Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH SÓC TRĂNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 09/CT-UBND

Sóc Trăng, ngày 11 tháng 4 năm 2025

 

CHỈ THỊ

VỀ ĐẨY MẠNH PHÒNG, CHỐNG LÃNG PHÍ, KHƠI THÔNG NGUỒN LỰC, THÚC ĐẨY TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ

Thực hiện Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 17/3/2025 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh phòng, chống lãng phí, khơi thông nguồn lực, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế,

Để tiếp tục đẩy mạnh phòng, chống lãng phí, khơi thông nguồn lực, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố (địa phương) tập trung thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp sau đây:

1. Thống nhất nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của công tác phòng, chống lãng phí

a) Xác định phòng, chống lãng phí là nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị, đòi hỏi sự tham gia, đóng góp một cách có trách nhiệm của tất cả các cơ quan, đơn vị, địa phương.

b) Công tác phòng, chống lãng phí phải được thể hiện rõ nét qua những cam kết, kế hoạch, có tiến độ, có chỉ tiêu cụ thể, tập trung giải quyết triệt để các nguyên nhân dẫn đến lãng phí và phải được tiến hành thường xuyên. Kế hoạch thực hiện phải đảm bảo 5 rõ (rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ trách nhiệm, rõ kết quả).

c) Tập trung thông tin tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong công tác phòng, chống lãng phí. Tích cực thông tin, tuyên truyền gương người tốt, việc tốt; bám sát thực tiễn, tăng cường cung cấp thông tin góp phần ổn định dư luận xã hội, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển.

d) Các sở, ngành, địa phương gắn kết các kết quả từ công tác phòng, chống lãng phí với việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% trở lên năm 2025 và tăng trưởng kinh tế hai con số trong giai đoạn 2026 - 2030; xác định kết quả thu được từ công tác phòng, chống lãng phí là nguồn lực quan trọng, góp phần thúc đẩy các động lực tăng trưởng để thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế bên cạnh các động lực tăng trưởng truyền thống khác.

2. Tiếp tục rà soát, khẩn trương phối hợp Bộ, ngành Trung ương hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật trên các lĩnh vực quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống lãng phí

a) Giao Sở Tài chính

Rà soát các quy định về cơ chế quản lý kinh tế - xã hội; tập trung vào những lĩnh vực dễ phát sinh lãng phí như: Quản lý ngân sách nhà nước, tài sản công; quản lý, sử dụng vốn đầu tư công; quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp.

b) Giao Sở Khoa học và Công nghệ

- Rà soát, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành trong ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để giảm thiểu lãng phí. Rà soát, sửa đổi kịp thời các quy định không còn phù hợp, tạo hành lang cho các mô hình kinh tế mới như kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn, trí tuệ nhân tạo,...

- Chủ trì, kết nối các sở, ngành, địa phương thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh theo Thông báo số 557-TB/VPTU ngày 21/3/2025 Thông báo ý kiến của đồng chí Lâm Văn Mẫn, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo tỉnh về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

c) Giao các cơ quan, đơn vị, địa phương

Rà soát các định mức kinh tế - kỹ thuật không còn phù hợp với thực tiễn của địa phương; tập trung vào những lĩnh vực dễ phát sinh lãng phí như: Xây dựng, đất đai, tài nguyên (bao gồm cả tài nguyên tái tạo), khoáng sản, năng lượng; tín dụng, ngân hàng; tổ chức bộ máy, quản lý nguồn nhân lực...

3. Rà soát các dự án lãng phí, kéo dài và đề xuất cơ chế, chính sách xử lý phù hợp, kịp thời, hiệu quả

a) Giao Sở Nông nghiệp và Môi trường

Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và đơn vị liên quan kịp thời hướng dẫn các nhà thầu, doanh nghiệp khai thác cát trong việc thực hiện các thủ tục cấp mỏ cát theo quy định. Thường xuyên kiểm tra, giám các hoạt động khai thác cát của các nhà thầu, doanh nghiệp để cung cấp cát cho các công trình trọng điểm của quốc gia.

b) Sở Xây dựng

- Rà soát các quy định liên quan, tiêu chuẩn kỹ thuật, văn bản của các Bộ, Ngành Trung ương, hướng dẫn Ban Quản lý dự án 2 sử dụng cát nhiễm mặn đảm bảo yêu cầu kỹ thuật và chất lượng công trình.

- Đồng thời, xem xét công bố giá các mỏ thương mại theo quy định.

c) Giao Ban Quản lý dự án 2

- Phối hợp các Sở Nông nghiệp và Môi trường, Sở Xây dựng, đơn vị có liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh có văn bản kiến nghị các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long,...rà soát các mỏ cát đã giao cho các dự án cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang, Hậu Giang - Cà Mau mà không sử dụng hết trữ lượng, xem xét điều chuyển sang Dự án thành phần 4 thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 để đảm bảo nguồn cung vật liệu và tiến độ dự án.

- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Môi trường, Ủy ban nhân dân các huyện (hoặc xã) có công trình đi qua tổ chức, phối hợp Tổng công ty truyền tải điện quốc gia thống nhất nhận tiền bồi thường các công trình di dời điện cao thế theo quy định của pháp luật đất đai; đồng thời, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện Thông báo số 94/TB-VPCP ngày 10/3/2025 của Văn phòng Chính phủ về ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà trong chuyến công tác tại tỉnh Đồng Tháp để thúc đẩy tiến độ các dự án giao thông trọng điểm phía Nam (đối với các nội dung thuộc thẩm quyền tham mưu của Chủ đầu tư).

d) Giao Thanh tra tỉnh

Tổ chức thực hiện thanh tra chuyên đề trong một số lĩnh vực quản lý, sử dụng nguồn lực tài chính, tài sản công có khả năng gây thất thoát, lãng phí nhằm phát hiện, xử lý kịp thời, hạn chế các sai phạm đối với các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn lực tài chính, tài sản công.

đ) Giao các cơ quan, đơn vị, địa phương

Thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tại Công văn số 903/UBND-TH ngày 24/3/2025; đối với các dự án trên địa bàn/lĩnh vực chậm tiến độ, chậm đưa vào sử dụng, có nguy cơ gây lãng phí cần phân định làm rõ các nhóm nguyên nhân, phương án xử lý và cấp có thẩm quyền xử lý, khẩn trương giải quyết dứt điểm, sớm đưa vào khai thác, sử dụng, không để lãng phí nguồn lực của Nhà nước và Nhân dân.

4. Rà soát, sửa đổi các thủ tục hành chính rườm rà, gây ách tắc, lãng phí nguồn lực; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền

a) Giao Sở Khoa học và Công nghệ

Chủ trì phối hợp, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai các nhóm dịch vụ công trực tuyến liên thông, ưu tiên rà soát tái cấu trúc quy trình tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia; 100% hồ sơ thủ tục hành chính phải được tiếp nhận, giải quyết trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh và đồng bộ với Cổng dịch vụ công quốc gia.

b) Giao Công an tỉnh: Đẩy mạnh triển khai Đề án 06 ở tất cả các cấp, các ngành, các địa phương.

c) Các sở, ban, ngành và địa phương quán triệt thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ cải cách triệt để, giảm tối đa thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ của người dân, doanh nghiệp; các sở, ban, ngành cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện rà soát các nhiệm vụ quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực tham mưu đề xuất cấp thẩm quyền đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, gắn liền với tăng cường giám sát, kiểm tra, đôn đốc trong giải quyết thủ tục hành chính để giảm tầng nấc trung gian, chấm dứt tình trạng kéo dài thời gian giải quyết qua nhiều cơ quan, đơn vị. Thực hiện nghiêm công bố, công khai, minh bạch, đầy đủ thủ tục hành chính, số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo quy định.

5. Thực hiện quản trị thông minh và chuyển đổi số ở tất cả các cơ quan, đơn vị, địa phương

a) Giao Sở Khoa học và Công nghệ

Chủ trì, phối hợp, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương đẩy nhanh việc ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data) vào công tác quản lý, giám sát; đồng thời, đồng bộ hóa hạ tầng số, liên thông hệ thống dữ liệu giữa các cơ quan để tránh tình trạng mỗi đơn vị vận hành một hệ thống riêng lẻ, dẫn đến phân mảnh dữ liệu, gây khó khăn trong quản lý và khai thác thông tin.

b) Các sở, ban, ngành và địa phương thực hiện quản trị thông minh và chuyển đổi số là giải pháp đột phá để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, giúp minh bạch hóa thông tin, giảm thất thoát, lãng phí trong quản lý, sử dụng các nguồn lực của Nhà nước, đồng thời là công cụ hữu hiệu trong phòng, chống lãng phí ở tất cả các cấp, các ngành.

6. Tăng cường công tác phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương trong công tác phòng, chống lãng phí

a) Giao Thanh tra tỉnh

Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động xử lý ngay khi phát hiện vụ việc có dấu hiệu vi phạm, gây lãng phí, bức xúc trong dư luận. Không để vụ việc kéo dài.

b) Các sở, ban, ngành và địa phương tăng cường cơ chế phối hợp, chia sẻ dữ liệu, xây dựng quy trình xử lý liên thông giữa các bộ, ngành, địa phương để đảm bảo các vụ việc lãng phí, tiêu cực được phát hiện, xử lý kịp thời. Đồng thời, cần có cơ chế giám sát chặt chẽ giữa các cấp chính quyền để tránh tình trạng lợi ích nhóm, bao che sai phạm, làm ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý nhà nước.

7. Giao Sở Tài chính chủ trì theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc triển khai thực hiện Chỉ thị này, kịp thời báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh các vấn đề phát sinh vượt thẩm quyền theo quy định./.

 


Nơi nhận:
- TT. TU; TT. HĐND tỉnh;
- CT, các PCT. UBND tỉnh;
- Các sở, ban ngành tỉnh;
- Các cơ quan trung ương tại tỉnh;
- Các đơn vị sự nghiệp công lập tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Cổng Thông tin điện tử tỉnh;
- Lưu: TH.

CHỦ TỊCH




Trần Văn Lâu

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 09/CT-UBND năm 2025 đẩy mạnh phòng, chống lãng phí, khơi thông nguồn lực, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế do tỉnh Sóc Trăng ban hành

  • Số hiệu: 09/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 11/04/2025
  • Nơi ban hành: Tỉnh Sóc Trăng
  • Người ký: Trần Văn Lâu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 11/04/2025
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản