổ chức đảng trong doanh nghiệp…
[3] Quy định thi hành Điều lệ Đảng; Nghị quyết số 60-NQ/TW, ngày 12/4/2025 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Chỉ thị số 45-CT/TW và Kết luận số 150-KL/TW, ngày 14/4/2025 của Bộ Chính trị; Kế hoạch số 47-KH/BCĐ, ngày 14/4/2025 của Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 18 về thực hiện sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã và tổ chức hệ thống chính quyền địa phương 02 cấp…
[4] Theo Chỉ thị số 45-CT/TW, Kết luận số 150-KL/TW, ngày 14/4/2025 của Bộ Chính trị và các kết luận, hướng dẫn liên quan của Trung ương.
[5] Kế hoạch số 47-KH/BCĐ, ngày 14/4/2025 của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết Nghị quyết 18 về thực hiện sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã và tổ chức hệ thống chính quyền địa phương 02 cấp.
[6] Ban Tổ chức Trung ương về nội dung liên quan đến mục I (Vụ Tổ chức - Điều lệ); Ban Thường vụ Đảng ủy Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương nội dung liên quan đến mục II (Đồng chí Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Nguyễn Thị Thu Hà, số điện thoại 0904006086; (2) Đồng chí Nông Thị Huyền, Trưởng Ban Tổ chức Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, số điện thoại 0966925688).
- 1Thông tư 19/2025/TT-BQP hướng dẫn thực hiện chính sách, chế độ đối với các đối tượng thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy
- 2Công văn 4738/BTC-TH năm 2025 hướng dẫn chuyển tiếp quản lý các chương trình, nhiệm vụ, dự án, kế hoạch đầu tư công trong quá trình sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy chính quyền địa phương 02 cấp do Bộ Tài chính ban hành
- 3Công văn 03/CV-BCĐ năm 2025 định hướng nhiệm vụ sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp, tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức, viên chức khi thực hiện sắp xếp do Ban Chỉ đạo sắp xếp ĐVHC các cấp và xây dựng mô hình tổ chức CQĐP 02 cấp ban hành
Hướng dẫn 31-HD/BTCTW năm 2025 thành lập tổ chức đảng tương ứng các đơn vị hành chính ở địa phương và sắp xếp tổ chức bộ máy cơ quan Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đoàn thể cấp tỉnh, cấp xã do Ban Tổ chức Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- Số hiệu: 31-HD/BTCTW
- Loại văn bản: Hướng dẫn
- Ngày ban hành: 23/04/2025
- Nơi ban hành: Ban Chấp hành Trung ương
- Người ký: Nguyễn Quang Dương
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 23/04/2025
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra