Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 94/BC-BVHTTDL | Hà Nội, ngày 28 tháng 3 năm 2025 |
BÁO CÁO
TÌNH HÌNH THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 88/QĐ-TTG NGÀY 20/01/2017 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN TĂNG CƯỜNG NĂNG LỰC QUẢN LÝ VÀ THỰC THI CÓ HIỆU QUẢ PHÁP LUẬT BẢO HỘ QUYỀN TÁC GIẢ, QUYỀN LIÊN QUAN ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2025
Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ
Triển khai Quyết định số 88/QĐ-TTg ngày 20/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Tăng cường năng lực quản lý và thực thi có hiệu quả pháp luật bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan đến năm 2020, định hướng đến năm 2025, trên cơ sở nhiệm vụ quản lý nhà nước, báo cáo của các Bộ, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương[1], Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xin báo cáo việc thực hiện trong năm 2024 như sau:
I. KẾT QUẢ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN
1. Công tác nghiên cứu, rà soát, đánh giá để kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của pháp luật về quản lý và thực thi quyền tác giả, quyền liên quan trong hệ thống pháp luật hiện hành, đảm bảo phù hợp thông lệ quốc tế.
Triển khai nội dung quyền tác giả, quyền liên quan tại Luật số 07/2022/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành, ban hành theo thẩm quyền các văn bản sau:
- Gia hạn Tuyên bố áp dụng chế độ ưu đãi dành cho các nước đang phát triển theo quy định tại Điều II và Điều III của Phụ lục Công ước Berne - Đạo Luật Paris (1971) (Quyết định số 881/2024/QĐ-CTN ngày 04/9/2024 của Chủ tịch nước về việc gia hạn Tuyên bố áp dụng chế độ ưu đãi theo Điều II và Điều III của Phụ lục Công ước Berne; Thông báo Berne số 290 của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới);
- Thông tư số 07/2024/TT-BVHTTDL ngày 01/10/2024 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định định mức kinh tế kỹ thuật dịch vụ giám định, thông tin, truyền thông về quyền tác giả, quyền liên quan phục vụ công tác quản lý nhà nước.
Bên cạnh đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang chủ trì xây dựng, tham mưu trình Chính phủ ban hành 02 văn bản: Nghị định quy định xử phạt hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan (thay thế Nghị định số 131/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 28/2017/NĐ-CP ngày 20/3/2017 và Nghị định số 129/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021); Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 21/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định về nhuận bút, thù lao đối với tác phẩm điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác.
Bộ Thông tin và Truyền thông đã trình Chính phủ ký ban hành Nghị định số 147/2024/NĐ-CP ngày 09/11/2024 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng (thay thế Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/07/2013 được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 27/2018/NĐ-CP ngày 01/3/2018). Đây là cơ sở pháp lý để triển khai các biện pháp đảm bảo, giám sát, xử lý an toàn thông tin trên mạng viễn thông, internet, trong đó có thực thi bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan. Ngoài ra, Bộ Thông tin và Truyền thông đang chủ trì xây dựng, tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định 18/2014/NĐ-CP quy định về tiền bản quyền trong lĩnh vực báo chí, xuất bản.
2. Về tăng cường năng lực quản lý và thực thi
a) Công tác biên soạn cẩm nang tuyên truyền, tài liệu hỏi đáp về quản lý và thực thi pháp luật quyền tác giả, quyền liên quan
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xuất bản cuốn sách “Các quy định pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan trong Luật Sở hữu trí tuệ và văn bản hướng dẫn thi hành”.
Bộ Công Thương đã xây dựng tài liệu phân tích về hiệp định thương mại tự do thế hệ mới có nội dung liên quan đến quyền tác giả, quyền liên quan: “Nghiên cứu, xây dựng tài liệu phân tích về ảnh hưởng/tác động của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (EVFTA) tới phát triển các sản phẩm và thị trường xuất khẩu tiềm năng, phục vụ việc xây dựng giải pháp hỗ trợ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong hoạt động xuất khẩu”.
Một số địa phương[2] đã in ấn, phát hành miễn phí các sách về văn bản quy phạm pháp luật, chuyên đề, sổ tay hướng dẫn, tờ rơi phổ biến pháp luật, trong đó có nội dung về quyền tác giả, quyền liên quan.
b) Công tác bồi dưỡng kiến thức, chuyên môn nghiệp vụ
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức thành công 02 hội nghị, hội thảo về tập huấn kiến thức pháp luật quyền tác giả, quyền liên quan và về bảo hộ bản quyền tác giả trong phát triển một số lĩnh vực điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh cho đội ngũ công chức, viên chức trực tiếp làm công tác quản lý và thực thi; 01 hội nghị quốc tế về thực thi bản quyền trên môi trường số với sự tham gia của đại diện 15 quốc gia; 01 diễn đàn bản quyền Việt Nam - Hàn Quốc.
Bộ Công Thương tổ chức 02 tập huấn nghiệp vụ về quản lý thị trường cho lực lượng Quản lý thị trường; thực thi pháp luật thương mại điện tử, trong đó có các nội dung về đấu tranh chống hàng giả, hàng hóa xâm phạm bản quyền cho một số địa phương[3]. Bộ Công Thương cũng đã chủ trì tổ chức 02 hội thảo quốc tế về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (phối hợp với đối tác Nhật Bản) và Hội thảo thực trạng và giải pháp nhận diện hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ từ góc nhìn doanh nghiệp Hàn Quốc (phối hợp với đối tác Hàn Quốc), trong đó có nội dung về bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan.
Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức phổ biến Nghị định số 147/2024/NĐ-CP ngày 09/11/2024 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng và Nghị định số 17/2023/NĐ-CP ngày 26/4/2023 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan cho đội ngũ công chức, viên chức, người lao động làm việc trong lĩnh vực thông tin và truyền thông.
Một số địa phương[4] đã chủ động tổ chức các lớp tập huấn về nâng cao hiệu quả thực thi quyền sở hữu trí tuệ, trong đó có nội dung về quyền tác giả, quyền liên quan, tại địa phương nhằm giúp các cán bộ, công chức làm công tác quản lý và thực thi tìm hiểu quy định pháp luật, kinh nghiệm thực tiễn, nâng cao năng lực nghiệp vụ, góp phần tổ chức thực thi hiệu quả pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan.
c) Về bố trí nhân lực làm công tác quản lý và thực thi pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan tại địa phương
Đến nay, hầu hết các địa phương đã bố trí công chức kiêm nhiệm thực hiện quản lý và thực thi pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan tại Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc Sở Văn hóa và Thể thao. Các công chức được giao nhiệm vụ đã nỗ lực thực hiện công việc, có mối liên hệ tốt với các hội văn học, nghệ thuật địa phương nhằm hỗ trợ các tác giả, những người sáng tạo, tạo điều kiện cho hoạt động của các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan trên địa bàn. Tuy nhiên, do luân chuyển vị trí công tác, một số công chức mới tiếp nhận công việc thực hiện quản lý và thực thi pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan chưa có điều kiện tìm hiểu về pháp luật, kinh nghiệm thực tiễn.
d) Về hỗ trợ, tạo điều kiện cho các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan trong hoạt động thực thi pháp luật, bảo đảm công khai, minh bạch, hướng tới hoạt động chuyên nghiệp
Các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan được tổ chức, hoạt động và quản lý theo quy định pháp luật về hội (Nghị định số 126/2024/NĐ-CP ngày 08/10/2024 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội, thay thế Nghị định số 45/2010/NĐ-CP và Nghị định số 33/2012/NĐ-CP). Bộ Nội vụ là cơ quan giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về hội trong phạm vi cả nước. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn, quản lý hoạt động nghiệp vụ đại diện tập thể theo quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ.
Tại Việt Nam có 6 tổ chức đại diện tập thể trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan được thành lập và hoạt động, bao gồm: Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam - VCPMC trực thuộc Hội Nhạc sĩ Việt Nam; Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam - RIAV; Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam - VLCC trực thuộc Hội Nhà văn Việt Nam; Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam - VIETRRO; Hội Bảo vệ quyền của nghệ sỹ biểu diễn âm nhạc Việt Nam - APPA; Hội bảo vệ quyền tác phẩm điện ảnh và phim truyền hình Việt Nam.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Cục Bản quyền tác giả) tổ chức các buổi làm việc, trao đổi văn bản về triển khai hoạt động đại diện tập thể, hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ đề nghị phê duyệt biểu mức, tổng hợp tình hình hoạt động theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ, Nghị định số 17/2023/NĐ -CP và các văn bản có liên quan.
Các địa phương chỉ đạo cơ quan chuyên môn giám sát, hỗ trợ hoạt động, tạo điều kiện cho các tổ chức đại diện tập thể thực hiện pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan. Một số tổ chức đại diện tập thể như Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam nhận được sự hỗ trợ của địa phương trong việc tổ chức thông tin, hướng dẫn cho các tác giả về thủ tục ủy quyền cấp phép thu và phân chia tiền bản quyền; tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở kinh doanh Karaoke, kinh doanh dịch vụ lưu trú, giải trí, quán bar... về việc tuân thủ quy định pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan khi khai thác, sử dụng tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng trên địa bàn.
Về đơn yêu cầu xử lý hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan do tổ chức đại diện tập thể gửi, chủ yếu từ Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam. Thanh tra Sở Văn hóa và Thể thao hoặc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp nhận, tiến hành mời đại diện doanh nghiệp đến làm việc, kiểm tra, xử lý đối với các cơ sở kinh doanh có vi phạm theo thẩm quyền. Đối với những doanh nghiệp cố tình trì hoãn việc thực hiện nghĩa vụ trả tiền bản quyền khi sử dụng tác phẩm âm nhạc, Thanh tra Sở đề nghị Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam tiến hành khởi kiện tại Tòa án theo quy định của pháp luật.
e) Một số kết quả khác
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức thanh tra theo kế hoạch đối với 02 vụ về việc chấp hành quy định pháp luật về phổ biến phim trong rạp chiếu và trên không gian mạng; tổ chức 01 đoàn kiểm tra việc chấp hành quy định về hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng , trong đó có chấp hành quy định về quyền tác giả, quyền liên quan. Kết luận thanh tra yêu cầu thực hiện một số nội dung theo quy định của pháp luật điện ảnh. Đối với xử lý đơn của người yêu cầu xử lý hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức thanh tra 22 vụ việc chấp hành quy định pháp luật về quyền tác giả đối với chương trình máy tính, xử phạt vi phạm hành chính 14 doanh nghiệp, tổng số tiền xử phạt là 675.000.000 đồng; tiếp nhận hồ sơ đề nghị xem xét xử lý vi phạm theo thẩm quyền và ra quyết định xử phạt 02 vụ việc đối với hành vi truyền đạt tác phẩm đến công chúng phim và truyện tranh với tổng số tiền phạt hành chính là 45.000.000 đồng ; xử lý 01 đơn phản ánh về việc sao chép một phần tác phẩm nhiếp ảnh đăng tải trên facebook.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã gửi văn bản đề nghị các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian thông báo đầu mối liên lạc về vấn đề quyền tác giả, quyền liên quan và công khai trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp; đề nghị các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian triển khai các biện pháp kỹ thuật nhằm ngăn chặn người dùng internet truy cập vào 103 trang website vi phạm phát sóng các trận bóng đá có nội dung quảng cáo đánh bạc, cá độ; gửi văn bản khuyến cáo tới hàng trăm doanh nghiệp yêu cầu chấp hành các quy định của pháp luật về quyền tác giả đối với chương trình máy tính, không cài đặt, không sao chép sử dụng các phần mềm vi phạm bản quyền. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với Công ty Cloudflare và Công ty Google về việc ngăn chặn phân giải DNS và/hoặc địa chỉ IP truy cập các website/tên miền vi phạm có đăng tải, truyền phát trái phép các trận đấu bóng đá tại Việt Nam, đã chặn 2.210 link website/tên miền vi phạm.
Bộ Công an đã khởi tố[5] 03 vụ án, 06 bị can, xử lý vi phạm hành chính 03 đối tượng[6] về hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan trong lĩnh vực điện ảnh.
Bộ Thông tin và Truyền thông tăng cường công tác hậu kiểm, thường xuyên rà quét thông tin trên mạng để phát hiện, chấn chỉnh, xử lý nghiêm minh, kịp thời đối với các hành vi vi phạm về quyền tác giả, quyền liên quan trên báo chí, xuất bản và thông tin trên mạng như sau: Phối hợp với Bộ Công an ngăn chặn truy cập hơn 7.000 trang mạng cung cấp nội dung có dấu hiệu xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan; Phối hợp với Công ty Facebook tiến hành chặn, gỡ 533 tài khoản, 17 trang Web của 36 hội nhóm giả mạo các cơ quan Nhà nước, tổ chức, cá nhân nhằm thực hiện hành vi lừa đảo trên mạng và các mục đích không chính đáng khác; Chặn gỡ 78 tài khoản quảng cáo cờ bạc, 43 hội nhóm hướng dẫn trốn nợ, lừa đảo, kêu gọi cướp ngân hàng, 21 hội nhóm quảng cáo kinh doanh làm giả giấy tờ các loại; phối hợp với Công ty TikTok gỡ 08 tài khoản (chứa hơn 20 video) và 01 video có nội dung quảng cáo dịch vụ lấy lại tiền, lừa đảo và xóa 10 tài khoản giả mạo; Ngăn chặn xử lý 6.826 trang web/blog lừa đảo trực tuyến, giả mạo; Điều phối các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ ISP xử lý 49.955 địa chỉ IP phát tán/bị lạm dụng phát tán thư điện tử rác; Ngăn chặn 307 trò chơi điện tử không phép không phép trên Google Play Store, 207 trò chơi điện tử không phép trên Apple App Store; Giám sát, rà quét 100% tên miền .VN, tên miền quốc tế do Nhà đăng ký tên miền quốc tế tại Việt Nam cấp cho tổ chức, cá nhân Việt Nam đăng ký sử dụng. Phát hiện 1.730 tên miền (425 tên miền .VN và 1.305 tên miền quốc tế) có dấu hiệu vi phạm, phát hiện 28 website giả mạo ngân hàng với mục đích lừa đảo, gây thiệt hại cho người dân và các tổ chức; 124.928 địa chỉ website giả mạo cơ quan, tổ chức.
Lực lượng Quản lý thị trường đã thanh tra, kiểm tra, xử lý 12 vụ vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan và xử phạt vi phạm hành chính là 274.250.000 đồng.
Thanh tra Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc Sở Văn hóa và Thể thao các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng kế hoạch, tổ chức, phối hợp tổ chức các Đoàn, Đội, Tổ kiểm tra liên ngành văn hóa - xã hội tiến hành kiểm tra nhiều nội dung hoạt động văn hóa đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên địa bàn, trong đó có kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan; nhắc nhở, yêu cầu các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động văn hóa, kinh doanh dịch vụ văn hóa như dịch vụ karaoke, biểu diễn nghệ thuật, phổ biến phim... cam kết chịu trách nhiệm, thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ tôn trọng quyền tác giả, quyền liên quan.
Qua công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát cho thấy hầu hết các đơn vị, tổ chức hoạt động báo chí, xuất bản, nghệ thuật tại địa phương tuân thủ quy định pháp luật về bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan. Đa số địa phương báo cáo không nhận được đơn thư khiếu nại, tố cáo, yêu cầu xử lý vi phạm về quyền tác giả, quyền liên quan.
3. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và hợp tác quốc tế trong quản lý và thực thi pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan
a) Công tác tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và thực thi pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì triển khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng Bộ cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản quyền tác giả, quyền liên quan, Bộ công cụ phần mềm quản lý và tra cứu phát hiện vi phạm trên Internet và liên thông cơ sở dữ liệu nhằm phục vụ cho công tác quản lý và thực thi bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan, hỗ trợ phát hiện vi phạm quyền tác giả trên không gian mạng và phát triển công nghiệp văn hóa số. Đến nay công việc số hóa dữ liệu đăng ký đã hoàn thành đối với 108.924 hồ sơ đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan giai đoạn 1986 - 2022.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã triển khai dịch vụ hành chính công trực tuyến đối với hoạt động đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan, tiếp nhận hồ sơ đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan theo đúng trình tự, thủ tục quy định của pháp luật, tạo thuận lợi cho công dân: Cổng dịch vụ công trực tuyến và Một cửa điện tử của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tích hợp với Cổng dịch vụ công quốc gia; dịch vụ bưu chính công ích; tiếp nhận trực tiếp tại 3 địa điểm: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng. Năm 2024, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã cấp 10.717 Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan cấp cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan, giảm 3,55% so với cùng kỳ năm 2023. Các thủ tục hành chính về đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan đã đảm bảo tuân thủ theo quy định của pháp luật, đáp ứng yêu cầu của thực hiện thủ tục hành chính toàn trình.
Bộ Thông tin và Truyền thông đã hợp tác với Google ra mắt trang website https://www.dauhieuluadao.com/ (dấu hiệu lừa đảo) nhằm nâng cao nhận thức về lừa đảo trực tuyến đang gia tăng, trong đó có liên quan đến xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan. Website đã cung cấp các tình huống lừa đảo điển hình phổ biến hiện nay tại Việt Nam và trên thế giới, các “nguyên tắc vàng” trong hành xử để tự ngăn chặn. Website được tích hợp vào Cổng không gian mạng quốc gia tại địa chỉ https://khonggianmang.vn/ để người dân dễ dàng sử dụng và tra cứu.
Bộ Công Thương (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số) cung cấp dịch vụ công trực tuyến giúp doanh nghiệp thực hiện thủ tục thông báo và đăng ký website, ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử tại trang Thông tin quản lý hoạt động thương mại điện tử tại địa chỉ online.gov.vn. Đến nay có 1.800 website hoặc ứng dụng thương mại điện tử bán các tác phẩm nghệ thuật, tác phẩm văn học được phát hành dưới dạng sách báo, báo in (gọi chung là sách, báo) đã thực hiện thủ tục thông báo website thương mại điện tử bán hàng. Các website hoặc ứng dụng phải đảm bảo cung cấp đầy đủ thông tin về hàng hóa khi đăng bán trên website hoặc ứng dụng. Có 210 website hoặc ứng dụng thuộc loại hình cung cấp dịch vụ thương mại điện tử có đăng ký cung cấp loại hàng hóa là sách, báo. Các đơn vị có cung cấp loại hình này phải có cơ chế và thực hiện đầy đủ các quy định về kiểm soát thông tin về người bán và thông tin về sản phẩm đăng tải (sách, báo) trên website và ứng dụng.
Bộ Công Thương (Tổng cục Quản lý thị trường) đã ký Biên bản ghi nhớ với Bộ Công an (Cục Công nghiệp an ninh) về việc triển khai Đề án chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trên thương mại điện tử đến năm 2025 theo Quyết định số 319/QĐ-TTg ngày 29/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ, theo đó sẽ phối hợp xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu bằng các giải pháp công nghệ thông tin nhằm chuyển đổi số công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực thương mại điện tử, quản lý lưu thông hàng hóa, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và năng lực xử lý tranh chấp, khiếu nại, bảo vệ người tiêu dùng trên thương mại điện tử, trong đó có bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan.
Các địa phương xây dựng, điều hành hoạt động Trung tâm dịch vụ hành chính công trực tuyến - đầu mối thống nhất cung cấp trực tuyến cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp mọi thông tin, dịch vụ, thủ tục hành chính trực tuyến; thực hiện số hóa hồ sơ, tài liệu gắn với cải cách thủ tục hành chính tại địa phương, trong đó có hoạt động số hóa các tài liệu liên quan đến quản lý và thực thi quyền tác giả, quyền liên quan, tạo thuận lợi cho việc thực hiện trên địa bàn.
b) Hội nhập và hợp tác quốc tế trong quản lý và thực thi pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan
Việt Nam hiện nay đã tham gia 08 Điều ước quốc tế đa phương về về quyền tác giả, quyền liên quan (Berne, Rome, Geneva, TRIPs, Brussel, WCT, WPPT, Marrakesh); đàm phán, ký kết 02 Hiệp định song phương với Hoa Kỳ, Liên bang Thụy Sĩ về sở hữu trí tuệ và quyền tác giả, quyền liên quan; đàm phán, ký kết 15 Hiệp định kinh tế, thương mại tự do song phương, khu vực với các quốc gia, khu vực kinh tế khác nhau có nội dung về quyền tác giả, quyền liên quan. Việt Nam đã có nhiều hoạt động hợp tác quốc tế với Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) và các tổ chức quốc tế khác (WTO, UNDP, ASEAN, CISAC, IFPI, IFRRO,…) trong hoạt động lập pháp, thực thi, nâng cao nhận thức và đào tạo nguồn nhân lực về quyền tác giả, quyền liên quan.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham gia nội dung quyền tác giả, quyền liên quan trong trao đổi, đàm phán, ký kết các văn kiện: Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Canada (ACAFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện giữa Việt Nam và Các Tiểu Vương quốc Ả-rập thống nhất (CEPA), việc Vương quốc Anh gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); Đề xuất hoạt động, sáng kiến về quyền tác giả, quyền liên quan trong Chương trình hành động của ASEAN về sở hữu trí tuệ giai đoạn 2026-2030; tổ chức tiếp đón và làm việc với các đoàn chuyên gia của các quốc gia và tổ chức quốc tế vào Việt Nam: Cơ quan bảo vệ bản quyền Hàn Quốc (KCOPA), đại diện thương mại Hoa Kỳ, Hiệp hội bảo vệ quyền nghệ sĩ biểu diễn Nhật Bản (CPRA), Hiệp hội bảo vệ quyền nghệ sĩ biểu diễn quốc tế (SCAPR), Hiệp hội bảo vệ quyền nghệ sĩ biểu diễn (Thụy Điển); tham dự các phiên họp của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới, các phiên họp của Nhóm công tác về Hợp tác Sở hữu trí tuệ các nước ASEAN, các hội nghị về quyền tác giả, quyền liên quan và công nghiệp văn hóa do Sở hữu trí tuệ thế giới tổ chức.
Bộ Công Thương (Tổng cục Quản lý thị trường) và Diễn đàn Bảo vệ Sở hữu trí tuệ quốc tế (IIPPF) đã ký Biên bản ghi nhớ trong lĩnh vực bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nhằm bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam; đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng hóa vi phạm và thực thi quyền sở hữu trí tuệ.
4. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật cho các chủ thể quyền, cá nhân, tổ chức khai thác, sử dụng và công chúng
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức thành công 4 hội thảo, tọa đàm trực tiếp tuyên truyền pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan cho trên 740 lượt các tác giả, chủ sở hữu, tổ chức phát thanh, truyền hình, doanh nghiệp hoạt động trong môi trường số, các tổ chức tư vấn, dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan, đại diện các đơn vị khai thác, sử dụng, các hội văn học nghệ thuật, các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan; thực hiện thành công 2 tọa đàm truyền hình cho khán giả xem chương trình trên kênh VTV2 về giải pháp bảo vệ bản quyền trên môi trường số, vai trò của bản quyền trong phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.
Đồng thời, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các đơn vị báo chí (Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Truyền hình Quốc hội, Truyền hình Thông tấn, Báo Văn hóa, Báo Điện tử Tổ quốc, Báo Điện tử Đài tiếng nói Việt Nam...) để triển khai truyền thông về quyền tác giả, quyền liên quan và công nghiệp văn hóa năm 2024 với trên 50 tin bài (bài phóng sự, bài phản ánh, tin sâu) đưa tin trên các báo Nhân dân, Báo ĐT Tổ Quốc, Báo VH; 46 chương trình (Tọa đàm, Phóng sự, phim tài liệu, tạp chí truyền hình, tin, chuyên đề) phát sóng trên các đài Đài tiếng nói Việt Nam, Truyền hình Thông tấn, Đài truyền hình Việt Nam, Truyền hình Quốc hội và nền tảng mạng xã hội Youtube 5G Network. Cổng thông tin điện tử của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và của cơ quan phụ trách lĩnh vực thường xuyên đăng tải, cập nhật, tổng hợp tin tức, sự kiện[7] về quyền tác giả, quyền liên quan nhằm cung cấp kịp thời các thông tin về quyền tác giả, quyền liên quan trong nước và quốc tế.
Bộ Công Thương chỉ đạo Tạp chí Công Thương và các đơn vị thuộc Bộ thực hiện quy định pháp luật và nhiệm vụ thông tin, truyền thông về quyền tác giả, quyền liên quan. Tạp chí Công Thương có các tin bài viết tuyên truyền thực thi pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan. Các bài nghiên cứu khoa học đăng trên Tạp chí phải ghi rõ nguồn. Chủ động thực thi pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan, trong năm 2024, Tạp chí Công Thương đã ký hợp đồng với Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam về việc sử dụng quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc khi tổ chức 3 sự kiện có biểu diễn âm nhạc.
Các hoạt động treo băng rôn, tổ chức lễ Mít ting hưởng ứng ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 26 tháng 4, các hoạt động tuyên truyền về tác giả, tác phẩm, triển lãm tranh ảnh... nhằm mục đích cho công chúng tìm hiểu về quyền tác giả, quyền liên quan và hoạt động bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan theo đúng quy định được triển khai tích cực tại nhiều địa phương.
Tại địa phương[8], việc hướng dẫn, chỉ đạo, đôn đốc, nhắc nhở về việc thực hiện nghĩa vụ quyền tác giả, quyền liên quan theo quy định của pháp luật được chú trọng trong khi tiếp nhận, thẩm định, giải quyết hồ sơ, ban hành văn bản chấp thuận biểu diễn nghệ thuật cho các tổ chức, doanh nghiệp; hoạt động tổ chức biểu diễn nghệ thuật phục vụ nhiệm vụ chính trị, các ngày lễ lớn của dân tộc, chương trình sự kiện kinh doanh thương mại tại các đơn vị sự nghiệp hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp; cấp giấy phép tổ chức triển lãm, tổ chức thi sáng tác mỹ thuật, nhiếp ảnh; thẩm định, cấp phép kinh doanh dịch vụ Karaoke; giải quyết hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo... , cụ thể như sau:
Đối với lĩnh vực quảng cáo: quá trình giải quyết hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo trên bảng quảng cáo, băng rôn theo quy định có lồng ghép tuyên truyền về vai trò, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân thực hiện quảng cáo phải đảm bảo tính hợp pháp của việc sử dụng biểu trưng, logo, hình ảnh, lời nói, chữ viết theo quy định của pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan.
Đối với lĩnh vực mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm: công tác cấp giấy phép các hoạt động mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm đảm bảo thực hiện đúng quy định, giúp người xem tiếp cận những tác phẩm có nội dung tốt, lành mạnh và nghiêm túc thực hiện các quy định về bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan.
Đối với lĩnh vực kinh doanh dịch vụ karaoke, kinh doanh dịch vụ vũ trường: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc Sở Văn hóa và Thể thao chỉ đạo các phòng, đơn vị, quận huyện tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường thực hiện đúng các quy định về quyền tác giả, quyền liên quan; tìm đến chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan, các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan được ủy quyền để thực hiện nghĩa vụ trả tiền bản quyền khi sử dụng bản ghi âm nhạc trong hoạt động dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường tại cơ sở kinh doanh.
Đối với lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn: Việc tiếp nhận và thụ lý hồ sơ chấp thuận tổ chức các chương trình biểu diễn nghệ thuật có lồng ghép nội dung tuyên truyền, nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan cho các chủ thể quyền, cá nhân, tổ chức khai thác, sử dụng tác phẩm trong và ngoài nước; đồng thời phổ biến đến các hội văn học nghệ thuật, các đơn vị nghệ thuật công lập và ngoài công lập, các văn nghệ sĩ về việc thực hiện pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân sáng tạo, khai thác các tác phẩm văn học, nghệ thuật.
Đối với lĩnh vực điện ảnh: Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan trong cộng đồng những người hoạt động điện ảnh được các địa phương có nhiều hoạt động điện ảnh quan tâm, qua đó giúp các doanh nghiệp, những người sáng tạo hiểu rõ, tham gia tích cực vào việc bảo vệ quyền của họ.
Trong lĩnh vực xuất bản, báo chí, truyền hình, việc chi trả tiền bản quyền cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan được thực hiện theo các quy định. Các địa phương[9] hướng dẫn, nhắc nhở/ban hành văn bản nhắc nhở đơn vị thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp về việc tôn trọng quyền tác giả, quyền liên quan.
Các đài phát thanh, truyền hình[10] ngày càng thực hiện tốt công tác bảo vệ, khai thác tài sản quyền tác giả, quyền liên quan thông qua việc kiểm soát chặt chẽ các hình ảnh, âm thanh, tư liệu các chương trình phát sóng trên các kênh truyền hình, hạ tầng internet do đài sản xuất; có văn bản hợp đồng trao đổi, mua bán, khai thác bản quyền chương trình do đài khai thác; ký kết, trả tiền bản quyền sử dụng các tác phẩm theo quy định.
Các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền ở Trung ương và địa phương đã phối hợp chặt chẽ với các hội chuyên ngành như Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam, Hội Mỹ thuật Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, các Hội Văn học nghệ thuật địa phương…trong việc tổ chức thực hiện các biện pháp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, Nhà nước và xã hội về quyền tác giả, quyền liên quan.
II. NHẬN XÉT, ĐÁNH GIÁ
1. Thuận lợi
- Các mục tiêu cụ thể cần đạt được giai đoạn 2020-2025 theo Đề án tăng cường năng lực quản lý và thực thi có hiệu quả pháp luật bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 về cơ bản đã hoàn thành: hầu hết các địa phương đã bố trí công chức kiêm nhiệm thực hiện quản lý và thực thi pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan tại Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc Sở Văn hóa và Thể thao; các thủ tục hành chính về đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan đã đảm bảo đáp ứng yêu cầu của thực hiện thủ tục hành chính toàn trình; hàng năm Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và một số Bộ có liên quan phối hợp tổ chức các chương trình tập huấn nghiệp vụ, tập huấn về quyền tác giả, quyền liên quan cho các công chức, viên chức quản lý và thực thi pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan tại địa phương và các chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan tham dự.
- Các văn bản pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan tương đối đồng bộ và ngày càng hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý, thực thi. Sự quan tâm chỉ đạo, ủng hộ của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự phối hợp của các cơ quan chức năng trong việc xây dựng kế hoạch, cấp kinh phí, tổ chức triển khai thực hiện các công việc theo kế hoạch, đúng quy định pháp luật là cơ sở, động lực cho việc thực hiện hiệu quả Quyết định số 88/QĐ-TTg. Công tác lập kế hoạch, tổ chức triển khai, báo cáo định kỳ hằng năm về triển khai hoạt động quản lý và thực thi bảo hộ về quyền tác giả, quyền liên quan thành ngày càng trở thành nề nếp.
- Công chức làm công tác quản lý và thực thi bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan tại địa phương được tham gia ngày càng nhiều chương trình tập huấn nghiệp vụ, giúp nâng cao được năng lực chuyên môn cũng như nhận thức sâu sắc về quyền tác giả, quyền liên quan.
- Các quy định pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan ngày càng được phổ biến rộng rãi. Nhận thức của các đơn vị, tổ chức, cá nhân là tác giả, chủ sở hữu quyền, bên khai thác, sử dụng và người dân dần được nâng lên và tinh thần tự giác chấp hành ngày càng cao.
- Công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; phối hợp thanh tra, kiểm tra được triển khai thường xuyên, linh hoạt nhằm hướng dẫn, xử lý kịp thời vụ việc về quyền tác giả, quyền liên quan.
- Việc ứng dụng công nghệ thông tin, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật từng bước được triển khai. Trình độ dân trí ngày càng phát triển, cơ sở hạ tầng phục vụ việc tiếp nhận thông tin Internet ngày càng tốt tạo thuận lợi cho công tác ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ quản lý, thực thi bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan.
2. Khó khăn, hạn chế và nguyên nhân
- Tình trạng xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan trên không gian mạng có diễn biến phức tạp, gây tổn hại nặng nề về mặt tài chính và quyền lợi của các nhà sáng tạo, các nhà sản xuất. Đối tượng vi phạm có nhiều thủ đoạn đối phó và tìm mọi cách nhằm trốn tránh sự kiểm soát của cơ quan chức năng (sử dụng các mạng xã hội xuyên biên giới; sử dụng tên miền quốc tế, đăng ký trực tiếp với tổ chức quốc tế ở nước ngoài, sử dụng dịch vụ ẩn giấu thông tin…) để thực hiện các hành vi phạm pháp về xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan. Việc phát hiện, ngăn chặn các đối tượng này gặp rất nhiều khó khăn do tính chất linh hoạt của trang tin điện tử, mạng xã hội là dễ dàng đăng phát nhưng cũng dễ dàng gỡ bỏ, phi tang chứng cứ; đồng thời gặp nhiều khó khăn trong việc xác định chủ thể của các trang thông tin điện tử sử dụng tên miền quốc tế, dịch vụ lưu trữ dữ liệu có máy chủ đặt tại nước ngoài, người sử dụng mạng xã hội xuyên biên giới (Facebook, TikTok, Instagram, YouTube,...); nhiều trường hợp không xác định được chủ thể, gây nhiều khó khăn trong công tác quản lý, giám sát hoạt động cũng như xử lý vi phạm. Sự phát triển của Internet, trí tuệ nhân tạo làm xuất hiện nhiều nội dung sáng tạo mới, nhiều cách thức khai thác nội dung quyền tác giả, quyền liên quan bất hợp pháp đang là thách thức cho công tác lập pháp, quản lý, thực thi bảo hộ về mặt kỹ thuật, công nghệ, pháp lý.
- Công tác quản lý nhà nước đang gặp khó khăn do các đối tượng né tránh, cho rằng mình không thuộc đối tượng quản lý, đặc biệt đối với hình thức hoạt động mới như doanh nghiệp hoạt động dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan ký hợp đồng kèm theo tài liệu cấp phép với tên gọi khác nhau, nhưng về bản chất là chứng nhận quyền sử dụng trên mạng thông tin điện tử đối với bản ghi âm tác phẩm âm nhạc cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ, đặc biệt về báo cáo, kiểm tra hoạt động doanh nghiệp về các nội dung như được ủy quyền đến đâu, việc cho phép sử dụng có trong phạm vi ủy quyền hay không và mức tiền bản quyền sử dụng là như thế nào....
- Một số cơ quan quản lý và thực thi quyền tác giả, quyền liên quan chưa thực sự chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai phát hiện vấn đề, điểm nóng; công tác phối hợp chưa thường xuyên, còn mang tính sự vụ, chưa thể hiện rõ vai trò tham mưu quản lý, trong khi lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan là lĩnh vực rộng, đa dạng loại hình, việc quản lý, thực thi liên quan đến nhiều cơ quan, sở, ngành chức năng.
- Nhân sự phụ trách công tác quản lý, thực thi quyền tác giả, quyền liên quan đa phần dạng kiêm nhiệm nhiều công việc, không có nhân sự chuyên trách, mức độ chuyên sâu trong lĩnh vực này còn hạn chế, thiếu kinh nghiệm, nên việc tập trung nghiên cứu và tham mưu trong lĩnh vực còn hạn chế; lực lượng thanh tra viên mỏng, phạm vi và địa bàn quản lý rộng.
- Kinh phí thực hiện các hoạt động quyền tác giả, quyền liên quan, trong đó có nguồn lực để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và thực thi, phòng chống vi phạm, nhất là trên môi trường mạng còn hạn chế.
- Tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng và công chúng vẫn chưa ý thức đầy đủ về nghĩa vụ quyền tác giả, quyền liên quan. Vẫn còn đối tượng còn biểu hiện né tránh trách nhiệm thực thi quyền tác giả, quyền liên quan hoặc thậm chí vì lợi ích cá nhân mà xâm hại tới quyền lợi hợp pháp của tác giả, chủ sở hữu quyền. Một số tác giả, chủ sở hữu quyền chưa nắm vững các quy định pháp luật, chưa chủ động áp dụng các biện pháp để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Chế tài xử lý vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan còn chưa đủ mạnh, chưa đủ sức răn đe.
III. MỤC TIÊU NHIỆM VỤ NĂM 2025
Các mục tiêu cần đạt được từ năm 2020 đến năm 2024 của Đề án tăng cường năng lực quản lý và thực thi có hiệu quả pháp luật bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 đã hoàn thành. Để tiếp tục triển khai Quyết định số 88/QĐ-TTg đạt hiệu quả, khắc phục một số khó khăn, hạn chế nêu trên, các Bộ, ngành, địa phương cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ được giao, cụ thể như sau:
1. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì thực hiện, phối hợp thực hiện công việc
- Tiếp tục hoàn thiện trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các quy định pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan, nhằm tạo hành lang pháp lý đồng bộ, minh bạch, khả thi, tạo chuyển biến, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động quản lý và thực thi pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan.
- Tiếp tục biên soạn cẩm nang, tài liệu hỏi đáp về quản lý, thực thi pháp luật quyền tác giả, quyền liên quan theo từng chủ đề để phổ biến đến cá nhân, tổ chức. Xây dựng hệ thống tài liệu tuyên truyền thống nhất, đồng bộ về quyền tác giả, quyền liên quan. Quản lý, đôn đốc các tổ chức đại diện tập thể tuân thủ quy định pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan.
- Tăng cường kết nối thông tin về quản lý và thực thi bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan giữa trung ương và địa phương. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và hợp tác quốc tế trong quản lý và thực thi pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan. Tiếp tục xây dựng, kết nối bộ cơ sở dữ liệu quốc gia phục vụ công tác quản lý và thực thi pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan, trong đó có phối hợp giữa các đơn vị cung cấp dịch vụ lưu trữ, các nhà mạng với các đơn vị xử lý các vấn đề về vi phạm bản quyền.
- Tăng cường vai trò, trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian, các tổ chức, doanh nghiệp cung cấp nội dung về quyền tác giả, quyền liên quan tuân thủ quy định pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan.
- Tổ chức triển khai thực hiện các Điều ước quốc tế đa phương, song phương về quyền tác giả, quyền liên quan mà Việt Nam đã ký kết, tham gia; các Chương trình, Dự án hợp tác, hỗ trợ kỹ thuật từ các quốc gia khác, các tổ chức quốc tế.
- Xây dựng các chiến dịch truyền thông về tầm quan trọng của quyền tác giả, quyền liên quan và hậu quả của việc vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan. Tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng, trường học; tổ chức các lớp tập huấn chuyên sâu cho cán bộ thực thi pháp luật quyền tác giả, quyền liên quan theo địa bàn, khu vực.
2. Các Bộ có liên quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
- Chủ động tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả nhiệm vụ về quản lý và thực thi pháp luật quyền tác giả, quyền liên quan được giao, đặc biệt là triển khai trên môi trường số.
- Tiếp tục tuyên truyền, nâng cao ý thức của các chủ thể quyền, tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng và người dân về nghĩa vụ thực thi pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan.
- Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra; phối hợp thanh tra, kiểm tra xử lý kịp thời hành vi vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan, trong đó có thanh tra, kiểm tra xử lý kịp thời hành vi vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường mạng Internet.
IV. MỘT SỐ KIẾN NGHỊ, ĐỀ XUẤT
1. Chính phủ
- Quan tâm hỗ trợ tạo nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật đáp ứng yêu cầu thực tiễn phục vụ công tác quản lý và thực thi pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan.
- Chỉ đạo các Bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện, bố trí nhân lực, cơ sở vật chất đảm bảo thực thi có hiệu quả pháp luật về bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan.
- Tiếp tục ủng hộ và tạo điều kiện cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các Bộ liên quan trong việc lập kế hoạch đầu tư trung hạn về ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và thực thi, phòng chống vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường mạng Internet.
2. Các Bộ, ngành liên quan tiếp tục quan tâm hơn nữa trong chỉ đạo các cơ quan thực thi thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan, đặc biệt trên môi trường số và xử lý nghiêm hành vi vi phạm theo thẩm quyền; thúc đẩy sáng tạo tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình và chương trình phát sóng có giá trị phục vụ công chúng, đóng góp và sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước.
3. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động, tích cực tăng cường hoạt động quản lý và thực thi bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan tại địa phương theo kế hoạch.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định./.
(Gửi kèm: Phụ lục Báo cáo)
| KT. BỘ TRƯỞNG |
PHỤ LỤC
THỐNG KÊ HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC TỔ CHỨC ĐẠI DIỆN TẬP THỂ QUYỀN TÁC GIẢ, QUYỀN LIÊN QUAN (CMOS) NĂM 2024
(Kèm theo Báo cáo số 94/BC-BVHTTDL ngày 28/03/2025 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch)
STT | Tên tổ chức | Số lượng hội viên ủy quyền | Số lượng tác phẩm ủy quyền | Hoạt động thu và phân chia tiền bản quyền | ||||
Tổng số tiền bản quyền (trong kỳ báo cáo) | Tổng số tiền bản quyền (Doanh thu tại Việt Nam) | Tổng số tiền bản quyền (Doanh thu từ CMOs nước ngoài) | Tổng số tiền bản quyền trả cho Chủ sở hữu Việt Nam | Tổng số tiền bản quyền trả cho Chủ sở hữu quốc tế | ||||
| Đơn vị tính | Người | Tác phẩm | VNĐ | VNĐ | VNĐ | VNĐ | VNĐ |
A | B | (1) | (2) | (3) | (4) | (5) | (6) | (7) |
1 | Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam - VCPMC | 6.425 | 230.000 | 350.079.419.932 | 339.524.386.613 | 10.555.033.319 | 211.735.331.168 | 41.877.295.556 |
2 | Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam - RIAV | 52 | 40.524 | 14.055.546.879 | 1.790.000.000 | 12.265.546.879 | 14.055.546.879 | 0 |
3 | Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam - VLCC | 1.125 | 8.035 | 703.857.867 | 703.857.867 | 0 | 281.543.146 | 0 |
4 | Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam - VIETRRO | 2.539 | 2.550 | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 |
5 | Hội bảo vệ quyền của nghệ sỹ biểu diễn âm nhạc Việt Nam - APPA | 213 | 8.500 | 81.000.000 | 81.000.000 | 0 | 60.000.000 | 0 |
6 | Hội bảo vệ quyền tác phẩm điện ảnh và phim truyền hình Việt Nam | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 |
Ghi chú: - Số liệu do các CMOs cung cấp.
- Ghi chú: số liệu cột (3) = (4) + (5) = (6) + (7) + các khoản khác nếu có (chi phí quản lý của CMOs, các khoản tiền chưa đến kỳ phân chia, khoản tiền tồn chưa trả được cho chủ sở hữu do chưa xác định được thông tin thay đổi của chủ sở hữu,…)
[1] Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã nhận được báo cáo của 3/4 Bộ liên quan và 45/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo đề nghị tại Công văn số 5397/BVHTTDL-BQTG ngày 06/12/2024 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch gửi các Bộ liên quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
[2] Một số địa phương: Trà Vinh, Thái Bình, Nghệ An, Cần Thơ, Bình Định,…
[3] Các địa phương tổ chức tập huấn: Quảng Ninh, Bắc Giang, Cà Mau, Bình Dương, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu
[4] Một số địa phương: Nam Định, Quảng Ninh, Cần Thơ, Bắc Kạn.…
[5] Công an TP. Hà Nội khởi tố 01 vụ án về điều hành website phim lậu Fmovies; Công an tỉnh Quảng Bình khởi tố 01 vụ án về điều hành các website phim “lậu” bilutvt.net, tvhayh.org, animefull.net; Công an tỉnh Khánh Hòa khởi tố 01 vụ án liên quan xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan, truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy trên ứng dụng A-Play TV.
[6] Công an tỉnh Nam định xử lý vi phạm hành chính đối với 03 đối tượng có hành vi quản trị, vận hành các trang mạng cung cấp nội dung xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan.
[7] Số lượng bài đăng: 20 bài viết tiếng Việt và 5 bài viết tiếng Anh; 22 tin; 35 câu hỏi và trả lời bạn đọc; 22 bài sưu tầm.
[8] Các địa phương: Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Trị, Ninh Bình, Quảng Ninh…
[9] Các địa phương: Đà Nẵng, An Giang, Bắc Kạn, Bắc Ninh, Bình Định, Bình Dương, Cao Bằng, Đắk Lắk, Đồng Nai, Gia Lai, Hà Nam, Kiên Giang, Kon Tum, Lạng Sơn, Ninh Bình, Quảng Ngãi, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Trà Vinh, Vĩnh Long, Yên Bái.
[10] Các địa phương có báo cáo về việc bảo vệ, khai thác quyền tác giả, quyền liên quan: Hồ Chí Minh, Vĩnh Long, Ninh Bình…
- 1Luật Sở hữu trí tuệ 2005
- 2Công ước Berne năm 1971 về việc bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật
- 3Nghị định 45/2010/NĐ-CP quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội
- 4Nghị định 33/2012/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 45/2010/NĐ-CP quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội
- 5Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng
- 6Nghị định 131/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan
- 7Nghị định 18/2014/NĐ-CP quy định về chế độ nhuận bút trong lĩnh vực báo chí, xuất bản
- 8Nghị định 21/2015/NĐ-CP quy định về nhuận bút, thù lao đối với tác phẩm điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác
- 9Nghị định 28/2017/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 131/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan và Nghị định 158/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo
- 10Quyết định 88/QĐ-TTg năm 2017 phê duyệt Đề án Tăng cường năng lực quản lý và thực thi có hiệu quả pháp luật bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 11Nghị định 27/2018/NĐ-CP về sửa đổi Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng
- 12Thông báo 50/2018/TB-LPQT về hiệu lực của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership)
- 13Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EVFTA)
- 14Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022
- 15Nghị định 147/2024/NĐ-CP quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng
- 16Nghị định 129/2021/NĐ-CP sửa đổi các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch; thể thao; quyền tác giả, quyền liên quan; văn hóa và quảng cáo
- 17Quyết định 319/QĐ-TTg năm 2023 phê duyệt Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 18Nghị định 17/2023/NĐ-CP năm 2023 hướng dẫn Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan
- 19Nghị định 126/2024/NĐ-CP quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội
Báo cáo 94/BC-BVHTTDL năm 2025 tình hình thực hiện Quyết định 88/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Tăng cường năng lực quản lý và thực thi có hiệu quả pháp luật bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành
- Số hiệu: 94/BC-BVHTTDL
- Loại văn bản: Báo cáo
- Ngày ban hành: 28/03/2025
- Nơi ban hành: Bộ Văn hoá, Thể thao và du lịch
- Người ký: Hồ An Phong
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 28/03/2025
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra