Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
THANH TRA CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 647/TTCP-KHTH | Hà Nội, ngày 16 tháng 4 năm 2025 |
Kính gửi: Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Thực hiện Kế hoạch thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về Đề án sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả (ban hành kèm theo Quyết định số 755/QĐ-TTg ngày 13 tháng 4 năm 2025 của Thủ tướng Chính phủ), Thanh tra Chính phủ gửi Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương Đề án sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả (kèm theo Văn bản này) để nghiên cứu, thực hiện theo Kết luận số 134-KL/TW ngày 28 tháng 3 năm 2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Kế hoạch ban hành kèm theo Quyết định số 755/QĐ-TTg ngày 13 tháng 4 năm 2025 của Thủ tướng Chính phủ.
Trân trọng!
Nơi nhận: | KT. TỔNG THANH TRA |
SẮP XẾP HỆ THỐNG CƠ QUAN THANH TRA TINH, GỌN, MẠNH, HIỆU NĂNG, HIỆU LỰC, HIỆU QUẢ
- Hiến pháp năm 2013;
- Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”;
- Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập;
- Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức;
- Kết luận số 121-KL/TW ngày 24/01/2025 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII;
- Kết luận số 134-KL/TW ngày 28 tháng 3 năm 2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về Đề án sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả;
- Nghị quyết số 190/2025/QH15 ngày 19/02/2025 của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước;
- Kế hoạch số 141/KH-BCĐTKNQ18 ngày 06/12/2024 của Ban Chỉ đạo Chính phủ tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW về định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ;
- Văn bản số 156-CV/VPĐU ngày 02 tháng 4 năm 2025 của Văn phòng Đảng ủy Chính phủ về việc triển khai các nhiệm vụ do Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao tại Kết luận số 134-KL/TW ngày 28 tháng 3 năm 2025;
- Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức Chính quyền địa phương, Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức và các nghị định hướng dẫn thi hành;
- Luật Thanh tra, Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Phòng, chống tham nhũng và các nghị định hướng dẫn thi hành.
1. Thực trạng tổ chức bộ máy của ngành Thanh tra
Tổ chức, bộ máy của ngành Thanh tra hiện có Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Bộ, ngành Trung ương (sau đây gọi là Thanh tra Bộ), Thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Thanh tra tỉnh), Thanh tra huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi là Thanh tra huyện), Thanh tra sở, ngành (sau đây gọi là Thanh tra sở); tổng số có 105 đơn vị cấp cục, vụ; 2.167 đơn vị cấp phòng với 15.169 công chức; không bao gồm Thanh tra Bộ Quốc phòng, Thanh tra Cơ yếu, Thanh tra Bộ Công an, Thanh tra Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, trong đó:
- Thanh tra Chính phủ có 19 đơn vị cấp cục, vụ; 50 đơn vị cấp phòng với 400 công chức.
- Thanh tra 17 Bộ có 22 đơn vị cấp cục, vụ; 89 đơn vị cấp phòng với 945 công chức; 10 cơ quan thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ, Thanh tra Cơ yếu, 53 cơ quan, đơn vị được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành của 11 Bộ và Thanh tra Bảo hiểm xã hội (có 5 phòng, 47 viên chức).
- Thanh tra tỉnh có 63 đơn vị cấp cục, vụ; 326 đơn vị cấp phòng với 2.304 công chức.
- Thanh tra sở có 1.001 đơn vị cấp phòng với 7.789 công chức.
- Thanh tra huyện có 696 đơn vị cấp phòng với 3.684 công chức.
2. Tình hình thực hiện nhiệm vụ
Thanh tra Chính phủ và ngành Thanh tra thực hiện chức năng quản lý nhà nước và trực tiếp tiến hành thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Trong những năm qua, Thanh tra Chính phủ và ngành Thanh tra đã bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để triển khai thực hiện nhiệm vụ và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, phòng ngừa, phát hiện, xử lý vi phạm, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội để phát triển kinh tế đất nước:
- Kết quả công tác thanh tra giai đoạn 2021-2024: ngành Thanh tra đã triển khai 712.883 cuộc thanh tra, kiểm tra; đã phát hiện vi phạm về kinh tế 573.588 tỷ đồng, 1.890 ha đất; kiến nghị xử lý hành chính 32.125 tập thể và 55.101 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra 1.532 vụ việc, 1.212 đối tượng; kiến nghị sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ nhiều văn bản về cơ chế, chính sách, pháp luật. Riêng Thanh tra Chính phủ chỉ với 400 công chức đã phát hiện sai phạm về kinh tế và chuyển cơ quan điều tra nhiều gấp 04 lần so với Thanh tra địa phương với 13.777 công chức. Nếu tính theo số lượng công chức thì kết quả phát hiện, kiến nghị xử lý của Thanh tra Chính phủ gấp 137,7 lần so với Thanh tra địa phương, gấp 93,5 lần so Thanh tra các Bộ, ngành Trung ương.
- Trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo: giai đoạn 2021-2024 đã tiếp 1.365.380 lượt người, có 11.715 đoàn đông người; tiếp nhận, xử lý 1.589.787 đơn các loại; giải quyết 91.371 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt tỷ lệ 85,8%, góp phần bảo vệ lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tạo sự ổn định chính trị, an ninh trật tự phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
- Trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực giai đoạn 2021-2024, ngành Thanh tra đã tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả chương trình, kế hoạch công tác, kết luận, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; qua công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo đã phát hiện, chuyển cơ quan điều tra 1.652 vụ việc, 1.350 đối tượng có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự. Nhất là Thanh tra Chính phủ đã phát hiện và kiến nghị chuyển cơ quan điều tra nhiều vụ việc sai phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, được Ban Chỉ đạo Trung ương đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo.
Tuy nhiên, công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực của ngành Thanh tra còn nhiều tồn tại, hạn chế, nhất là về tổ chức bộ máy và hoạt động của Thanh tra Bộ, Thanh tra tỉnh, Thanh tra sở, Thanh tra huyện còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và việc sắp xếp tổ chức bộ máy tinh, gọn theo Nghị quyết số 18-NQ/TW của Trung ương, cụ thể như:
- Tổ chức, bộ máy của ngành Thanh tra hiện nay cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối bên trong, số lượng công chức lớn nhưng hiệu quả, hiệu lực chưa tương xứng. Thanh tra Bộ và Thanh tra địa phương chưa bảo đảm tính độc lập, khách quan trong thực thi công vụ, có lúc, có nơi bị chi phối của Thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước cùng cấp nên kết quả công tác thanh tra, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, kiểm soát quyền lực còn hạn chế.
- Hoạt động của các cơ quan thanh tra theo ngành, lĩnh vực và theo cấp hành chính còn nhiều chồng chéo, trùng lắp, giao thoa. Mặc dù hằng năm Thanh tra Chính phủ đã hướng dẫn, chỉ đạo Thanh tra Bộ, địa phương xây dựng kế hoạch thanh tra theo Định hướng chương trình thanh tra được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhưng thực tế vẫn còn tình trạng chồng chéo, trùng lắp về đối tượng, nội dung thanh tra, nhất là đối với Thanh tra Bộ, Thanh tra sở, Thanh tra huyện.
- Một bộ phận công chức làm công tác thanh tra còn hạn chế về năng lực, chuyên môn nghiệp vụ, thiếu tính chuyên nghiệp, nhất là Thanh tra sở, huyện nên cần rà soát, sắp xếp, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ để lựa chọn những người tâm huyết, trách nhiệm, có bản lĩnh, phẩm chất, tinh thông nghiệp vụ làm công tác thanh tra.
Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về tinh gọn tổ chức bộ máy theo Nghị quyết số 18-NQ/TW, đồng thời đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các Bộ, ngành, địa phương, đặt ra yêu cầu phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát nhằm bảo đảm trật tự, kỷ cương, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, kiểm soát quyền lực. Do vậy, cần phải tổ chức, sắp xếp, cơ cấu lại các cơ quan thanh tra của ngành Thanh tra tập trung, thống nhất, chuyên nghiệp theo hướng tinh, gọn, mạnh, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.
QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU, NGUYÊN TẮC SẮP XẾP, TINH GỌN CÁC CƠ QUAN THANH TRA
1. Quán triệt và thực hiện hiệu quả chủ trương, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh, gọn, mạnh, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả theo Nghị quyết số 18-NQ/TW.
2. Kế thừa và đổi mới trong quá trình sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức bộ máy của ngành Thanh tra tập trung, thống nhất, tinh gọn về một đầu mối theo 02 cấp ở Trung ương và địa phương; khắc phục những bất cập, hạn chế, chồng chéo, trùng lắp trong tổ chức, hoạt động của các cơ quan thanh tra như hiện nay.
3. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát nhằm bảo đảm trật tự, kỷ cương, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, kiểm soát quyền lực khi thực hiện đẩy mạnh phân cấp, phân quyền.
Tổ chức, sắp xếp, cơ cấu lại các cơ quan thanh tra của ngành Thanh tra tập trung, thống nhất, tinh gọn về một đầu mối theo 02 cấp ở Trung ương và địa phương đảm bảo mục tiêu giảm đầu mối, giảm tầng nấc, tinh gọn biên chế; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của ngành Thanh tra.
1. Việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của ngành Thanh tra đảm bảo tinh, gọn, mạnh, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; nâng cao tính độc lập trong thực thi công vụ, kiểm soát quyền lực khi thực hiện phân cấp, phân quyền.
2. Quá trình thực hiện sắp xếp, cơ cấu lại các cơ quan thanh tra của ngành Thanh tra phải kế thừa và đổi mới, đảm bảo tính liên tục, không gián đoạn, không bỏ sót trong thực hiện nhiệm vụ; khắc phục những bất cập, hạn chế, chồng chéo, trùng lắp trong tổ chức, hoạt động thanh tra.
3. Trong quá trình triển khai thực hiện Đề án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của ngành Thanh tra, Thanh tra Chính phủ và Tỉnh ủy, Thành ủy, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố phối hợp chặt chẽ với Bộ Nội vụ và các Bộ, ngành liên quan rà soát, đánh giá, lựa chọn cán bộ có tâm, có tâm, có bản lĩnh, phẩm chất chính trị, tinh thông nghiệp vụ để bố trí, sắp xếp vào đội ngũ làm công tác thanh tra.
4. Tiếp tục duy trì hoạt động và tổ chức Thanh tra Bộ Quốc phòng, Thanh tra Cơ yếu, Thanh tra Bộ Công an, Thanh tra Ngân hàng Nhà nước và 04 cơ quan thanh tra được tổ chức theo điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia là thành viên (Thanh tra Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, Thanh tra Cục Hàng hải Việt Nam, Thanh tra Cục Hàng không Việt Nam, Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước).
CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ VÀ MÔ HÌNH TỔ CHỨC BỘ MÁY CỦA NGÀNH THANH TRA
Thanh tra Chính phủ có chức năng quản lý nhà nước về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong phạm vi cả nước; thực hiện nhiệm vụ thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực theo quy định của pháp luật.
Thực hiện Kết luận số 134-KL/TW ngày 28 tháng 3 năm 2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về Đề án sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả và Văn bản số 156-CV/VPĐU ngày 02 tháng 4 năm 2025 của Văn phòng Đảng ủy Chính phủ về việc triển khai các nhiệm vụ do Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao tại Kết luận số 134-KL/TW ngày 28 tháng 3 năm 2025, Ban Thường vụ Đảng ủy Thanh tra Chính phủ xây dựng mô hình tổ chức bộ máy ngành Thanh tra tập trung, thống nhất, tinh gọn về một đầu mối theo 02 cấp ở Trung ương và địa phương, cụ thể là:
- Ở Trung ương:
+ Kết thúc hoạt động 05 đơn vị cấp vụ của Thanh tra Chính phủ và 12 Thanh tra Bộ; hợp nhất Trường Cán bộ Thanh tra và Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra để sắp xếp, tổ chức thành các Cục Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực theo ngành, lĩnh vực và đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Thanh tra Chính phủ.
+ Tiếp tục duy trì tổ chức và hoạt động đối với: Thanh tra Bộ Quốc phòng, Thanh tra Bộ Công an, Thanh tra Ngân hàng nhà nước, Thanh tra Cơ yếu; Thanh tra Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, Thanh tra Cục Hàng hải Việt Nam, Thanh tra Cục Hàng không Việt Nam, Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
+ Kết thúc hoạt động của các cơ quan thanh tra: Cục Bổ trợ tư pháp, Kho bạc Nhà nước, Cục Dự trữ Nhà nước, Cục Thống kê; không thành lập cơ quan thanh tra Cục Giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên. Các cục nêu trên thực hiện chức năng kiểm tra chuyên ngành theo quy định của pháp luật.
+ Bảo hiểm xã hội Việt Nam và 53 cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành (có chi tiết kèm theo); không tổ chức thanh tra chuyên ngành mà thực hiện chức năng kiểm tra chuyên ngành và chức năng khác theo quy định của pháp luật.
- Ở địa phương:
+ Kết thúc hoạt động 696 Thanh tra huyện và 1.001 Thanh tra sở, tổ chức lại thành các tổ chức thuộc Thanh tra tỉnh.
+ Về hoạt động của tổ chức đảng: Đảng bộ Thanh tra tỉnh là Đảng bộ cơ sở trực thuộc Đảng ủy Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố.
Sau sắp xếp, tinh gọn, tổ chức bộ máy của ngành Thanh tra còn 86 đầu mối cấp cục, vụ, giảm 19 đơn vị cấp cục, vụ, bằng 18,1%; còn 685 đơn vị cấp phòng, giảm 1.477 đơn vị cấp phòng, bằng 68,3%; còn 9.500 công chức, giảm 5.622 công chức, bằng 37,2% so với trước khi sắp xếp, tinh gọn.
Tổ chức bộ máy của ngành Thanh tra theo 02 cấp gồm: Thanh tra Chính phủ và Thanh tra tỉnh, cụ thể như sau:
1. Thanh tra Chính phủ: có 22 đơn vị cấp cục, vụ với 127 phòng và 1.700 công chức, gồm:
a) Có 05 đơn vị tham mưu tổng hợp với tổng số 07 phòng thuộc Văn phòng, 210 công chức:
(1) Văn phòng;
(2) Vụ Tổ chức cán bộ;
(3) Vụ Pháp chế;
(4) Vụ Hợp tác quốc tế;
(5) Vụ Kế hoạch - Tài chính.
b) Có 15 đơn vị thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực theo lĩnh vực, địa bàn với tổng số 101 phòng, 1.490 công chức:
(1) Cục Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo khu vực phía Bắc (Cục I);
(2) Cục Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo khu vực Miền Trung (Cục II);
(3) Cục Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo khu vực phía Nam (Cục III);
(4) Cục Phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực (Cục IV);
(5) Cục Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo lĩnh vực nội chính, nội vụ, dân tộc, tôn giáo (Cục V);
(6) Cục Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo lĩnh vực tài chính, ngân hàng (Cục VI);
(7) Cục Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo lĩnh vực xây dựng (Cục VII);
(8) Cục Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo lĩnh vực nông nghiệp và môi trường (Cục VIII);
(9) Cục Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo lĩnh vực công thương (Cục IX);
(10) Cục Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo lĩnh vực y tế, giáo dục (Cục X);
(11) Cục Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch, ngoại giao (Cục XI);
(12) Cục Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo lĩnh vực khoa học và công nghệ (Cục XII);
(13) Cục Giám sát và Thẩm định (Cục XIII);
(14) Cục Theo dõi, đôn đốc và Xử lý sau thanh tra (Cục XIV);
(15) Ban Tiếp công dân trung ương.
c) Có 02 đơn vị sự nghiệp công lập với tổng số 19 phòng, 200 viên chức:
(1) Báo Thanh tra;
(2) Trường Cán bộ Thanh tra.
2. Thanh tra tỉnh: có 63 Thanh tra tỉnh với 558 phòng và 7.800 công chức.
3. Về tổ chức đảng
- Đảng bộ Thanh tra Chính phủ trực thuộc Đảng ủy Chính phủ.
- Đảng bộ Thanh tra tỉnh là Đảng bộ cơ sở trực thuộc Đảng ủy Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố. Người đứng đầu Thanh tra tỉnh đồng thời là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra tỉnh ủy, thành ủy (kiêm nhiệm), Thành viên Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực theo quy định của Đảng.
1. Ưu điểm của việc sắp xếp, tổ chức bộ máy cơ quan thanh tra
a) Thực hiện Đề án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của các cơ quan thanh tra tập trung, thống nhất, tinh gọn về một đầu mối theo 02 cấp ở Trung ương và địa phương đảm bảo mục tiêu giảm đầu mối, giảm tầng nấc và biên chế theo Nghị quyết số 18-NQ/TW và khắc phục những tồn tại, hạn chế, chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh tra.
b) Hoạt động của Thanh tra Chính phủ và Thanh tra tỉnh tham mưu giúp Ban Chỉ đạo Trung ương và Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trong công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, kiểm soát quyền lực khi đẩy mạnh phân cấp, phân quyền.
c) Thông qua rà soát, sắp xếp, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ ngành Thanh tra là điều kiện để lựa chọn được những cán bộ có bản lĩnh, có năng lực, kinh nghiệm chuyên môn, tâm huyết với nghề nghiệp, đạo đức trong công vụ để tiếp tục bố trí làm việc trong ngành Thanh tra.
2. Ảnh hưởng của việc sắp xếp, tổ chức bộ máy cơ quan thanh tra
a) Có sự xáo trộn về tổ chức, bộ máy; các bộ, ngành, sở, huyện không còn cơ quan thanh tra nên có sự thay đổi đơn vị tham mưu, thực hiện công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo thì giao Văn phòng Bộ, Văn phòng hoặc Phòng Tổ chức-hành chính thuộc Sở thực hiện tham mưu công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
b) Một số quy định pháp luật về tổ chức, hoạt động thanh tra và liên quan không còn phù hợp khi thực hiện Đề án cần phải rà soát để sửa đổi, bổ sung; nhất là việc chuyển chức năng thanh tra chuyên ngành thành kiểm tra chuyên ngành tại các Bộ, ngành, sở không còn tổ chức thanh tra. Thanh tra Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ và các Bộ, ngành, địa phương sẽ tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật để đảm bảo các cơ quan thanh tra hoạt động liên tục, không bị gián đoạn.
c) Sau khi sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy đặt ra yêu cầu người đứng đầu cấp ủy, cơ quan phải đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo nhằm phòng ngừa, phát hiện sai phạm, hạn chế, bất cập phát sinh trong hoạt động của bộ máy, nhất là các cơ quan không còn tổ chức thanh tra để đảm bảo bộ máy hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.
d) Tư tưởng, tâm lý của đội ngũ cán bộ, công chức khi không được bố trí, sắp xếp để tiếp tục làm công tác thanh tra.
Thanh tra Chính phủ phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tổ chức quán triệt, nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận, chuyển biến tích cực về tư tưởng và hành động trong việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy cơ quan thanh tra theo yêu cầu của Nghị quyết số 18-NQ/TW.
1. Thanh tra Chính phủ đã và đang phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ và các Bộ, ngành rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan để chuẩn bị nội dung, tham mưu Ban Thường vụ Đảng ủy Chính phủ chủ trì, phối hợp với Ban Thường vụ Đảng ủy Quốc hội và các cơ quan liên quan lãnh đạo, chỉ đạo việc hoàn thiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực...; đồng thời, bảo đảm phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, trách nhiệm, mối quan hệ công tác giữa các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra, kiểm tra, kiểm toán. Nhất là, sửa đổi Luật Thanh tra theo hướng tăng thẩm quyền của Thanh tra Chính phủ về chỉ đạo công tác chuyên môn và công tác cán bộ khi thực hiện phân cấp, phân quyền cho các địa phương để kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật chuyên ngành và Luật Xử lý vi phạm hành chính để hoạt động kiểm tra chuyên ngành của các Bộ không có Thanh tra Bộ và Bảo hiểm xã hội Việt Nam thực hiện đúng theo quy định pháp luật.
2. Thanh tra Chính phủ phối hợp với Bộ Nội vụ, Văn phòng Chính phủ xây dựng dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thanh tra Chính phủ cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức bộ máy mới.
1. Thanh tra Chính phủ phối hợp với Bộ Nội vụ và các Bộ, ngành liên quan tiến hành tổ chức, sắp xếp nhân sự của 12 Thanh tra Bộ về các đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ theo Đề án. Ban Thường vụ Đảng ủy Thanh tra Chính phủ phối hợp với Ban Thường vụ Đảng ủy các Bộ rà soát, đánh giá, phân loại cán bộ và thống nhất về danh sách cán bộ chuyển về Thanh tra Chính phủ theo quy định của Đảng và Nhà nước khi tiến hành sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy theo Nghị quyết số 18-NQ/TW.
2. Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với Bộ Nội vụ và Thanh tra Chính phủ tiến hành tổ chức, sắp xếp nhân sự Thanh tra huyện, Thanh tra sở về Thanh tra tỉnh theo Đề án. Ban Thường vụ Đảng ủy UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Thanh tra tỉnh, các sở, ngành, UBND cấp huyện rà soát, đánh giá, phân loại cán bộ và thống nhất về danh sách cán bộ chuyển về Thanh tra tỉnh theo quy định của Đảng và Nhà nước khi tiến hành sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy theo Nghị quyết số 18-NQ/TW.
IV. Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan sau sắp xếp
1. Đối với Thanh tra Chính phủ: sau khi sắp xếp, tổ chức Thanh tra Bộ vào một đầu mối về Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Chính phủ tiếp nhận và thực hiện chức năng, nhiệm vụ thanh tra của Thanh tra các Bộ; sẽ nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực so với trước khi sắp xếp.
2. Đối với Bộ, ngành Trung ương
- Khi tổ chức sắp xếp Thanh tra Bộ về Thanh tra Chính phủ, 12 Bộ không còn Thanh tra Bộ sẽ thực hiện chức năng, nhiệm vụ kiểm tra trong phạm vi quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật.
- Tiếp tục duy trì tổ chức và hoạt động đối với: Thanh tra Bộ Quốc phòng, Thanh tra Bộ Công an, Thanh tra Ngân hàng nhà nước, Thanh tra Cơ yếu, Thanh tra Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, Thanh tra Cục Hàng hải Việt Nam, Thanh tra Cục Hàng không Việt Nam, Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
- Kết thúc hoạt động của các cơ quan thanh tra: Cục Bổ trợ tư pháp, Kho bạc Nhà nước, Cục Dự trữ Nhà nước, Cục Thống kê; không thành lập cơ quan Thanh tra Cục Giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên. Các cục nêu trên thực hiện chức năng kiểm tra chuyên ngành theo quy định của pháp luật.
- Bảo hiểm xã hội Việt Nam và 53 cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành: không tổ chức thanh tra chuyên ngành mà thực hiện chức năng kiểm tra chuyên ngành và chức năng khác theo quy định của pháp luật.
- Thường xuyên tiến hành kiểm tra nội bộ để xem xét, đánh giá việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý.
- Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ giao Văn phòng Bộ tham mưu thực hiện công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; giao đơn vị chuyên môn tham mưu công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực theo quy định của pháp luật.
3. Đối với các địa phương: khi tổ chức, sắp xếp Thanh tra huyện, Thanh tra sở về Thanh tra tỉnh, Thủ trưởng các sở, ngành giao đơn vị chuyên môn tham mưu thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực theo quy định của pháp luật; giao Văn phòng hoặc Phòng Tổ chức-hành chính tham mưu công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
- Đối với Thanh tra tỉnh: sau khi sắp xếp, tổ chức Thanh tra sở, Thanh tra huyện về Thanh tra tỉnh, Thanh tra tỉnh tiếp tục thực hiện chức năng, nhiệm vụ thanh tra của Thanh tra huyện, Thanh tra sở.
- Đối với các sở, ngành có chức năng thanh tra chuyên ngành thì chuyển chức năng thanh tra chuyên ngành thành kiểm tra chuyên ngành.
4. Các Bộ, địa phương chủ động sắp xếp, tổ chức bộ máy bên trong, bảo đảm người đứng đầu cấp ủy, cơ quan chủ động lãnh đạo, chỉ đạo về phòng ngừa, phát hiện sai phạm, hạn chế, bất cập phát sinh trong hoạt động của bộ máy.
5. Ban Thường vụ Đảng ủy Thanh tra Chính phủ phối hợp với Ban Thường vụ Đảng ủy các Bộ, tỉnh, thành phố xây dựng Quy chế phối hợp giữa cơ quan thanh tra với các Bộ, ngành, địa phương về công tác thanh tra: Sau khi Quốc hội, Chính phủ ban hành văn bản pháp luật quy định về chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền và cơ cấu tổ chức của Thanh tra Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương, Ban Thường vụ Đảng ủy Thanh tra Chính phủ sẽ báo cáo Đảng ủy Chính phủ xây dựng Quy chế phối hợp giữa cơ quan thanh tra với các Bộ, ngành, địa phương về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, nhất là cơ chế phát hiện, xử lý các vi phạm được phát hiện trong lĩnh vực, phạm vi quản lý nhà nước của Bộ, ngành, địa phương.
Trước mắt sử dụng trụ sở và cơ sở vật chất của Thanh tra Chính phủ, Thanh tra tỉnh và các trụ sở của cơ quan nhà nước dôi dư sau sắp xếp theo Nghị quyết số 18-NQ/TW.
Về lâu dài, Thanh tra Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố sẽ phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để xây dựng phương án đảm bảo cho Thanh tra Chính phủ và Thanh tra các tỉnh, thành phố có điều kiện làm việc hiệu quả.
Trên đây là Đề án sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả theo Nghị quyết số 18-NQ/TW của Trung ương, Kết luận số 121-KL/TW ngày 24 tháng 01 năm 2025 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW, Kết luận số 134-KL/TW ngày 28 tháng 3 năm 2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
(Có Phụ lục kèm theo)
TỔ CHỨC BỘ MÁY VÀ BIÊN CHẾ NGÀNH THANH TRA SAU KHI SẮP XẾP
(Kèm theo Đề án)
| Tên đơn vị | Tổ chức và biên chế | Ghi chú | ||
Tổng số đầu mối cấp vụ, cục | Tổng số cấp phòng | Tổng số công chức | |||
| THANH TRA TỈNH, THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG | 63 | 558 | 7.800 |
|
1 | Thanh tra Thành phố Hồ Chí Minh | 1 | 12 | 390 |
|
2 | Thanh tra Tp Hà Nội | 1 | 11 | 280 |
|
3 | Thanh tra Tp Hải Phòng | 1 | 10 | 150 |
|
4 | Thanh tra Thanh Hóa | 1 | 10 | 150 |
|
5 | Thanh tra Nghệ An | 1 | 9 | 135 |
|
6 | Thanh tra tỉnh Đồng Nai | 1 | 9 | 135 |
|
7 | Thanh tra tỉnh Kiên Giang | 1 | 9 | 130 |
|
8 | Thanh tra tỉnh An Giang | 1 | 9 | 130 |
|
9 | Thanh tra tỉnh Đắk Lắk | 1 | 9 | 130 |
|
10 | Thanh tra tỉnh Long An | 1 | 9 | 120 |
|
11 | Thanh tra thành phố Cần Thơ | 1 | 10 | 140 |
|
12 | Thanh tra tỉnh Quảng Ninh | 1 | 10 | 140 |
|
13 | Thanh tra tỉnh Phú Thọ | 1 | 9 | 130 |
|
14 | Thanh tra tỉnh Tiền Giang | 1 | 9 | 120 |
|
15 | Thanh tra tỉnh Sóc Trăng | 1 | 9 | 120 |
|
16 | Thanh tra tỉnh Đồng Tháp | 1 | 9 | 120 |
|
17 | Thanh tra tỉnh Bình Định | 1 | 9 | 120 |
|
18 | Thanh tra tỉnh Bắc Giang | 1 | 9 | 120 |
|
19 | Thanh tra tỉnh Quảng Nam | 1 | 9 | 120 |
|
20 | Thanh tra tỉnh Cà Mau | 1 | 9 | 120 |
|
21 | Thanh tra tỉnh Lâm Đồng | 1 | 9 | 120 |
|
22 | Thanh tra tỉnh Huế | 1 | 9 | 120 |
|
23 | Thanh tra tỉnh Bình Dương | 1 | 9 | 120 |
|
24 | Thanh tra tinh Vĩnh Long | 1 | 9 | 120 |
|
25 | Thanh tra tỉnh Hải Dương | 1 | 9 | 120 |
|
26 | Thanh tra tỉnh Yên Bái | 1 | 9 | 120 |
|
27 | Thanh tra tỉnh Hòa Bình | 1 | 9 | 120 |
|
28 | Thanh tra tỉnh Quảng Ngãi | 1 | 9 | 120 |
|
29 | Thanh tra tỉnh Khánh Hòa | 1 | 9 | 120 |
|
30 | Thanh tra tỉnh tỉnh Nam Định | 1 | 9 | 120 |
|
31 | Thanh tra tỉnh Bạc Liêu | 1 | 9 | 120 |
|
32 | Thanh tra tỉnh Lào Cai | 1 | 9 | 120 |
|
33 | Thanh tra tỉnh Lạng Sơn | 1 | 9 | 120 |
|
34 | Thanh tra tỉnh Gia Lai | 1 | 9 | 120 |
|
35 | Thanh tra tỉnh Sơn La | 1 | 9 | 120 |
|
36 | Thanh tra tỉnh Thái Bình | 1 | 9 | 120 |
|
37 | Thanh tra tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu | 1 | 9 | 120 |
|
38 | Thanh tra tỉnh Hà Tĩnh | 1 | 9 | 120 |
|
39 | Thanh tra tỉnh Điện Biên | 1 | 9 | 120 |
|
40 | Thanh tra tỉnh Thái Nguyên | 1 | 9 | 120 |
|
41 | Thanh tra tỉnh Bến Tre | 1 | 9 | 120 |
|
42 | Thanh tra tỉnh Bắc Ninh | 1 | 9 | 120 |
|
43 | Thanh tra tỉnh Trà Vinh | 1 | 9 | 120 |
|
44 | Thanh tra tỉnh Hưng Yên | 1 | 9 | 120 |
|
45 | Thanh tra tỉnh Ninh Bình | 1 | 9 | 120 |
|
46 | Thanh tra tỉnh Cao Bằng | 1 | 8 | 100 |
|
47 | Thanh tra tỉnh Đắk Nông | 1 | 8 | 100 |
|
48 | Thanh tra tỉnh Tây Ninh | 1 | 8 | 100 |
|
49 | Thanh tra tỉnh Ninh Thuận | 1 | 8 | 100 |
|
50 | Thanh tra tỉnh Vĩnh Phúc | 1 | 8 | 100 |
|
51 | Thanh tra tỉnh Đà Nẵng | 1 | 8 | 100 |
|
52 | Thanh tra tỉnh Tuyên Quang | 1 | 8 | 100 |
|
53 | Thanh tra tỉnh Lai Châu | 1 | 8 | 100 |
|
54 | Thanh tra tỉnh Phú Yên | 1 | 8 | 100 |
|
55 | Thanh tra tỉnh Bình Phước | 1 | 8 | 100 |
|
56 | Thanh tra tỉnh Hà Nam | 1 | 8 | 100 |
|
57 | Thanh tra tỉnh Kon Tum | 1 | 8 | 100 |
|
58 | Thanh tra tỉnh Quảng Bình | 1 | 8 | 100 |
|
59 | Thanh tra tỉnh Hậu Giang | 1 | 8 | 100 |
|
60 | Thanh tra tỉnh Hà Giang | 1 | 8 | 100 |
|
61 | Thanh tra tỉnh Bình Thuận | 1 | 8 | 100 |
|
62 | Thanh tra tỉnh Quảng Trị | 1 | 8 | 100 |
|
63 | Thanh tra tỉnh Bắc Kạn | 1 | 8 | 100 |
|
- 1Quyết định 1403/QĐ-TTg năm 2024 thành lập Ban Chỉ đạo về tổng kết thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả" do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Quyết định 138/QĐ-BCĐTKNQ18 năm 2024 Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ đạo về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW về " Một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả"
Công văn 647/TTCP-KHTH năm 2025 gửi Đề án sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả do Thanh tra Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 647/TTCP-KHTH
- Loại văn bản: Công văn
- Ngày ban hành: 16/04/2025
- Nơi ban hành: Thanh tra Chính phủ
- Người ký: Lê Tiến Đạt
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 16/04/2025
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra